Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 22/09, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.132 VND/USD, giảm trở lại 02 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.750 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.776 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.762 VND/USD, giảm nhẹ 01 đồng so với phiên 21/09. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 22.950 - 23.150 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 22/09, lãi suất chào bình quân LNH VND đi ngang ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,70%; 1W 0,82%; 2W 0,93 và 1M 1,16%. Tương tự, lãi suất chào bình quân LNH USD cũng giữ nguyên ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,14; 1W 0,17%; 2W 0,21%, 1M 0,29%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tiếp tục tăng ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,79%; 5Y 0,89%; 7Y 1,22%; 10Y 2,10%; 15Y 2,32%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường trái phiếu: Ngày 22/09, KBNN huy động thành công 6.373/9.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 71%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.540/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động 2.333/2.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu từng kỳ hạn lần lượt tại 2,08%/năm (+0,03%); 2,31%/năm (+0,03%); 2,98%/năm (không đổi).
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, sắc xanh chiếm ưu thế ở nhóm vốn hóa lớn giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 10,84 điểm (+0,81%) lên 1.350,68 điểm; HNX-Index tăng 4,45 điểm (+1,24%) lên 363,43 điểm; UPCoM-Index tăng 0,88 điểm (+0,91%) lên 97,85 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước với tổng giá trị giao dịch đạt trên 24.200 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng khoảng gần 244 tỷ VND trên cả ba sàn.
Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB dự báo GDP Việt Nam 2021 chỉ tăng trưởng 3,8%, giảm mạnh so với mức 6,7% hay 5,8% dự báo trước đó. Theo ADB, đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Dù vậy, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nếu đại dịch được kiểm soát vào cuối năm nay và đến quý II/2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng. Với giả định này, GDP Việt Nam 2022 được ADB dự kiến đạt 6,5%.
Tin quốc tế:
Thông báo sau phiên họp chính sách tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed cho thấy Fed đưa ra tín hiệu sẽ sớm giảm lượng mua trái phiếu và khả năng tăng lãi suất chính sách vào năm sau. Các quan chức Fed nhất trí duy trì lãi suất chính sách ở mức từ 0,0 – 0,25% và giữ nguyên lượng mua trái phiếu hàng tháng ở mức 120 tỷ USD. Tuy nhiên, Fed cho thấy khả năng giảm dần lượng mua trái phiếu từ tháng 11/2021 và kết thúc chương trình này vào năm 2022 khi số liệu về thị trường lao động Mỹ rất tích cực. Đồ thị dot-plot mới được công bố cho thấy 9/18 quan chức Fed ủng hộ việc tăng lãi suất chính sách trong năm sau khi lạm phát 2021 được dự báo ở mức 4,2%, hơn gấp đôi so với lạm phát mục tiêu 2%. Fed dự báo lạm phát sẽ ở mức 2,2% trong năm 2022 và 2023 và giảm xuống 2,1% trong năm 2024. LSCS được kỳ vọng sẽ tăng chậm lên mức 1% vào 2023 và lên 1,8% vào 2024 khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức trước đại dịch với 3,5%. Các nhà hoạch định chính sách cũng giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống mức 5,9% từ mức 7,0% hồi tháng 6, chủ yếu do sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới đây. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2022 lại được tăng từ mức 3,3% trước đó lên 3,8%.
Hiệp hội Môi giới Quốc gia Mỹ cho biết doanh số bán nhà cũ tại nước này trong tháng 8 ở mức 5,88 triệu căn, thấp hơn mức 6,00 triệu căn của tháng 7 và gần khớp với mức 5,87 triệu theo dự báo của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2020, doanh số bán nhà cũ tháng 8 giảm nhẹ 1,5%. Tuy nhiên, giá nhà cũ trung bình trong tháng vừa qua vẫn ở mức 356,7 nghìn USD/căn, tăng 14,9% so cùng kỳ năm trước.
Trong phiên họp ngày hôm qua, NHTW Nhật Bản BOJ nhận định kinh tế quốc nội đã dần phục hồi, trong bối cảnh những tác động của dịch Covid-19 dần suy yếu. Đà phục hồi được kỳ vọng sẽ kéo dài khi quá trình tiêm chủng vaccine đạt được tiến bộ, đồng thời nhu cầu trên thị trường quốc tế đi lên. Theo đó, BOJ quyết định không thay đổi CSTT hiện tại. Cơ quan này giữ nguyên LSCS ở mức -0,1% và lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0% để giữ chi phí vay vốn của các công ty và hộ gia đình ở mức thấp. Bên cạnh đó, BOJ cũng quyết định tiếp tục mua chứng chỉ ETF khi cần với hạn mức mua hàng năm 12 nghìn tỷ JPY, đồng thời duy trì thu mua TPDN với quy mô tối đa 20 nghìn tỷ JPY kể từ nay cho tới hết tháng 03/2022. CSTT nới lỏng này của BOJ nhằm đạt được lạm phát mục tiêu ổn định ở mức 2,0%.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB