Lũy kế 9 tháng cả nước nhập siêu gần 2,6 tỷ USD

08:13 13/10/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 12/10, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.174 VND/USD, tăng 04 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.750 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.819 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.756 VND/USD, tăng nhẹ 02 đồng so với phiên 11/10. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 80 đồng ở chiều mua vào và 145 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.270 - 23.350 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 12/10, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, cụ thể: ON 0,68%; 1W 0,80%; 2W 0,90 và 1M 1,17%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng trở lại 0,01 – 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,18%; 2W 0,22%, 1M 0,31%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 7Y và 10 Y trong khi giảm ở các kỳ còn lại, cụ thể: 3Y 0,78%; 5Y 0,93%; 7Y 1,25%; 10Y 2,15%; 15Y 2,41%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, các chỉ số không thể bứt phá mà chỉ dao động quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,71 điểm (+0,05%) lên 1.394,8 điểm; HNX-Index tăng 1,34 điểm (+0,36%) lên 375,68 điểm; UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,01%) lên 98,81 điểm. Thanh khoản thị trường tương tự phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 26.700 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 53 tỷ VND trên cả ba sàn.

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 9/2021, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 0,36 tỷ USD sau khi liên tiếp thâm hụt từ tháng 4 đến tháng 8; lũy kế từ đầu năm đến 30/09, cả nước nhập siêu 2,55 tỷ USD. Cụ thể, trong tháng 9, kim ngạch XK đạt 27,03 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng 8; NK đạt 26,67 tỷ, giảm 2,5%. Từ 01/01 đến 30/09, kim ngạch XK đạt 240,63 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2020; NK đạt 243,18 tỷ, tăng mạnh 30,8%; tổng kim ngạch XNK đạt 483,81 tỷ USD, tăng 24,49% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tin quốc tế:

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hạ nhẹ triển vọng kinh tế thế giới năm 2021. Cụ thể, trong báo cáo vừa ra ngày 12/10, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng 5,9% trong năm nay, thấp hơn 0,1 đpt so với dự báo đưa ra hồi tháng 07/2021. Tuy nhiên, GDP thế giới năm 2022 vẫn được giữ nguyên triển vọng tăng trưởng 4,9%. Trong các nước phát triển, Mỹ được dự báo tăng 6,0% trong năm 2021 (-1,0 đpt so dự báo trước), tiếp theo là Eurozone tăng 5,0% (+0,4 đpt), Nhật Bản tăng 2,4% (-0,4 đpt) và nước Anh tăng 6,8% (-0,2 đpt). Trong năm 2022, Mỹ có thể tăng 5,2% (+0,3 đpt), Eurozone tăng 4,3% (giữ nguyên); Nhật Bản tăng 3,2% (+0,2 đpt) và Anh tăng 5,0% (+0,2 đpt). Tại Châu Á, Trung Quốc được dự báo tăng 8,0% trong năm nay (-0,1 đpt) sau đó tăng 5,6% năm 2022 (-0,1 đpt). Nhóm ASEAN5 (gồm Indonesia, Malaysia, Phiippines, Thái Lan và Việt Nam) được dự báo lần lượt tăng 2,9% năm 2021 (-1,4 đpt) và 5,8% năm 2022 (-0,5 đpt).

Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ cho biết nước này tạo ra 10,44 triệu cơ hội việc làm trong tháng 8, thấp hơn mức 10,93 triệu của tháng 7, đồng thời thấp hơn mức 10,95 triệu cơ hội theo kỳ vọng.

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại nước này ở mức 4,5% trong tháng 8, giảm nhẹ xuống từ mức 4,6% của tháng 7 và khớp với dự báo của các chuyên gia. Tiếp theo, thu nhập bình quân của người lao động Anh trong 3 tháng 06-07-08/2021 tăng 7,2% 3m/y; thấp hơn mức 8,3% của 3 tháng 05-06-07/2021 nhưng cao hơn mức 6,9% theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

 

Đọc thêm