Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 07/11 - 11/11/2022

15:41 14/11/2022

Tổng quan:

Sau 2 năm thực thi EVFTA, xuất khẩu từ Việt Nam sang Châu Âu tăng mạnh, tuy nhiên đầu tư từ Châu Âu vào Việt Nam vẫn chưa có cải thiện đáng kể.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2020. Đây là một trong những Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được Việt Nam ký kết, thực hiện với phạm vi cam kết rộng và tiến độ thực hiện nhanh, tỷ lệ tự do hoá thuế quan về cơ bản đạt trên 90%, thực hiện trong vòng 7 năm.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hai năm đầu thực thi (8/2020-7/2022) đạt 83,4 tỷ USD, trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch XK trung bình năm giai đoạn 2016-2019 trước đó. Tỉ lệ hàng XK tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022. Nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU (như sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%...). Một số mặt hàng mới cũng có tăng trưởng cao như nhóm gạo, sản phẩm mây tre, cói thảm (tăng trên 50%); các sản phẩm gốm, sứ (tăng trên 25%); nhóm rau quả, dây diện và dây cáp điện (tăng trên 15%)... Một điểm sáng là, tăng trưởng XK của Việt Nam sang thị trường EU hiện nay không chỉ tăng đơn thuần về mặt số lượng mà đã có chuyển dịch cơ cấu XK nông sản sang một số nhóm mà có giá trị gia tăng cao hơn. Đơn cử, mặt hàng gạo XK sang thị trường EU có giá trung bình cao hơn khoảng gấp đôi so với giá XK sang các thị trường khác. Ngoài ra, những mặt hàng chế biến, chế tạo cũng có những bước tăng trưởng tương đối khá, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị tăng trưởng trên 20%; một số ngành cũng đã tận dụng tốt cơ hội, trong đó một số mặt hàng chủ lực có tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O cao như dệt may tăng 15,7%... Theo Bộ Công thương, mặc dù đã tăng tích cực, XK từ Việt Nam sang EU vẫn còn dư địa, khi thị phần hàng Việt Nam mới chiếm 1% nhập khẩu của EU. Ngoài ra, Việt Nam có nhiều sản phẩm quả nhiệt đới thế mạnh, như ổi, xoài, măng cụt, sầu riêng, chuối, dưa hấu, dừa; mặt hàng chủ lực tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh, cá ngừ; các mặt hàng có lợi thế thuế ưu đãi, như mực, bạch tuộc, hàu, sò điệp, bào ngư…

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho thấy, vẫn còn các trường hợp chưa hưởng ưu đãi thuế, lý do phổ biến là không đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu (20-33% doanh nghiệp) hoặc do đã hưởng ưu đãi thuế khác như GSP hay thuế MFN thấp (18-31%). Vì vậy, doanh nghiệp được khuyến nghị cần chủ động đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm hàng hoá có chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường EU.

Về phía EU, Theo Báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh BCI do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu EuroCham vừa công bố, niềm tin của các DN châu Âu tại Việt Nam đã tăng trở lại ở mức cao nhất kể từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát vào tháng 4 năm ngoái. Cụ thể, 72% các nhà lãnh đạo DN châu Âu tại Việt Nam được hỏi cho biết, có hiểu biết cụ thể về cam kết cũng như tác động của Hiệp định EVFTA; gần một nửa tin rằng Hiệp định có liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN của họ; hơn 2/3 DN bày tỏ tin tưởng vào khả năng quan hệ kinh tế phát triển mạnh trong thời gian tới nhờ Hiệp định EVFTA. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo VCCI, FDI của EU vào Việt Nam năm 2020 đạt gần 1.376 triệu USD vốn đăng ký, giảm 8,6% so với 2019, đứng thứ 8 và chiếm 4,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Năm 2021, tình hình có cải thiện hơn, với tổng vốn hơn 1.405 triệu USD, tăng 2,2%, giúp EU vươn lên đứng thứ 5 nhưng tỷ trọng trong tổng FDI giảm nhẹ, chiếm 4,5%. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư bình quân năm 2 giai đoạn 2017-2021 (giai đoạn sau khi EVFTA hoàn tất đàm phán) tăng 86% so với thời gian 2015-2016 liền trước đó. Năm 2021, một số quốc gia thuộc EU đã gia tăng mạnh mẽ đầu tư vào Việt Nam như Hà Lan (tăng gần 26%), Đan Mạch (240%), Thụy Điển (63%), Cộng hòa Ai-len (235%) và Bỉ (284%). EU đã đầu tư vào hầu hết các ngành tại Việt Nam (18/21 ngành), trong đó tập trung ở công nghiệp chế biến, chế tạo (chủ yếu ở các ngành như lọc hóa dầu, dệt may, điện tử, chế biến thực phẩm và phương tiện vận tải); sản xuất, phân phối điện, khí; bất động sản; thông tin và truyển thông. Mặc dù đã tăng tích cực nhưng có thể thấy, đầu tư EU vào Việt Nam mới chiếm một tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng đầu tư ra nước ngoài của EU (0,35% năm 2021), Việt Nam cần thực thi nhiều chính sách cụ thể hơn để thu hút đầu tư của khu vực này.    

Tóm lược thị trường trong nước từ 07/11 - 11/11

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 07/11 - 11/11, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm nhẹ qua hầu hết các phiên. Chốt ngày 11/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.683 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục dừng niêm yết tỷ giá mua giao ngay. Tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên mức 24.870 VND/USD 3 phiên đầu tuần, sau đó giảm xuống mức 24.860 VND/USD.

Tỷ giá LNH biến động giảm trong tuần qua. Phiên cuối tuần 11/11, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.820 VND/USD, giảm 57 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do cũng diễn biến giảm qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên 11/11, tỷ giá tự do giảm 150 đồng ở chiều mua vào và 130 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.150 VND/USD và 25.250 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần qua từ 07/11 - 11/11, lãi suất VND LNH giảm mạnh qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống về tương đương mức chốt tuần trước đó. Chốt ngày 11/11, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,47% (-1,84 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 5,79% (-1,24 đpt); 2W 6,51% (-0,92 đpt); 1M 7,61% (-0,23%).

Lãi suất USD LNH tăng – giảm nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Chốt tuần 11/11, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 3,88% (-0,02 đpt); 1W 4,03% (+0,03); 2W 4,20% (+0,05 đpt) và 1M 4,40% (không thay đổi).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 07/11 - 11/11, NHNN chào thầu 28.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với các kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 6,0%. Có 23.028,5 tỷ đồng trúng thầu; có 46.697,93 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, có 19.999,6 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần.

Như vậy, NHNN hút ròng 5.651,83 tỷ VND từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 81.203,45 tỷ VND, không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.

Thị trường trái phiếu: Ngày 07/11, NHCSXH huy động được 1.500/2.500 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 60%). Trong đó, kỳ hạn 3 năm và 5 năm huy động được toàn bộ lần lượt 500 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu lần lượt giữ nguyên tại 4,7%/năm và 4,8%/năm. Ngoài ra, UBND tỉnh Long An cũng gọi thầu 500 tỷ đồng TP CQĐP, tuy nhiên, phiên đấu thầu thất bại. Ngày 09/11, KBNN huy động thành công 10.100/12.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 81%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 7.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 2.600/5.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 4,4%/năm (+0,2%); kỳ hạn 15 năm tại 4,7%/năm (+0,3%).

Tuần vừa qua từ 07/11 – 11/11 và tuần này từ 14/11 – 18/11 không có TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này, ngày 14/11, NHCSXH dự kiến gọi thầu 2.500 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 16/11, KBNN dự kiến gọi thầu 10.000 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn 10 năm và 15 năm.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 1.338 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 3.185 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 11/11, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 4,78% (0 đpt); 2 năm 4,78% (0 đpt); 3 năm 4,78% (0 đpt); 5 năm 4,87% (+0,01đpt); 7 năm 4,91% (-0,02 đpt); 10 năm 4,91% (-0,02 đpt); 15 năm 5,03% (-0,08 đpt); 30 năm 5,31% (-0,02 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 07/11 - 11/11, mặc dù có vài phiên phục hồi, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục bi quan khi cả 3 chỉ số đều lao dốc. Chốt ngày 11/11, VN-Index đứng ở mức 954,53 điểm, giảm mạnh 42,62 điểm (-4,27%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index sụt 14,75 điểm (-7,21%) về 189,81 điểm; UPCom-Index giảm 5,64 điểm (-7,59%) còn 68,26 điểm.

Thanh khoản thị trường không cải thiện so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình trên 11.400 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng mạnh gần 2.500 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua, đặc biệt phiên cuối tuần mua ròng gần toàn bộ khối lượng này.            

Tin quốc tế

Mỹ ghi nhận nhiều thông tin kinh tế quan trọng, nổi bật là lạm phát hạ nhiệt mạnh trong tháng 10. Chính phủ Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại nước này lần lượt tăng 0,4% và 0,3% m/m trong tháng 10 vừa qua, nối tiếp đà tăng 0,4% và 0,6% của tháng trước đó, song nhẹ hơn mức tăng 0,6% và 0,5% theo dự báo. Theo đó, CPI toàn phần chỉ tăng 7,7% y/y trong tháng 10, thấp hơn mức 8,2% của tháng 9 và đồng thời thấp hơn dự báo tăng 7,9%. Trước khi có dữ liệu về CPI, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Thomas Barkin phát biểu cho rằng nước Mỹ đang ở giai đoạn cuối của vấn đề lạm phát cao, giá cả hàng hóa dường như đang hạ nhiệt và chuỗi cung ứng đang có dấu hiệu nới lỏng, bên cạnh đó Fed cũng sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Sau khi CPI được công bố, thị trường kỳ vọng Fed sẽ thu hẹp biên độ nâng LSCS trong cuộc họp ngày 15/12, công cụ của CME hiện tại cho thấy có 83% khả năng Fed tăng 50 đcb tại cuộc họp tới, và chỉ 17% khả năng tiếp tục tăng mạnh 75 đcb. Tiếp theo, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát ở mức 54,7 điểm trong tháng 11, giảm xuống từ 59,9 điểm của tháng 10, thậm chí thấp hơn 59,5 điểm theo kỳ vọng. Ở thị trường lao động, số xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 05/11 là 225 nghìn đơn, tăng từ 218 nghìn đơn của tuần trước đó và vượt nhẹ mức 220 nghìn đơn theo dự báo.

Kinh tế Anh suy giảm nhẹ trong quý III. Cụ thể, GDP nước Anh giảm 0,2% q/q trong quý III sau khi tăng 0,2% ở quý trước đó, chưa tiêu cực như mức giảm 0,5% theo dự báo. Mặc dù vậy, GDP tháng 10 của nước này tiếp tục giảm 0,6% m/m, nối tiếp đà giảm 0,1% của tháng trước đó và sâu hơn mức giảm 0,4% theo dự báo. Cũng trong tháng 10 vừa qua, sản lượng sản xuất Anh không tăng so với tháng trước đó và giá trị đầu tư tư nhân thậm chí suy giảm 0,5% m/m. Bloomberg cho rằng đà suy giảm của nước Anh sẽ kéo dài cho tới hết quý I/2023 do các vấn đề nguồn cung năng lượng, lương thực, bên cạnh đó là các bất ổn chính trị trong nước. Ngày 11/11, Bộ trưởng Jeremy Hunt nhắc lại cảnh báo về việc đưa ra những quyết định khó khăn liên quan tới thuế và chi tiêu nhằm khắc phục vấn đề tài chính công, cũng như khôi phục tín nhiệm của Chính phủ Anh về chính sách kinh tế.

Đọc thêm