Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 22/11, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.674 VND/USD, không thay đổi so với phiên đầu tuần. Tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 24.850 VND/USD. NHNN duy trì không niêm yết tỷ giá mua giao ngay. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.848 VND/USD, tăng tiếp 08 đồng so với phiên 21/11. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 100 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.950 VND/USD và 25.050 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 22/11, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,03 - 0,09 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở kỳ hạn 2W và giảm 0,10 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 5,69%; 1W 6,49%; 2W 6,90% và 1M 7,60%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giữ nguyên ở kỳ hạn ON trong khi tăng 0,01 – 0,03 đpt ở các kỳ hạn còn lại; giao dịch tại: ON 3,90%; 1W 4,08%; 2W 4,23%, 1M 4,43%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giữ nguyên ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng nhẹ ở kỳ hạn 10Y, cụ thể: 3Y 4,76%; 5Y 4,79%; 7Y 4,85%; 10Y 4,89%; 15Y 5,02%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 12.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6,0%. Có 11.315,22 tỷ đồng trúng thầu, có 8.746,83 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Như vậy, NHNN bơm ròng 2.568,39 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 69.791,41 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức 39.999,8 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường chưa thể khởi sắc khi các cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực giảm điểm. Chốt phiên, VN-Index giảm 8,53 điểm (-0,89%) về mức 952,12 điểm; HNX-Index thêm 2,26 điểm (+1,17%) đạt 194,66 điểm; UPCoM-Index tăng 0,77 điểm (+1,14%) lên 68,41 điểm. Thanh khoản thị trường tăng mạnh với giá trị giao dịch đạt gần 18.100 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng gần 267 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2022: “Tiếp tục phục hồi kinh tế - Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng” diễn ra ngày 22/11, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào nhận định, với mức tăng trưởng mạnh cho đến tháng 9, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 tăng từ mức 6,0% lên 7-7,5%. Tuy nhiên, do cầu bên ngoài chậm lại và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 xuống 5,8% từ mức 6,2% dự báo hồi tháng 10; lạm phát dự kiến sẽ tăng lên trước khi dần trở lại dưới mức 4%.
Tin quốc tế:
OECD nhận định tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 rất yếu do lạm phát kéo dài, đặc biệt là kinh tế Anh. Hôm qua ngày 22/11, OECD dự báo GDP toàn cầu chỉ tăng 2,2% trong năm 2023, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 9, sau đó tăng 2,7% trong năm 2024. Trong 2023, Anh sẽ suy giảm khoảng 0,4% (-0,4 đpt so dự báo T9). Tiếp theo, Mỹ cũng được dự báo chỉ tăng 0,5% (không thay đổi so dự báo trước), Eurozone tăng 0,5% (+0,2 đpt) và Nhật Bản tăng 1,8% (+0,4 đpt). Theo OECD, thế giới đang mất dần động lực tăng trưởng do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine và lạm phát tại nhiều khu vực vẫn duy trì ở mức cao, niềm tin tiêu dùng suy giảm theo thời gian và khó hồi phục.
Cán cân vãng lai của khu vực Eurozone chỉ thâm hụt 8,1 tỷ EUR trong tháng 9, không sâu như mức thâm hụt 26,3 tỷ của tháng 8 và cũng tích cực hơn mức thâm hụt 20,3 tỷ theo dự báo. Lũy kế 12 tháng gần nhất, cán cân vãng lai của Eurozone thâm hụt khoảng 50 tỷ EUR, trái ngược với mức thặng dư 336 tỷ của 12 tháng trước đó. Tiếp theo, niềm tin tiêu dùng tại Eurozone được Eurostat ghi nhận ở mức -24 điểm trong tháng 11, cải thiện nhẹ từ mức -28 điểm của tháng 10 và không vượt quá nhiều so với dự báo ở mức -26 điểm. Theo đó, niềm tin tiêu dùng tại khu vực này đã ở mức tiêu cực trong suốt hơn 4 năm, kể từ tháng 06/2018.