Tổng quan:
Tăng trưởng GDP Việt Nam giảm sâu trong quý III/2021, tuy nhiên vẫn có khả năng GDP cả năm đạt mức tăng 2,5-4,0%. Chỉ số giá tiêu dùng CPI 9 tháng đầu năm tăng thấp nhất 5 năm trở lại đây.
Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ giảm rất sâu, lần lượt ở các mức giảm 5,02% và giảm 9,28%. Đợt dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 4/2021 đến nay đánh thẳng vào các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với mức giảm của quý 3/2021, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế trong 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%. Cụ thể, ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 đpt vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 đpt; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 đpt. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 đpt vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 đpt. Ngành khai khoáng giảm 7,17%, làm giảm 0,27 đpt do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%. Ngành xây dựng giảm 0,58%, làm giảm 0,04 đpt. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 đpt trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 đpt; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 đpt. Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%, đóng góp 0,26 đpt; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%, đóng góp 0,45 đpt; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%, đóng góp 0,32 đpt.
Các chuyên gia nhận định rằng, mức tăng trưởng âm sâu 6,17% là cú sốc khá mạnh ngoài dự báo khi các giải pháp chặn đà suy giảm hầu như không đạt như mong đợi, đặc biệt giải pháp đẩy mạnh tiêm vaccine chưa thật kịp thời và khẩn trương. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù các địa phương bắt đầu bình thường hóa các hoạt động kinh tế trở lại, nhưng do dịch COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn nên nền kinh tế chưa thể hoạt động với đầy đủ công suất trước tháng 4. Vì vậy, tăng trưởng GDP quý IV có khả năng sẽ tương đương mức trung bình 6 tháng đầu năm 2021, khoảng 5,5%. Tăng trưởng cả năm 2021 có thể đạt khoảng trên dưới 2,5%, cũng có ý kiến dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt cao hơn, khoảng 3-4%. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng tốt trong quý IV/2021, các chuyên gia đều thống nhất, một mặt cần khống chế được dịch COVID-19, đồng thời, cần đẩy mạnh sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, kích thích tiêu dùng; tận dụng tối đa mọi lợi thế, triển khai các giải pháp để mở rộng thị trường đã có, khai thông thêm thị trường mới để đẩy mạnh cung - cầu, phục hồi nhanh chóng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh ở mức cao nhất có thể.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI 9 tháng tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn 2016-2021. So sánh CPI 9 tháng qua các năm 2016 – 2021 cụ thể như sau: năm 2016 tăng 2,07%; 2017 tăng 3,79%; 2018 tăng 3,57%; 2019 tăng 2,5%; 2020 tăng 3,85% năm 2020 và mức thấp nhất - tăng 1,82% năm 2021. Tính riêng tháng 9, CPI giảm 0,62% so với tháng trước. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 9/2021, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có 5 nhóm hàng giảm giá và 6 nhóm tăng giá so với tháng trước. Cụ thể, 5 nhóm hàng giảm giá, bao gồm: Nhóm nhà ở và VLXD giảm 1,99%, làm CPI chung giảm 0,37%; nhóm giáo dục giảm 2,89%, làm CPI chung giảm 0,18 đpt; nhóm giao thông giảm 0,16%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,16% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%. 6 nhóm hàng tăng giá trong tháng 9, gồm: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,17%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,02%; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,01% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%. Những nguyên nhân làm CPI trong 9 tháng tăng thấp là do giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,29% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,06 đpt; việc Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trong đó có gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng, khiến giá điện sinh hoạt bình quân 9 tháng năm 2021 giảm 0,99% so với cùng kỳ 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,03 đpt; ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại khiến giá vé máy bay 9 tháng giảm 20,91% so với cùng kỳ năm trước, giá du lịch trọn gói giảm 2,69%. Với mức tăng CPI tháng 9 và 9 tháng, Tổng cục Thống kê nhận định, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2021 dưới 4% theo yêu cầu đặt ra là khả thi, tuy vậy, cũng không được chủ quan, vì nguy cơ tăng giá vẫn tiềm ẩn, nhất là những tháng cuối năm và năm 2022.
Tóm lược thị trường trong nước từ 27/09 - 01/10
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 27/09 - 01/10, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng qua các phiên. Chốt tuần 01/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.160 VND/USD, tăng mạnh 26 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.805 VND/USD.
Trong tuần qua, tỷ giá LNH tăng - giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 01/10, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.759 VND/USD, giảm 28 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do cũng luân phiên tăng – giảm, chốt tuần tăng 65 đồng ở chiều mua vào và 05 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.100 VND/USD và 23.190 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần qua từ 27/09 - 01/10 vẫn chỉ biến động tăng – giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 01/10, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,69% (-0,01 đpt); 1W 0,81% (-0,02 đpt); 2W 0,92% (-0,01 đpt); 1M 1,16% (không thay đổi).
Lãi suất USD LNH vẫn gần như không biến động trong tuần. Chốt tuần 01/10, lãi suất USD LNH đóng cửa giảm 0,01 - 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,13%; 1W 0,17%; 2W 0,21% và 1M 0,29%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 27/09 - 01/10, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 27/09 - 01/10, KBNN huy động thành công 4.615/8.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 58%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.630/2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 2.060/2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động 925/2.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 2,12%/năm (+0,04%); 2,35%/năm (+0,04%); 2,8%/năm (không đổi). Trong tuần không có TPCP đáo hạn
Tuần này từ 04/10 - 08/10, KBNN dự kiến gọi thầu 7.000 tỷ đồng TPCP. Trong tuần này có 170 tỷ đồng đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.645 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 14.475 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP ít biến động trong tuần vừa qua. Chốt phiên 01/10, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,47% (+0,09 đpt); 2 năm 0,61% (+0,04 đpt); 3 năm 0,82% (+0,01 đpt); 5 năm 0,93% (+0,01đpt); 7 năm 1,25% (không thay đổi); 10 năm 2,13% (+0,01 đpt); 15 năm 2,39% (+0,02 đpt); 30 năm 2,98% (không thay đổi).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 27/09 - 01/10, trên thị trường chứng khoán, các chỉ số giảm khá mạnh 2 phiên đầu và cuối tuần khiến thị trường kết tuần trong sắc đỏ. Kết thúc phiên giao dịch 01/10, VN-Index đứng ở mức 1.334,89 điểm, tương ứng giảm 16,28 điểm (-1,20%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 3,14 điểm (-0,87%) xuống 356,49 điểm; UPCoM-Index giảm 2,09 điểm (-2,13%) xuống 95,98 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm xuống mức thấp với giá trị giao dịch đạt trên 18.800 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 1.360 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón nhiều thông tin kinh tế tích cực. Đầu tiên, GDP của nước này được công bố chính thức tăng 6,7% q/q trong quý 2, điều chỉnh tăng nhẹ từ mức 6,6% theo thống kê sơ bộ và đồng thời cao hơn mức tăng 6,3% của quý 1. Chỉ số giá tiêu dùng PCE lõi tại nước Mỹ (chỉ tính theo tiêu dùng cá nhân) tăng 0,3% m/m trong tháng 8, nối tiếp đà tăng 0,3% của tháng trước đó và mạnh hơn mức tăng 0,2% theo dự báo. Niềm tin tiêu dùng của nước này trong tháng 9 được Đại học Michigan điều chỉnh lên mức 72,8 điểm, tăng nhẹ so với mức 71,0 điểm theo khảo sát sơ bộ. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ tuần kết thúc ngày 25/09 ở mức 362 nghìn đơn, tăng nhẹ từ mức 351 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo giảm xuống còn 333 nghìn đơn. Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi tại Mỹ tăng 0,2% m/m trong tháng 8, nối tiếp đà tăng 0,8% của tháng trước đó, thấp hơn so với mức 0,5% theo dự báo. Tuy nhiên, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền toàn phần tại nước này vẫn tăng mạnh 1,8% m/m trong tháng 8 vừa qua, mạnh hơn mức tăng 0,5% của tháng 7 và đồng thời vượt xa kỳ vọng ở mức tăng 0,7%. Cuối cùng, liên quan đến lĩnh vực sản xuất, chỉ số PMI lĩnh vực này do ISM khảo sát được ở mức 61,1% trong tháng 8, tăng so với mức 59,9 điểm của tháng trước đó và trái với dự báo giảm nhẹ xuống còn 59,6%.
Thống đốc NHTW Anh Andrew Bailey nhận định năm 2021 là một năm khó khăn. Cụ thể, ông Bailey cho biết tốc độ phục hồi kinh tế của nước Anh đã giảm tốc trong những tháng gần đây. Trong quý 02/2021, GDP của nước Anh vẫn thấp hơn so với những gì đạt được ở quý cuối năm 2019, cụ thể ở mức khoảng 3,5%. Điều khó tránh khỏi là nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm tốc một khi tiến trình phục hồi bước vào giai đoạn cuối. Các báo cáo đang cho thấy vấn đề về các chuỗi cung ứng ngày càng lan rộng, đặc biệt là tình trạng tắc nghẽn và gián đoạn nguồn cung. CSTT của BOE không phản ứng với các cú sốc cung ứng do những cú sốc này chỉ tác động tạm thời lên lạm phát. BOE luôn tập trung một cách rõ ràng vào mục tiêu làm phát trong trung hạn, thay vì các yếu tố nhất thời. Mặc dù vậy, ông Bailey đề cập rằng tất cả các thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ Anh (MPC, 9 thành viên) đều tin rằng phải có một số sự thắt chặt một cách vừa phải đối với CSTT đề phù hợp với mục tiêu lạm phát bền vững trong trung hạn. Các bằng chứng gần đây dường như củng cố cho lập trường này, nhưng vẫn còn một số điểm không chắc chắn, và MPC vẫn theo dõi tình hình một cách chặt chẽ. Liên quan đến kinh tế Anh, GDP của quốc gia này chính thức tăng 5,5% q/q trong quý 2 sau khi giảm 1,5% ở quý trước đó, được điều chỉnh lên từ mức tăng 4,8% theo thông kê sơ bộ. Như vậy, GDP của nước Anh chỉ còn dưới ngưỡng trước khi đại dịch tác động khoảng 3,3%;
Nhật Bản ghi nhận một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này ở mức 2,8% trong tháng 8, đi ngang so với mức thất nghiệp của tháng 7 và trái với dự báo tăng lên 2,9%. Tiếp theo, doanh số bán lẻ của nước Nhật giảm 3,2% y/y trong tháng 8 sau khi tăng 2,4% ở tháng trước đó, sâu hơn khá nhiều so với mức giảm 0,9% theo dự báo. Ở khu vực công nghiệp, sản lượng của ngành này giảm 3,2% m/m trong tháng 8 theo báo cáo sơ bộ, nối tiếp đà giảm 1,5% của tháng 7 và sâu hơn mức giảm 0,5% theo dự báo. Cuối cùng, số nhà khởi công tại nước Nhật tăng 7,5% y/y trong tháng 8, thấp hơn mức tăng 9,9% của tháng 7 và đồng thời thấp hơn mức tăng 9,6% theo kỳ vọng.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB