Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 29/09, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.155 VND/USD, tăng mạnh 10 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.750 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.800 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.755 VND/USD, tiếp tục giảm 06 đồng so với phiên 28/09. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 100 đồng ở chiều mua vào trong khi giữ nguyên ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.100 - 23.150 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 29/09, lãi suất chào bình quân LNH VND đi ngang ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi giảm 0,01 – 0,03 đpt ở các kỳ hạn 1W và 2W so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,70%; 1W 0,80%; 2W 0,93 và 1M 1,17%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 đpt ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn 2W, giao dịch tại: ON 0,14; 1W 0,18%; 2W 0,22%, 1M 0,30%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,83%; 5Y 0,95%; 7Y 1,27%; 10Y 2,14%; 15Y 2,41%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường trái phiếu: Ngày 29/09, KBNN huy động thành công 4.615/8.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 58%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.630/2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 2.060/2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động 925/2.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 2,12%/năm (+0,04%); 2,35%/năm (+0,04%); 2,8%/năm (không đổi).
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, các chỉ số thị trường biến động giằng co trước sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,1 điểm (-0,01%) xuống 1.339,21 điểm; HNX-Index giảm 1,74 điểm (-0,49%) xuống 354,29 điểm; UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,07%) xuống 95,94 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch đạt trên 20.600 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng gần 533 tỷ VND trên cả ba sàn.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý 3 năm nay giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi nước ta tính và công bố GDP quý từ năm 2000 đến nay. Tính chung 9 tháng năm 2021, GDP chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.
Tin quốc tế:
Hiệp hội Môi giới nhà Quốc gia Mỹ (NAR) cho biết doanh số nhà chờ bán tại nước này trong tháng 8 tăng 8,1% m/m sau khi giảm 2,0% ở tháng trước đó, vượt mạnh so với mức tăng 1,1% theo dự báo của các chuyên gia. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2020, doanh số của tháng 8 vẫn thấp hơn khoảng 8,3%.
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết chỉ số giá nhập khẩu của nước này tăng 1,4% m/m trong tháng 8 vừa qua, nối tiếp đà tăng 2,2% của tháng trước đó và vượt qua mức tăng 0,8% theo dự báo. Đây là tháng tăng thứ 16 liên tiếp của chỉ báo trên. So với cùng kỳ năm 2020, chỉ số giá nhập khẩu trong tháng 8 đã tăng tới 16,5%. Ở chiều ngược lại, chỉ số giá xuất khẩu của nước Đức tăng 0,7% m/m trong tháng 8 và chỉ tăng 7,2% so với cùng kỳ 2020.
Đảng cầm quyền tại Nhật Bản có Chủ tịch mới. Cụ thể trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua, ông Fumio Kishida và ông Taro Kono lần lượt dành được 256 và 255 tại Đảng LDP cầm quyền Nhật Bản. Điều này khiến Đảng trên phải bỏ phiếu một lần nữa. Ở vòng bỏ phiếu thứ hai, ông Kishida nhận được 257 phiếu và ông Kono chỉ nhận được 170 phiếu. Do đó, ông Kishida chính thức trở thành lãnh đạo tiếp theo của Đảng LDP, thay thế Thủ tướng Suga Yoshihide. Theo dự kiến, Quốc hội Nhật Bản sẽ tổ chức phiên họp vào ngày 04/10 để bầu ra Thủ tướng mới. Ông Kishida cũng gần như chắc chắn trở thành Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản do đảng cầm quyền đang chiếm đa số ghế tại Hạ viện nước này.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB