Tổng quan:
Từ ngày 01/10/2021, Thông tư 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) sẽ có hiệu lực.
Nội dung Thông tư quy định TCTD phải ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ, chính sách dự phòng rủi ro trong đó có quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong việc thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng, tài sản bảo đảm. Về nguyên tắc, thông tư quy định, toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ. TCTD phân loại nợ theo 5 nhóm: nợ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn. Tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm, cụ thể đối với nhóm nợ tiêu chuẩn không phải trích lập, nợ cần chú ý trích lập 5%, nợ dưới chuẩn trích lập 20%, nợ nghi ngờ trích lập 50% và nợ có khả năng mất vốn trích lập 100%. Thông tư cũng nêu rõ mức trích lập dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4. Bên cạnh đó, TCTD sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong trường hợp sau: Khách hàng là tổ chức bị giải thể, phá sản, cá nhân bị chết, mất tích; các khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Ngoài ra, sau thời gian tối thiểu 5 năm kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, TCTD được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.
Theo các chuyên gia, một trong những thay đổi lớn nhất trong Thông tư 11 là NHNN đã điều chỉnh về thời điểm, trình tự phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Cụ thể, Thông tư 11 quy định ít nhất mỗi tháng một lần, trong vòng 7 ngày đầu tiên của tháng, các TCTD phải căn cứ quy định của thông tư để tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng tính đến ngày cuối cùng của tháng trước liền kề. Song song với đó, các tổ chức này phải trích lập dự phòng rủi ro theo kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng và gửi kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng cho Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Ngoài thời điểm phân loại trên, các ngân hàng được tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo quy định nội bộ. Như vậy, so với Thông tư 02 đang có hiệu lực, quy định tại Thông tư mới đã rút ngắn thời gian tối thiểu các TCTD phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro từ 3 tháng/lần xuống 1 tháng/lần. Tần suất phân loại nợ và trích lập dự phòng được tăng từ “tối thiểu hàng quý” lên “tối thiểu hàng tháng” buộc các TCTD xử lý sự suy giảm chất lượng tín dụng tích cực hơn và sớm hơn.
Một điểm đáng quan tâm nữa là, Thông tư 11 cũng có quy định chung nêu rõ các TCTD không phải trích lập dự phòng chung cho việc mua các giấy tờ có giá của các TCTD và mua bán lại TPCP.
Nhìn chung, theo các chuyên gia, Thông tư 11 đã đưa ra khung pháp lý chặt chẽ hơn để phân loại nợ và trích lập dự phòng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát khiến nợ xấu tiềm ẩn của các ngân hàng có khả năng sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2021 cũng như nửa đầu năm tới, chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và năm 2022.
Tóm lược thị trường trong nước từ 20/09 - 24/09
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 20/09 - 24/09, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt tuần 24/09, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.134 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.778 VND/USD.
Trong tuần qua, tỷ giá LNH biến động theo xu hướng giảm nhẹ qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 24/09, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.787 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do cũng luân phiên tăng – giảm, chốt tuần giảm 25 đồng ở chiều mua vào và 45 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.035 VND/USD và 23.185 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần qua từ 20/09 - 24/09 vẫn chỉ biến động nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 24/09, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,70% (không thay đổi); 1W 0,83% (+0,03 đpt); 2W 0,93% (+0,03 đpt); 1M 1,16% (không thay đổi).
Lãi suất USD LNH vẫn gần như không biến động trong tuần. Chốt tuần 24/09, lãi suất USD LNH đóng cửa tăng trở lại 0,01 - 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,18%; 2W 0,22% và 1M 0,31%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 20/09 - 24/09, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 20/09 - 24/09, KBNN huy động thành công 6.373/9.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 71%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.540/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động 2.333/2.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu từng kỳ hạn lần lượt tại 10 năm 2,08%/năm (+0,03%); 15 năm 2,31%/năm (+0,03%); 30 năm 2,98%/năm (không đổi). Trong tuần có 900 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Tuần này từ 20/09 - 24/09, KBNN sẽ tiếp tục gọi thầu 8.000 tỷ đồng TPCP. Trong tuần này không có TPCP đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.475 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 10.141 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt phiên 24/09, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,38% (+0,07%); 2 năm 0,58% (+0,02 đpt); 3 năm 0,81% (+0,11 đpt); 5 năm 0,92% (+0,09đpt); 7 năm 1,25% (+0,07 đpt); 10 năm 2,12% (+0,04 đpt); 15 năm 2,37% (+0,06 đpt); 30 năm 2,98% (+0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 20/09 - 24/09, thị trường chứng chưa xác định rõ xu hướng khi các chỉ số biến động tăng giảm quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch 24/09, VN-Index đứng ở mức 1.351,17 điểm, tương ứng giảm 1,47 điểm (-0,11%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,66 điểm (+0,46%) lên 359,63 điểm; UPCoM-Index tăng 0,67 điểm (+0,69%) lên 98,07 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 25.020 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.191 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed có phiên họp quan trọng trong tuần qua. Cụ thể, trong hai ngày họp 21-22/09, Fed nhất trí duy trì lãi suất chính sách ở mức từ 0,0 – 0,25% và giữ nguyên lượng mua trái phiếu hàng tháng ở mức 120 tỷ USD. Tuy nhiên, Fed cho thấy khả năng giảm dần lượng mua trái phiếu từ tháng 11/2021 và kết thúc chương trình này vào năm 2022. Đồ thị dot-plot mới được công bố cho thấy 9/18 quan chức Fed ủng hộ việc tăng lãi suất chính sách trong năm sau khi lạm phát 2021 được dự báo ở mức 4,2%, hơn gấp đôi so với lạm phát mục tiêu 2%. LSCS được kỳ vọng sẽ tăng chậm lên mức 1% vào 2023 và lên 1,8% vào 2024 khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức trước đại dịch với 3,5%. Theo dự báo của Fed, lạm phát của Mỹ ở mức 2,2% trong năm 2022 và 2023, sau đó giảm xuống 2,1% trong năm 2024. Về triển vọng kinh tế Mỹ, GDP năm 2021 được dự báo tăng 5,9%; thấp hơn nhiều so với mức 7,0% theo dự báo hồi tháng 6, chủ yếu do Covid-19 lây lan nhanh trở lại. Mặc dù vậy, GDP cho năm 2022 lại được tăng từ mức 3,3% trước đó lên 3,8%. Liên quan tới các chỉ báo kinh tế Mỹ tuần qua, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 18/09 ở mức 351 nghìn đơn, tăng so với 335 nghìn đơn của tuần trước đó, trái với dự báo giảm nhẹ xuống còn 322 nghìn đơn. Ở lĩnh vực xây dựng, số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công tại nước Mỹ lần lượt đạt 1,73 triệu đơn và 1,62 triệu căn trong tháng 8, cùng cao hơn so với 1,63 triệu đơn và 1,55 triệu căn của tháng 7, đồng thời tích cực hơn kỳ vọng ở 1,60 triệu đơn và 1,55 triệu căn.
NHTW Nhật Bản BOJ và NHTW Anh BOE cùng giữ nguyên CSTT trong phiên họp tháng 9. Cụ thể, tại Nhật Bản, ngày 22/09, BOJ quyết định không thay đổi CSTT hiện tại, giữ nguyên LSCS ở mức -0,1% và lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0% để giữ chi phí vay vốn của các công ty và hộ gia đình ở mức thấp. Bên cạnh đó, BOJ cũng quyết định tiếp tục mua chứng chỉ ETF khi cần với hạn mức mua vào hàng năm ở 12 nghìn tỷ JPY, đồng thời duy trì mua TPDN với quy mô tối đa 20 nghìn tỷ JPY kể từ nay cho tới hết tháng 03/2022. BOJ cho biết CSTT nới lỏng này nhằm đạt được lạm phát mục tiêu ổn định ở mức 2,0%. Tại nước Anh, ngày 23/09, BOE dự báo GDP của Anh sẽ tăng khoảng 1,0% q/q trong quý 3, theo đó thấp hơn khoảng 2,5% so với thời điểm trước khi Covid-19 tác động. Trong bối cảnh trên, Ủy ban CSTT của BOE (MPC) nhất trí duy trì LSCS ở mức 0,1%, bên cạnh đó tiếp tục nắm giữ TP tổ chức phi tài chính với quy mô 20 tỷ GBP và TPCP Anh với quy mô 875 tỷ GBP. CPI của nước Anh được dự báo ở khoảng 4,0% vào quý 4/2021. BOE kỳ vọng với CSTT như hiện tại, CPI trong nước sẽ giảm trở lại xuống gần mức mục tiêu 2,0% trong trung hạn. Liên quan tới thông tin kinh tế tại nước Anh, PMI sơ bộ lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ nước này do IHS Markit khảo sát được lần lượt ở mức 56,3 và 54,6 điểm trong tháng 9, cùng giảm từ 60,3 và 55,0 điểm của tháng 8, và đều xuống thấp hơn so với dự báo ở mức 59,0 và 55,0 điểm.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB