Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 23/09, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.139 VND/USD, tăng 07 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.750 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.783 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.765 VND/USD, tăng nhẹ 03 đồng so với phiên 22/09. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 85 đồng ở chiều mua vào và 35 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.035 - 23.185 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 23/09, lãi suất chào bình quân LNH VND đi ngang ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1W và tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 2W so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,70%; 1W 0,81%; 2W 0,94 và 1M 1,16%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn ON trong khi tăng 0,01 đpt ở các kỳ hạn 1W, 2W và giữ nguyên ở kỳ hạn 1M, giao dịch tại: ON 0,13; 1W 0,18%; 2W 0,22%, 1M 0,29%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tiếp tục tăng khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,81%; 5Y 0,90%; 7Y 1,24%; 10Y 2,12%; 15Y 2,34%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ giảm sâu, các chỉ số giao dịch quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 2,08 điểm (+0,15%) lên 1.352,76 điểm; HNX-Index giảm 2,41 điểm (-0,66%) xuống 361,02 điểm; UPCoM-Index tăng 0,72 điểm (+0,74%) lên 98,37 điểm. Thanh khoản thị trường hồi phục với tổng giá trị giao dịch đạt gần 29.000 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng khoảng gần 234 tỷ VND trên cả ba sàn.
Theo Tổng cục Hải quan, trong kỳ 1 tháng 9/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,51 tỷ USD, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/09, CCTM hàng hóa thâm hụt 4,19 tỷ USD. Tổng trị giá hàng hoá XK của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2021 đạt 11,57 tỷ USD, giảm 27,1% so với kỳ 2 tháng 8/2021. Lũy kế từ đầu năm nay đến hết ngày 15/09, tổng trị giá XK của Việt Nam tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 225,2 tỷ USD. Tổng trị giá hàng hoá NK trong kỳ 1 tháng 9/2021 đạt 13,08 tỷ USD, giảm 10,5% so với nửa cuối tháng 8/2021. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/09, tổng trị giá NK của cả nước đạt 229,38 tỷ USD, tăng tới 32,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tin quốc tế:
Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 18/09 ở mức 351 nghìn đơn, tăng so với 335 nghìn đơn của tuần trước đó, trái với dự báo giảm nhẹ xuống còn 322 nghìn đơn, đánh dấu mức đơn cao nhất trong vòng 1 tháng.
Theo kết quả khảo sát của IHS Markit, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ của Eurozone lần lượt ở mức 58,7 và 56,3 điểm trong tháng 9, cùng giảm từ 61,4 và 59.0 điểm của tháng 8, đồng thời thấp hơn mức 60,4 và 58,4 điểm theo dự báo. Riêng tại Đức, PMI lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tháng 9 lần lượt ghi nhận ở mức 58,5 và 56,0 điểm, giảm từ 62,6 và 60,8 điểm của tháng 9.
Trong phiên họp chính sách hôm qua ngày 23/09, NHTW Anh BOE nhận định sức phục hồi của nền kinh tế quốc nội Anh đã cho thấy những dấu hiệu giảm tốc kể từ phiên họp tháng 8. Áp lực lạm phát toàn cầu vẫn đang rất lớn, một số chỉ báo lạm phát đã tăng lên, bao gồm cả tại Vương quốc Anh. CPI của nước Anh được dự báo ở khoảng 4,0% y/y vào quý 4/2021. BOE kỳ vọng với CSTT như hiện tại, CPI sẽ giảm trở lại xuống gần mức mục tiêu 2,0% trong trung hạn. Cơ quan này cũng dự báo GDP của Anh sẽ tăng khoảng 1,0% q/q trong quý 3, theo đó thấp hơn khoảng 2,5% so với thời điểm trước khi Covid-19 tác động. Trong bối cảnh trên, Ủy ban CSTT của BOE (MPC) nhất trí duy trì LSCS ở mức 0,1%; đồng thời tiếp tục nắm giữ TP tổ chức phi tài chính với quy mô 20 tỷ GBP và 875 tỷ GBP TPCP Anh.
Liên quan tới kinh tế Anh, PMI sơ bộ lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ nước này do IHS Markit khảo sát được lần lượt ở mức 56,3 và 54,6 điểm trong tháng 9, cùng giảm từ 60,3 và 55,0 điểm của tháng 8, đều thấp hơn so với dự báo ở mức 59,0 và 55,0 điểm.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB