Tổng quan:
Giá dầu thế giới chốt tuần qua vượt lên ngưỡng cao nhất nhiều năm và được dự báo tiếp tục tăng đến cuối năm 2021, trong khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, tiếp tục giữ nguyên thỏa thuận tăng sản lượng dầu.
Trong phiên thứ Sáu 08/10, hợp đồng dầu WTI vọt hơn 2% lên mức cao 80,09 USD/thùng, trước khi rớt khỏi mức này và kết phiên ở mức 79,35 USD/thùng, tăng 4,57% so với phiên cuối tuần trước đó và tăng mạnh 63,54% so với cuối 2020. Giá dầu chạm mức cao nhất kể từ năm 2014, ghi nhận tuần tăng giá thứ 7 liên tiếp, chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 12/2013.
Các chuyên gia đã chỉ ra một số nguyên nhân làm giá dầu tăng trong thời gian qua. Thứ nhất, sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu từ đại dịch đã diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Tiếp theo, giá khí đốt tăng bùng nổ gần đây, khiến nhiều nhà máy phát điện chuyển từ dùng khí đốt sang dùng dầu, là một nguyên nhân quan trọng khác khiến giá dầu tăng mạnh. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, giá dầu cũng chịu áp lực khi một mùa đông ở bán cầu Bắc có thể dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng ở nhiều trung tâm sản xuất công nghiệp như Bắc Mỹ, Châu Âu. Trong khi đó, nguồn cung dầu lại bị thắt chặt, một phần bởi OPEC+ hạn chế khai thác, mặt khác do mưa bão trên Vịnh Mexico, và mức đầu tư thấp của các công ty dầu khí. Trong cuộc họp vào hôm 04/10, OPEC đã quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11. OPEC+ lo ngại rằng một làn sóng Covid thứ tư trên toàn cầu có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu lại yếu đi trong quý 4 năm nay. Năm 2020, khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, OPEC+ cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày để cứu giá dầu. Khi kinh tế toàn cầu hồi phục, liên minh này nâng dần sản lượng. Đến hiện tại, sản lượng dầu của OPEC+ vẫn đang thấp hơn 5,8 triệu thùng/ngày so với trước đại dịch. Đà tăng của giá dầu cũng được củng cố khi OPEC và EIA đều dự báo tích cực về nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong năm 2021 và năm 2022. Trong báo cáo hàng tháng tháng 9, OPEC dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ vượt mức trước đại dịch Covid-19 vào năm 2022 nhờ nỗ lực tiêm vắc xin và sự phục hồi kinh tế. Nhu cầu dầu thô sẽ tăng trung bình 4,2 triệu thùng/ngày trong năm 2022, cao hơn 0,9 triệu thùng/ngày so với các dự báo trước đó, đưa nhu cầu dầu thô toàn cầu trung bình lên 100,83 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Tương tự, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng 5 triệu thùng/ngày trong năm nay, lên mức trung bình 97,4 triệu thùng/ngày, trái chiều với mức giảm 8,6 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Theo EIA, nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày vào năm 2022, gần tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch. Ngược lại, sự giảm tốc của hoạt động sản xuất công nghiệp ở một số quốc gia, nguy cơ đổ vỡ công ty bất động sản Trung Quốc Evergrande, áp lực lạm phát tăng và những gián đoạn do Covid-19 gây ra trên khắp thế giới có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu tăng chậm lại trong 12 tháng tới, kìm chế đà tăng của giá dầu.
Trên thực tế, có thể thấy, áp lực đòi hỏi OPEC+ tăng sản lượng nhanh hơn đang ngày càng lớn. Trước phiên họp của OPEC+, một số nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và Ấn Độ đã hối thúc OPEC+ tăng sản lượng nhiều hơn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng tốc cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Vì vậy, các chuyên gia nhận định, việc OPEC+ từ chối tăng sản lượng trong phiên họp tháng 10 đồng nghĩa thị trường sẽ tiếp tục thiếu dầu trong quý 4, giá dầu sẽ còn cao ít nhất trong thời gian còn lại của năm nay. Bank of America Global Research dự báo, mức giá mục tiêu 100 USD/thùng dầu có thể đến vào các tháng cuối năm nay, nếu nhiệt độ mùa đông năm nay xuống thấp hơn dự báo. Ngân hàng Goldman Sachs cũng nâng dự báo giá dầu Brent cho thời điểm cuối năm nay lên 90 USD/thùng, từ mức 80 USD/thùng trước đó, trên cơ sở nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng nhanh hơn dự báo.
Trong nước, Bộ Công thương nhận định, việc giá dầu thế giới tăng tác động 2 mặt đến kinh tế Việt Nam. Ở mặt tích cực, giá dầu tăng sẽ giúp tăng thu ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu thô. Bên cạnh đó, nguồn thu gián tiếp từ các loại thuế từ xăng, dầu như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngân sách cũng sẽ tăng. DN trong nước có thể tận dụng thời điểm này để tăng khối lượng khai thác, tăng cường xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, giá dầu tăng sẽ tác động đến các ngành sản xuất vì đây là nhiên liệu đầu vào. Giá dầu thô tăng kéo theo giá xăng dầu thành phẩm đi lên, làm tăng chi phí đầu vào của nền kinh tế, gia tăng áp lực lên giá cả. Đặc biệt, đây là nhân tố tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI. Về phía DN, DN sẽ đối mặt với khó khăn khi giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng, giá dầu thô tăng còn đẩy giá các loại vật tư, nguyên liệu khác leo thang. Về vấn đề này, đại diện Bộ Công thương khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan để điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế, bảo đảm hỗ trợ cho người dân, DN. Hôm nay 11/10, Liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trước đà tăng nhanh của giá nhiên liệu thế giới thời gian gần đây, các chuyên gia dự báo giá xăng trong nước sẽ được điều chỉnh tăng kể cả khi các cơ quan điều hành thay đổi các mức chi, trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Thực tế, từ cuối tháng 2 đến nay, mỗi lít xăng RON 95 đã tăng khoảng 4.700 đồng, còn xăng E5 RON 92 tăng khoảng 4.400 đồng.
Tóm lược thị trường trong nước từ 04/10 - 08/10
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 04/10 - 08/10, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm qua các phiên. Chốt tuần 08/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.165 VND/USD, chỉ tăng 05 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.810 VND/USD.
Tỷ giá LNH ít biến động qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 08/10, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.755 VND/USD, giảm nhẹ 04 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục tăng – giảm đan xen qua các phiên, chốt tuần 08/10 tăng 105 đồng ở chiều mua vào và 45 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.205 VND/USD và 23.235 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần qua từ 04/10 - 08/10 ít biến động ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 08/10, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,69% (không thay đổi); 1W 0,80% (-0,01 đpt); 2W 0,90% (-0,02 đpt); 1M 1,18% (+0,02 đpt).
Lãi suất USD LNH tiếp tục tăng – giảm nhẹ trong tuần. Chốt tuần 08/10, lãi suất USD LNH đóng cửa tăng 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,19%; 2W 0,23% và 1M 0,31%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 04/10 - 08/10, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 04/10 - 08/10, KBNN huy động thành công 4.480/8.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 56%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.310/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.160/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động 1.010/2.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,13%/năm (+0,01%); kỳ hạn 15 năm tại 2,37%/năm (+0,02%); kỳ hạn 30 năm không đổi tại 2,98%/năm. Trong tuần có 170 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Tuần này từ 11/10 - 15/10, KBNN dự kiến gọi thầu 7.500 tỷ đồng TPCP. Trong tuần này có 250 tỷ đồng đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.560 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh từ mức 14.645 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP ít biến động trong tuần vừa qua. Chốt phiên 8/10, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,48% (+0,01 đpt); 2 năm 0,6% (-0,01 đpt); 3 năm 0,82% (không thay đổi); 5 năm 0,93% (0,003 đpt); 7 năm 1,24% (-0,01 đpt); 10 năm 2,15% (+0,02 đpt); 15 năm 2,42% (+0,03 đpt); 30 năm 2,98% (không thay đổi).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 04/10 - 08/10, thị trường chứng khoán hồi phục trở. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 08/10, VN-Index đứng ở mức 1.372,73 điểm, tương ứng tăng mạnh 37,84 điểm (+2,83%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 15,43 điểm (+4,33%) lên 371,92 điểm; UPCoM-Index cũng tăng 2,32 điểm (+2,40%) lên 98,3 điểm.
Thanh khoản thị trường có cải thiện so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 22.400 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, giao dịch của khối ngoại vẫn là điểm tiêu cực của thị trường trong tuần qua khi tiếp tục bán ròng gần 826 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại nước này tăng 1,2% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,7% của tháng trước đó và vượt nhẹ so với kỳ vọng ở mức 1,1%. Tiếp theo, ISM khảo sát cho biết PMI dịch vụ của nước Mỹ ở mức 61,9% trong tháng 9, tăng nhẹ từ mức 61,7% của tháng trước đó và trái với dự báo giảm xuống còn 59,9%. Về thương mại, cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa của nước Mỹ thâm hụt 73,3 tỷ USD trong tháng 8, sâu hơn mức thâm hụt 70,3 tỷ của tháng 7, đồng thời sâu hơn mức thâm hụt 70,5 tỷ theo dự báo. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 02/10 ở mức 326 nghìn đơn, giảm xuống từ mức 364 nghìn đơn của tuần trước đó và tích cực hơn khá nhiều so với mức 350 nghìn đơn theo kỳ vọng. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người lao động Mỹ tăng khá mạnh 0,6% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng 8, đồng thời vượt qua mức tăng 0,4% theo dự báo. Khu vực phi nông nghiệp tạo ra 194 nghìn việc làm mới trong tháng vừa qua, thấp hơn mức 366 nghìn của tháng trước đó, và kém nhiều so với kỳ vọng đạt 490 nghìn việc làm mới. Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại nước Mỹ trong tháng 9 giảm khá mạnh xuống 4,8% từ mức 5,2% của tháng 8, tích cực hơn mức 5,1% theo dự báo.
Khu vực Eurozone ghi nhận nhiều chỉ số kinh tế không mấy lạc quan. Đầu tiên, tại khu vực Eurozone nói chung, niềm tin đầu tư chỉ đạt mức 16,9 điểm trong tháng 10, giảm từ 19,6 điểm của tháng 9 và xuống thấp hơn mức 18,5 điểm theo dự báo. Tiếp theo, doanh số bán lẻ của khu vực này tăng nhẹ 0,3% m/m trong tháng 8 sau khi giảm khá mạnh 2,6% ở tháng 7, thấp hơn mức tăng 0,7% theo kỳ vọng. Tại nước Đức nói riêng, giá trị đơn đặt hàng nhà máy trong tháng 8 giảm sâu 7,7% m/m sau khi tăng 4,9% ở tháng trước đó, tiêu cực hơn nhiều so với mức giảm 2,3% theo dự báo. Cuối cùng, sản lượng công nghiệp tại Đức giảm 4,0% m/m trong tháng 8 sau khi tăng 1,3% ở tháng 7, sâu hơn mức giảm 0,4% theo dự báo.
NHTW Úc RBA không thay đổi CSTT trong cuộc họp đầu tháng 10, ngoài ra nước này đón một số thông tin kinh tế tương đối tích cực. Trong phiên họp ngày 05/10, RBA cho biết dịch bệnh đang ảnh hưởng đến quá trình phục hối kinh tế quốc nội Úc, song chỉ là trong ngắn hạn. Theo đó, cơ quan này quyết định duy trì LSCS ở mức 0,1%. Ngoài ra, RBA tiếp tục mua TPCP với khối lượng 4 tỷ AUD/tuần ít nhất cho tới giữa tháng 02/2022. RBA cam kết sẽ duy trì CSTT hỗ trợ nền kinh tế nhằm đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát ổn định ở mức mục tiêu 2% - 3%. Thống đốc của RBA, ông Philip Lowe nhận định nước Úc sẽ không đạt các điều kiện mục tiêu trước năm 2024. Liên quan đến thông tin kinh tế, PMI lĩnh vực xây dựng của Úc do AIG khảo sát được ở mức 53,3 điểm trong tháng 9, tăng mạnh từ mức 38,4 điểm của tháng 8. PMI lĩnh vực dịch vụ ở mức 45,7 điểm trong tháng 9, gần như đi ngang so với mức 45,6 điểm của tháng 8. Cuối cùng, cán cân thương mại Úc thặng dư 15,08 tỷ AUD trong tháng 8, cao hơn mức thặng dư 12,65 tỷ của tháng 7, đồng thời cao hơn mức thặng dư 10,1 tỷ theo dự báo.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB