Tổng quan:
Giải ngân đầu tư công đến hết tháng 8/2021 đạt thấp so với kế hoạch, Chính phủ và các cơ quan Chính phủ đã chỉ ra nguyên nhân và đề ra giải pháp để cải thiện tình trạng này.
Theo Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân vốn đầu tư công đến 31/08/2021 là 187.285,01 tỷ đồng, mới đạt 40,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (46,41%). Trong đó, vốn trong nước đạt 44,7% (cùng kỳ năm 2020 là 50,02%), vốn nước ngoài đạt 7,94% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,26%). Điển hình về việc chậm triển khai đầu tư công là Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là một trong những dự án trọng điểm, nhưng nhiều năm qua luôn trong tình trạng chậm trễ. Thậm chí, dự án này vẫn còn hơn 1.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2018 còn lại chưa giải ngân, phải chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025. Khó khăn lớn nhất của Dự án là quy mô giải phóng mặt bằng lớn, hai năm nay lại chịu thêm tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Nhiều dự án quy mô lớn khác cũng trong tình trạng tương tự như Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; các đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây…
Bộ KH&ĐT và Bộ TC đều thống nhất cho rằng, do tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay tại nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt 19 tỉnh thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 19/7/2021 đến nay và thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7/2021 đến nay... nên đã tác động trực tiếp đến tiến độ triển khai thực hiện, thi công các công trình. Đồng thời, giá nguyên vật liệu (sắt, thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi...) tăng đột biến từ đầu năm cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Ngoài ra, theo KBNN, những chậm trễ trong việc phân bổ vốn cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch vốn ĐTC năm 2021. Việc chưa phân bổ hết số vốn NSNN năm 2021 được giao là do kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 triển khai khi kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025 đến cuối tháng 7/2021 mới được Quốc hội thông qua, nhiều dự án khởi công mới chưa có trong kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2016-2020 phải chờ kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua mới có cơ sở để phân bổ, giao kế hoạch đầu tư. Bên cạnh đó, kế hoạch vốn năm 2021 chưa được Thủ tướng Chính phủ giao (vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia) là 16.000 tỷ đồng vốn trong nước do hiện nay các Chương trình mới đang trong giai đoạn lập và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thêm vào đó, số kế hoạch vốn năm 2021 chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai phân bổ vẫn còn tới 11,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với nguồn vốn nước ngoài, sự phản hồi của nhà tài trợ ODA khi được xin ý kiến rất chậm, đặc biệt là song phương, thời gian thẩm định và phê duyệt tài liệu đấu thầu của nhà tài trợ chậm, dẫn đến thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài hơn, chậm trao hợp đồng so với các dự án trong nước. Các dự án ODA cũng chịu tác động nặng nề của dịch bệnh do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ khâu nhập máy móc, thiết bị đến chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát...
Để thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC, Thủ tướng Chính phủ đã phải ra Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/08 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, yêu cầu tăng cường kỷ cương, kỷ luật, cương quyết điều chuyển vốn nếu chậm giải ngân. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSTW năm 2021 của các bộ, cơ quan, địa phương mà đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn được giao từ đầu năm để điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn thực hiện các dự án.
Bộ KH&ĐT cũng trình Chính phủ Kế hoạch đầu tư công năm 2022. Dự kiến, kế hoạch đầu tư công năm tới sẽ tập trung vào các tuyến đường ven biển chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025; khởi công mới một số dự án có tính chất cấp bách, quan trọng, có tác động tích cực đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, dự án khẩn cấp theo quy định của Luật Đầu tư công. Dự kiến tổng mức vốn NSNN năm 2022 là 516.700 tỷ đồng, tăng 8,3% so với kế hoạch năm 2021, trong đó: vốn NSTW là 222.000 tỷ đồng (vốn trong nước 187.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 35.000 tỷ đồng), bằng với kế hoạch năm 2021; vốn ngân sách địa phương 294.700 tỷ đồng, tăng 15,4% so với kế hoạch năm 2021.
Tóm lược thị trường trong nước từ 06/09 - 10/09
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 06/09 - 10/09, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm qua các phiên. Chốt tuần 10/09, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.118 VND/USD, tăng 09 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.762 VND/USD.
Trong tuần qua, tỷ giá LNH không biến động mạnh. Chốt phiên cuối tuần 10/09, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.772 VND/USD, chỉ giảm 01 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng tăng, chốt tuần tăng 90 đồng ở chiều mua vào 40 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.040 VND/USD và 23.190 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần qua từ 06/09 - 10/09 giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 10/09, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,70% (-0,01 đpt); 1W 0,81% (-0,04 đpt); 2W 0,92% (-0,06 đpt); 1M 1,15% (-0,05 đpt).
Lãi suất USD LNH vẫn gần như không biến động trong tuần. Chốt tuần 10/09, lãi suất USD LNH đóng cửa không thay đổi ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,18%; 2W 0,23% và 1M 0,32%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 06/09 - 10/09, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 06/09 - 10/09, KBNN huy động thành công 8.780/9.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu khoảng 92%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm,10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ lần lượt 1.000 tỷ đồng, 3.000 tỷ đồng và 4.500 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động 280/1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 1,17%/năm (-0,08%); 2,04%/năm (-0,01%); 2,28%/năm (không đổi) và 2,98%/năm (không đổi). Trong tuần có 1.300 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Tuần này từ 06/09 - 10/09, KBNN sẽ tiếp tục gọi thầu 9.000 tỷ đồng TPCP. Trong tuần này sẽ có 530 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.793 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 7.473 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP biến động trái chiều trong tuần vừa qua. Chốt phiên 10/09, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,31% (không thay đổi); 2 năm 0,53% (-0,01 đpt); 3 năm 0,70% (+0,01 đpt); 5 năm 0,82% (-0,01đpt); 7 năm 1,16% (-0,03 đpt); 10 năm 2,07% (không thay đổi); 15 năm 2,28% (+0,01 đpt); 30 năm 2,98% (không thay đổi).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 06/09 - 10/09, thị trường chứng khoán có các phiên tăng – giảm điểm đan xen, VN-Index chưa vượt được ngưỡng kháng cự mạnh 1.350 điểm. Kết thúc phiên giao dịch 10/09, VN-Index đứng ở mức 1.345,31 điểm, tương ứng tăng 10,66 điểm (+0,80%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 6,63 điểm (+1,93%) lên 350,05 điểm; UPCoM-Index tăng 2,48 điểm (+1,49%) lên 95,41 điểm
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 25.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 2.780 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, trên thị trường lao động, Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ cho biết quốc gia này tạo ra 10,93 triệu cơ hội việc làm trong tháng 8, cao hơn so với mức 10,19 triệu của tháng 7, đồng thời cao hơn mức 10,03 triệu theo dự báo. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 04/09 ở mức 310 nghìn đơn, giảm xuống từ mức 345 nghìn đơn của tuần trước đó, thấp hơn khá nhiều so với mức 343 nghìn đơn theo dự báo. Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần và PPI lõi của Mỹ lần lượt tăng 0,7% và 0,6% m/m trong tháng 8 sau khi cùng tăng 1,0% ở tháng 7, cùng cao hơn so với mức tăng 0,6% và 0,5% theo kỳ vọng. Theo báo cáo trong sách BE của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 08/09, tăng trưởng kinh tế của nước này chững lại trong tháng 07-08/2021, do tình trạng thiếu lao động và nguyên liệu, cũng như những lo ngại về sự lây lan nhanh của biến thể Delta.
NHTW Châu Âu ECB không thay đổi CSTT trong phiên họp đầu tháng 9, đồng thời khu vực này đón một số thông tin kinh tế đáng chú ý. Cụ thể, trong phiên họp ngày 09/09, ECB cho rằng vẫn có thể duy trì tình trạng tích cực nếu giảm nhịp độ mua tài sản ròng theo chương trình PEPP, mặc dù vậy quy mô mua tài sản trị giá 1.850 tỷ EUR vẫn được giữ nguyên. Bên cạnh đó, ECB duy trì các mức LSCS như cũ, cụ thể LS tái cấp vốn ở mức 0,0%; LS cho vay cận biên là 0,25% và LS tiền gửi là -0,5%. Cơ quan này dự báo GDP Eurozone sẽ tăng trưởng 5,0% trong năm 2021 (cao hơn mức 4,6% theo dự báo trước đó), sau đó lần lượt tăng 4,6% và 2,1% trong các năm 2022 và 2023. Tỷ lệ lạm phát trong năm nay sẽ ở mức tương đối cao, sau đó giảm dần vào các năm tiếp theo. Cụ thể, CPI y/y năm 2021 được dự báo ở mức 2,2%, theo sau là 1,7% ở năm 2022 và 1,5% năm 2023. Liên quan đến kinh tế Eurozone, GDP của khu vực này được điều chỉnh mức tăng lên 2,2% q/q trong quý 2, cao hơn mức tăng 2,0% theo thống kê sơ bộ. Tiếp theo, niềm tin kinh tế tại khu vực này do ZEW khảo sát đạt mức 31,1 điểm trong tháng 9, giảm xuống từ mức 42,7 điểm của tháng 8 đồng thời thấp hơn dự báo ở mức 35,3 điểm.
NHTW Úc RBA không thay đổi LSCS. Trong phiên họp ngày 07/09, cơ quan này sẽ kéo dài chương trình mua TPCP với tốc độ 4 tỷ AUD/tháng, trong thời gian ít nhất từ nay cho tới giữa tháng 02/2022, dài hơn so với dự định mua tới giữa tháng 11/2021 như thông báo tại kỳ họp tháng 8. Ngoài ra, RBA quyết định duy trì LSCS ở mức 0,1%; cam kết sẽ không tăng LSCS cho tới khi đạt được lạm phát bền vững trong ngưỡng 2,0% - 3,0%. RBA dự báo nhiều khả năng nước Úc không thể đạt ngưỡng CPI này ít nhất cho tới 2024. Ở thời điểm hiệm tại, RBA nhận định đà phục hồi kinh tế của nước Úc đang bị kìm hãm bởi biến thể Delta trong đại dịch Covid-19. GDP được dự báo sẽ giảm xuống trong quý 3, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp sẽ tạm thời tăng trở lại trong những tháng tới. Liên quan tới kinh tế Úc, chỉ số PMI lĩnh vực xây dựng nước này do AIG khảo sát được ở mức 45,6 điểm trong tháng 8, giảm xuống từ mức 51,7 điểm của tháng 7.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB