Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 13/09 - 17/09/2021

08:26 20/09/2021

Tổng quan:

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được nhiều cơ hội từ các ưu đãi từ khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP. Chính phủ Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định này vào ngày 16/09/2021.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Trong hơn hai năm này, nhiều cam kết của CPTPP đã được triển khai trên thực tế, những kết quả đầu tiên cũng đã được phản ánh thông qua các số liệu thống kê vĩ mô về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP, và các dữ liệu về công tác cải cách thể chế thực thi cam kết CPTPP ở Việt Nam. Là thỏa thuận thương mại tự do FTA thế hệ mới có quy mô lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được xem là cột mốc có tính bước ngoặt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo chiều sâu của Việt Nam. Với các cam kết bao trùm nhiều lĩnh vực và với mức độ tự do hóa mạnh hơn phần lớn các FTA đã có của Việt Nam, CPTPP được dự báo sẽ tạo ra những tác động tích cực cả về kinh tế và thể chế cho Việt Nam. Đồng thời, với những cam kết tiêu chuẩn cao so với thế giới trong nhiều khía cạnh quy tắc, CPTPP đặt ra những thách thức đáng kể đối với Việt Nam trong quá trình thực thi Hiệp định.

Hiệu quả tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại như CPTPP của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện và đã được đề cập trước đây. Tín hiệu tích cực nhất đạt được sau khi thực thi CPTPP là việc xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng (trong khoảng từ 26%-36%), Cụ thể là ở Mexico và Canada, vốn là 2 thị trường Việt Nam mới có FTA. Năm 2021, nhờ CPTPP, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Canada tăng mạnh, trong đó nổi bật là thủy sản và cà phê, dù dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, mới chỉ có 29% doanh nghiệp có giao dịch xuất khẩu với các nước thành viên CPTPP có lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định. Kết quả khảo sát của VCCI cũng cho biết, các doanh nghiệp nhìn chung còn khá mơ hồ với CPTPP, khi có tới 69% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ mới chỉ nghe nói và biết sơ bộ về CPTPP; chỉ 25% doanh nghiệp được cho có những hiểu biết nhất định và tỷ lệ doanh nghiệp thực sự hiểu rõ về hiệp định này còn là con số ít hơn nhiều. Cứ 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Đối với một số ngành, hàng cụ thể, các nghiên cứu chỉ ra việc tận dụng ưu đãi thuế quan của dệt may, da giày còn hạn chế do chưa đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ hàng hóa bởi sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu ngoại khối. Doanh nghiệp thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định về ghi nhãn hàng hóa, môi trường… Đây cũng là chỉ dấu đáng quan ngại cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ Hiệp định CPTPP của Việt Nam còn hạn chế. Ngoài ra, một số nguyên nhân khách quan dẫn tới thực tế trên là do các ưu đãi thuế quan CPTPP giai đoạn đầu còn thấp so với ưu đãi của các FTA mà Việt Nam đã có với cùng các đối tác. Cùng với đó, các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của CPTPP tương đối phức tạp và khác biệt so với các FTA khác, đòi hỏi thời gian để tìm hiểu và điều chỉnh sản xuất.

Liên quan đến việc tham gia CPTPP, Chính phủ Trung Quốc ngày 16/09/2021 thông báo đã chính thức nộp đơn xin gia nhập hiệp định này. Theo các chuyên gia, nỗ lực của Trung Quốc gia nhập CPTPP chủ yếu là nhằm tăng cường ảnh hưởng của nước này ở châu Á - Thái Bình Dương. Việc Trung Quốc gia nhập CPTPP được dự báo sẽ khó khăn khi cần sự đồng thuận của 11/11 nước thành viên CPTPP. Theo Hãng tin Reuters, Úc có thể là trở ngại lớn khi quan hệ giữa nước này và Trung Quốc đang ở mức thấp vì căng thẳng ngoại giao, chính trị, thương mại. Trước đó, một tháng sau khi ra khỏi thị trường chung châu Âu, ngày 30/01/2021, Anh thông báo chính thức xin gia nhập hiệp định CPTPP. Mỹ chưa tham gia hiệp định này, vào năm 2017, tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, tiền thân của CPTPP. Tổng thống hiện tại Joe Biden có vẻ vẫn thận trọng về khả năng đưa Mỹ gia nhập hiệp định thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương này.     

Tóm lược thị trường trong nước từ 13/09 - 17/09

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 13/09 - 17/09, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt tuần 17/09, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.119 VND/USD, chỉ tăng 01 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.763 VND/USD.

Tương tự, trong tuần qua, tỷ giá LNH không biến động mạnh. Chốt phiên cuối tuần 17/09, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.797 VND/USD, tăng 25 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do cũng luân phiên tăng – giảm, chốt tuần tăng 20 đồng ở chiều mua vào 40 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.060 VND/USD và 23.230 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần qua từ 13/09 - 17/09 biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 17/09, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,70% (không thay đổi); 1W 0,80% (-0,01 đpt); 2W 0,90% (-0,02 đpt); 1M 1,16% (+0,01 đpt).

Lãi suất USD LNH vẫn gần như không biến động trong tuần. Chốt tuần 17/09, lãi suất USD LNH đóng cửa giảm 0,01 - 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,13%; 1W 0,18%; 2W 0,21% và 1M 0,30%.

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 13/09 - 17/09, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.        

Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 13/09 - 17/09, KBNN huy động thành công 8.240/11.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 75%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 616/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động 3.100/4.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 3.024/4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động được toàn bộ 1.500 tỷ đồng. Lãi suất các kỳ hạn lần lượt tại 0,82%/năm (không đổi); 2,06%/năm (+0,01%); 2,29%/năm (+0,01%); 2,8%/năm (-0,02%). Trong tuần có 530 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Tuần này từ 20/09 - 24/09, KBNN sẽ tiếp tục gọi thầu 9.000 tỷ đồng TPCP. Trong tuần này sẽ có 900 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.141 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 9.793 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP biến động trái chiều trong tuần vừa qua. Chốt phiên 17/09, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,31% (không thay đổi); 2 năm 0,55% (+0,02 đpt); 3 năm 0,7% (không thay đổi); 5 năm 0,83% (+0,01đpt); 7 năm 1,19% (+0,03 đpt); 10 năm 2,09% (+0,02 đpt); 15 năm 2,31% (+0,03 đpt); 30 năm 2,97% (-0,01 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 13/09 - 17/09, thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng điểm nhẹ của tuần trước đó. Kết thúc phiên giao dịch 17/09, VN-Index đứng ở mức 1.352,64 điểm, tương ứng tăng 7,33 điểm (+0,54%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 7,92 điểm (+2,26%) lên 357,97 điểm; UPCoM-Index tăng 1,99 điểm (+2,09%) lên 97,40 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 24.570 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 3.625 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.

Tin quốc tế

Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, CPI toàn phần và CPI lõi của nước này lần lượt tăng 0,3% và 0,1% m/m trong tháng 8, nối tiếp đà tăng 0,5% và 0,3% của tháng 7 nhưng chưa đạt mức tăng 0,4% và 0,3% theo kỳ vọng của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm trước, CPI toàn phần và CPI lõi tại Mỹ lần lượt tăng 5,3% và 4,0%. Tiếp theo, ở lĩnh vực bán lẻ, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần của nước Mỹ lần lượt tăng 1,8% và 0,7% m/m trong tháng 8 sau khi giảm 1,0% và 1,8% ở tháng 7, trái dự báo tiếp tục giảm nhẹ 0,1% và 0,7%. So với cùng kỳ năm 2020, doanh số bán lẻ toàn phần tăng tới 15,1%, cao hơn khoảng 17,7% so với thời điểm trước khi bị dịch Covid-19 tác động. Về sản xuất, sản lượng công nghiệp của nước này tăng 0,4% m/m trong tháng 8, nối tiếp đà tăng 0,9% của tháng trước đó và gần khớp với dự báo tăng 0,5% của các chuyên gia. Trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 11/09 ở mức 332 nghìn đơn, cao hơn mức 310 nghìn đơn của tuần trước đó, đồng thời cao hơn mức 325 nghìn đơn theo dự báo, đánh dấu tuần tăng trở lại sau 3 tuần giảm liên tục. Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng của người dân Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được ở mức 71,0 điểm trong tháng 9, cao hơn mức 70,3 điểm của tháng 8, tuy nhiên thấp hơn mức 71,9 điểm theo kỳ vọng. Trong tuần này, thế giời chờ đợi thông tin cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed diễn ra vào ngày 21-22/09, kết quả cuộc họp sẽ được công bố vào sáng sớm ngày 23/09 theo giờ Việt Nam.

Nước Anh ghi nhận nhiều thông tin đáng chú ý, đa phần mang màu sắc tích cực. Trên thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này trong tháng 7 ở mức 4,6%; giảm xuống từ mức 4,7% của tháng 6 khớp với dự báo. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này trong tháng 8 giảm 58,6 nghìn đơn, mạnh hơn mức giảm 48,9 nghìn đơn của tháng 7 nhưng chưa đạt mức giảm 71,7 nghìn đơn theo kỳ vọng. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân Anh tăng 8,3% 3m/y trong 3 tháng 05-06-07/2021, thấp hơn một chút so với mức tăng 8,8% của 3 tháng 04-05-06, và cao hơn dự báo ở mức tăng 8,2%. Về chỉ số giá tiêu dùng, CPI toàn phần và CPI lõi của nước Anh lần lượt tăng 3,2% và 3,1% y/y trong tháng 8, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,0% và 1,8% của tháng 7, đồng thời vượt qua dự báo cùng tăng 2,9%. Về thông tin tiêu cực, doanh số bán lẻ tại Anh giảm 0,9% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà giảm 2,8% của tháng 8 và trái với dự báo tăng 0,5%.

Thống đốc NHTW Úc RBA Philip Lowe đưa ra phát biểu quan trọng, đồng thời nước này đón một số thông tin trái chiều về thị trường lao động. Ngày 14/09 vừa qua, ông Lowe phát biểu cho biết GDP của Úc tăng 0,7% q/q trong quý 2 và tăng tới gần 10% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện tại, biến chủng Delta dịch Covid-19 có thể trì hoãn nhưng không thể làm nước Úc trật bánh trong quá trình phục hồi kinh tế. Về thị trường lao động Úc, dữ liệu cho thấy nước này giảm 146,3 nghìn việc làm trong tháng 8 sau khi tạo ra 3,1 nghìn việc làm mới ở tháng trước đó, tiêu cực hơn nhiều so với mức giảm 78,5 nghìn như dự báo. Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại nước Úc trong tháng 8 cũng giảm xuống còn 4,5% từ mức 4,6% của tháng 7, trái với dự báo tăng mạnh lên 5,0%.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm