Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 31/10, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.695 VND/USD, chỉ tăng 02 đồng so với phiên cuối tuần trước. NHNN duy trì không niêm yết tỷ giá mua giao ngay, tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 24.870 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.853 VND/USD, tăng 08 đồng so với phiên 28/10. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 45 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.180 VND/USD và 25.280 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 31/10, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,25 - 0,73 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở kỳ hạn 2W và giảm 0,05 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 5,23%; 1W 6,53%; 2W 7,0% và 1M 7,53%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,03 đpt ở các kỳ hạn ON và 1W; giữ nguyên ở kỳ hạn 2W và giảm 0,03 đpt ở kỳ hạn 1M; giao dịch tại: ON 3,14%; 1W 3,33%; 2W 3,47%, 1M 3,57%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 4,76%; 5Y 4,83%; 7Y 4,91%; 10Y 4,95%; 15Y 5,08%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 15.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 6,0%. Có 12.826.52 tỷ đồng trúng thầu, có 11.999,99 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 7 ngày. Có 9.999,8 tỷ VND trúng thầu lãi suất ở mức 6,0%, có 6.100 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 3.073,27 tỷ VND từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 84.681,84 tỷ VND, tín phiếu ở mức 78.987,18 tỷ VND.
Thị trường trái phiếu: Ngày 31/10, NHCSXH huy động thành công 3.000/5.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 60%). Trong đó, kỳ hạn 3 năm huy động được toàn bộ 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm huy động 1.000/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 3 năm giữ nguyên tại 4,7%/năm, kỳ hạn 5 năm giữ nguyên tại 4,8%/năm.
Thị trường chứng khoán: Đà giảm giá vẫn áp đảo trong phiên đầu tuần, tuy nhiên VN-Index kết phiên tăng nhẹ nhờ sức mạnh của một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,58 điểm (+0,06%) lên mức 1.027,94 điểm; HNX-Index giảm 3,30 điểm (-1,54%) còn 210,43 điểm; UPCoM-Index thêm 0,20 điểm (+0,26%) lên 76,29 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức cao hơn trung bình 20 ngày với giá trị giao dịch gần 12.400 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 230 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trong bài phân tích đăng trên trang web của Fitch Ratings, tổ chức này dự đoán Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,4% trong năm 2022 nhờ sự phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Fitch Ratings nhấn mạnh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI sẽ tiếp tục là nhân tố thúc đẩy mức tăng trưởng trung và dài hạn mạnh mẽ của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Fitch Ratings, rủi ro vẫn còn liên quan đến những ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine và các điều kiện cho vay bị thắt chặt hơn trên toàn cầu. Fitch Ratings dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 ở mức 6,2%. Fitch Ratings cho biết mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống còn dưới 100 tỷ USD do Việt Nam phải bán USD ra để ổn định tỷ giá thời gian qua.
Tin quốc tế:
Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI và CPI lõi tại khu vực Eurozone lần lượt tăng 10,7% và 5,0% y/y trong tháng 10 vừa qua, trái với dự báo cùng giữ nguyên mức tăng 9,9% và 4,8% của tháng 9.
Sản lượng công nghiệp của Nhật Bản giảm 1,6% m/m trong tháng 9 sau khi tăng khá mạnh 3,4% ở tháng trước đó, sâu hơn mức giảm 0,8% theo dự báo của các chuyên gia. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2021, sản lượng công nghiệp nước này vẫn tăng mạnh 9,8%. Ở lĩnh vực bán lẻ, doanh số thị trường Nhật Bản tăng 4,5% y/y trong tháng 9, cao hơn mức tăng 4,1% của tháng 8 và đồng thời cao hơn mức tăng 4,0% theo kỳ vọng.
Văn phòng Thống kê Úc cho biết doanh số bán lẻ tại nước này tăng 0,6% m/m trong tháng 9, bằng với mức tăng của tháng trước đó, tích cực hơn mức tăng 0,5% theo dự báo. Đây là tháng thứ 15 liên tiếp doanh số bán lẻ tại nước Úc tăng trưởng. So với cung kỳ năm 2021, doanh số tăng mạnh 17,9%.