Kinh gửi Anh/Chị,
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam xin giới thiệu tới Anh/Chị Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 05/10/2021.
Tóm lược
Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 04/10, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.156 VND/USD, giảm nhẹ 04 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.750 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.801 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.770 VND/USD, tăng 11 đồng so với phiên 01/10. Tỷ giá trên thị trường tự do giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.100 - 23.190 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 04/10, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống so với phiên cuối tuần, cụ thể: ON 0,70%; 1W 0,80%; 2W 0,90 và 1M 1,15%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,14; 1W 0,18%; 2W 0,23%, 1M 0,30%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giữ nguyên ở kỳ hạn 10Y, cụ thể: 3Y 0,84%; 5Y 0,94%; 7Y 1,25%; 10Y 2,13%; 15Y 2,39%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, lực cầu tăng mạnh nhờ các cổ phiếu thuộc nhóm than, phân bón, thép, khí đốt, đồng thời dòng tiền cũng đổ vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,65 điểm (+0,35%) lên 1.339,54 điểm; HNX-Index tăng 4,40 điểm (+1,23%) lên 360,89 điểm; UPCoM-Index tăng 0,20 điểm (+0,21%) lên 96,18 điểm. Thanh khoản thị trường tăng tích cực so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt trên 28.200 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng gần 349 tỷ VND trên cả ba sàn.
Theo kết quả khảo sát của Markit, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 9/2021 không thay đổi so với tháng trước, vẫn ở mức 40,2 điểm, báo hiệu điều kiện kinh doanh xấu đi rõ rệt trong toàn ngành. Sản lượng của ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục giảm mạnh trong tháng 9 khi lĩnh vực này tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 và những hạn chế được đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Các đơn đặt hàng mới giảm mạnh với mức độ lớn nhất kể từ tháng 4/2020. Số lượng công việc tồn đọng tăng nhanh nhất được ghi nhận khi sản lượng giảm mạnh; lực lượng nhân sự giảm với tốc độ kỷ lục và sự gián đoạn chuỗi cung ứng chưa từng có vẫn tiếp tục.
Tin quốc tế:
Tổ chức Thương mại Thế giới WTO dự báo giá trị thương mại toàn cầu năm 2021 có thể tăng 10,8%; cao hơn 2,0 đpt so với dự báo đưa ra hồi tháng 3. Trong năm 2022, con số tăng trưởng có thể ở mức 4,7%; cũng điều chỉnh tăng 0,7% so với dự báo trước.
Văn phòng Điều tra Dân số Mỹ cho biết giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại nước này tăng 1,2% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,7% của tháng trước đó và vượt nhẹ so với kỳ vọng ở mức 1,1%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị đơn đặt hàng nhà máy trong tháng 9 đã tăng tới 18,0%.
Ngày 04/10, lưỡng viện thuộc Quốc hội Nhật Bản đã chính thức bầu ông Fumio Kishida – Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do làm Thủ tướng thứ 100 của quốc gia này. Nhiều phương tiện truyền thông của Nhật Bản đưa tin ông Fumio Kishida sẽ có bài phát biểu về chính sách đầu tiên tại Quốc hội vào ngày 08/10, sau đó trả lời câu hỏi của các Đảng khác từ ngày 11 đến ngày 13/10.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB