Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 17/10 - 21/10/2022

07:52 24/10/2022

Tổng quan:

Gói phục hồi kinh tế với quy mô gần 350.000 tỷ đồng đang được đánh giá là triển khai chậm so với yêu cầu.

Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 được Chính phủ ban hành nhằm triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về một số chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Quy mô gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường thấp hơn nhiều so với những đề xuất trước đây, với khoảng 350.000 tỷ đồng tập trung thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023, nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, tạo sức bật tăng trưởng lên mức 6,5 - 7%/năm. Chương trình gồm 5 nhóm giải pháp với những nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, chính sách tài khoá là trụ cột có tổng quy mô 291.000 tỷ đồng, chiếm trên 80% gói hỗ trợ. Đáng chú ý, hỗ trợ trực tiếp từ NSNN lên tới 240.000 tỷ thay vì chủ yếu chỉ giãn, hoãn các khoản thuế, phí như trước đây. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là 40 nghìn tỷ đồng trong 2 năm, nghĩa là sẽ có khoảng 1 triệu tỷ đồng tín dụng được hỗ trợ, bao gồm cả tín dụng mới lẫn tín dụng cũ, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng.

Tuy nhiên, Chương trình được đánh giá là triển khai chậm. Mặc dù Nghị quyết về Chương trình được thông qua từ kỳ họp tháng 1 của Quốc hội, nhưng tới 24/05, Chính phủ mới thông báo danh mục dự án. Cập nhật tại phiên họp Ban Chỉ đạo triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày 15/09, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt khoảng 56.000 tỷ đồng, gần như không đổi so với con số mà cơ quan này báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 (diễn ra ngày 06/09). Trong 56.000 tỷ đồng này, giải ngân các chương trình cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH (tính đến ngày 13/09) đạt hơn 10.201 tỷ đồng; giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đến 14/09) đạt khoảng 3.492 tỷ đồng cho gần 5,1 triệu người lao động; giải ngân hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đến hết tháng 8/2022 đạt khoảng 13,5 tỷ đồng. Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8 là 34.970 tỷ đồng. Gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng. Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7.400 tỷ đồng.

Các chuyên gia chỉ ra nhiều khó khăn khiến người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận với các gói hỗ trợ. Thứ nhất, doanh nghiệp khó tiếp cận thông tin, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ hai, đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng yêu cầu thủ tục hành chính; thời hạn thực hiện các gói hỗ trợ ngắn, chỉ 3 - 6 tháng. Thứ ba, đối tượng hỗ trợ tập trung vào một số ngành nghề, trong khi nhiều ngành nghề đang thực sự khó khăn vẫn chưa được hỗ trợ kịp thời, đơn cử doanh nghiệp du lịch. Một vấn đề còn chưa rõ, DN hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, nếu chỉ một vài trong số lĩnh vực đó thuộc diện được hỗ trợ thì DN có được hưởng gói này không. Với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, hiện nhiều doanh nghiệp không tích cực tiếp cận vì phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục, lo ngại trách nhiệm thanh tra. Ngoài ra, nhiều DN chưa có tài sản bảo đảm; HTX chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh đang là rào cản để được tiếp cận khoản vay hỗ trợ lãi suất. Về phía ngân hàng, nhiều NH cũng đã có kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất năm 2009, có khó khăn nhất định về giải ngân và kiểm toán, nên cũng cẩn trọng hơn trong việc triển khai gói này…

Tóm lược thị trường trong nước từ 17/10 - 21/10

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 17/10 - 21/10, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng mạnh ở tất cả các phiên. Chốt ngày 21/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.688 VND/USD, tăng tới 147 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục dừng niêm yết tỷ giá mua giao ngay. Tỷ giá bán giao ngay được niêm yết tăng 445 đồng trong phiên đầu tuần lên 23.925 VND/USD và giữ nguyên mức này ở các phiên tiếp theo.

Tỷ giá LNH tăng rất mạnh trong tuần qua. Phiên cuối tuần 21/10, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.860 VND/USD, tăng 795 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng tăng trong tuần qua. Chốt phiên 21/10, tỷ giá tự do tăng mạnh 770 đồng ở chiều mua vào và 790 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.020 VND/USD và 25.120 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần qua từ 17/10 - 21/10, lãi suất VND LNH biến động tăng – giảm đan xen ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 21/10, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,60% (-0,35 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 5,40% (-0,05 đpt); 2W 5,84% (-0,11 đpt); 1M 6,63% (+0,01%).

Lãi suất USD LNH tiếp tục biến động nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Chốt tuần 21/10, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 3,15% (+0,02 đpt); 1W 3,30% (không thay đổi); 2W 3,45% (không thay đổi) và 1M 3,57% (-0,01 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 17/10 - 21/10, NHNN chào thầu 8.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với các kỳ hạn 07 ngày, lãi suất 5,0%. Có 5.386,53 tỷ đồng trúng thầu; có 1.960,14 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 7 ngày; có 126.198,7 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất từ 3,98 – 5,0%, không có tín phiếu đáo hạn trong tuần.

Như vậy, NHNN hút ròng 122.772,31 tỷ VND ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 92.880,25 tỷ VND, khối lượng tín phiếu ở mức 126.198,7 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 17/10, NHCSXH huy động thành công 800/3.000 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 27%). Trong đó, kỳ hạn 3 năm và 5 năm huy động được lần lượt 600/1.000 tỷ đồng và 200/1.000 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu tại 4,7%/năm và 4,5%/năm. Kỳ hạn 10 và 15 năm đấu thầu thất bại. Ngày 19/10, KBNN huy động thành công 9.500/10.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 95%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 4.500/5.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 3,8%/năm và 4,1%/năm, đều tăng 0,3% so với phiên trước.

Tuần vừa qua từ 17/10 – 21/10 có 400 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Trong tuần này từ 24/10 – 28/10 không có TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này, ngày 24/10, NHCSXH dự kiến gọi thầu 6.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 26/10, KBNN dự kiến gọi thầu 10.000 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn 10 năm và 20 năm.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 2.473 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 3.475 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 21/10, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 4,67% (-0,05 đpt); 2 năm 4,68% (-0,05 đpt); 3 năm 4,68% (-0,06 đpt); 5 năm 4,7% (-0,07đpt); 7 năm 4,75% (-0,09 đpt); 10 năm 4,83% (-0,09 đpt); 15 năm 4,95% (-0,05 đpt); 30 năm 5,22% (-0,01 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 17/10 - 21/10, thị trường chứng khoán lại bi quan với cả 3 sàn chìm trong sắc đỏ, đặc biệt giảm mạnh phiên cuối tuần. Chốt ngày 21/10, VN-Index đứng ở mức 1.019,82 điểm, mất 42,03 điểm (-3,96%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 8,47 điểm (-4,60%) về 217,41 điểm; UPCom-Index giảm 1,59 điểm (-1,98%) còn 78,57 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức rất thấp với giá trị giao dịch trung bình gần 11.100 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng hơn 766 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.          

Tin quốc tế

Mỹ đón một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng 0,4% m/m trong tháng 9, sau khi giảm 0,1% ở tháng trước đó, vượt qua mức tăng 0,1% theo kỳ vọng. So với cùng kỳ năm 2021, sản lượng công nghiệp trong tháng vừa qua tăng 2,9%. Tiếp theo, tại thị trường xây dựng nhà ở, số lượng cấp phép xây dựng nhà tại Mỹ trong tháng 9 đạt 1,56 triệu đơn, tăng nhẹ từ 1,54 triệu đơn của tháng 8 và vượt qua mức 1,52 triệu đơn theo dự báo. Mặc dù vậy, số nhà khởi công trong tháng vừa qua chỉ ở mức 1,44 triệu căn, giảm tương đối mạnh so với 1,57 triệu căn của tháng trước đó, thậm chí thấp hơn một chút so với mức 1,46 triệu căn theo dự báo. Về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 15/10 ở mức 214 nghìn đơn, giảm xuống từ 228 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng lên thành 229 nghìn đơn. Liên quan tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, thị trường dấy lên đồn đoán về việc cơ quan này có thể sớm chậm lại quá trình tăng LSCS. Nguyên nhân chính đến từ phát ngôn của ông Christopher Waller, một thành viên thuộc Hội đồng Thống đốc Fed, khi ông cho biết cơ quan này sẽ bàn luận rất kỹ về nhịp độ thắt chặt chính sách tại cuộc họp kế tiếp (ngày 02/11). Ngoài ra, Giám đốc điều hành chi nhánh San Francisco của Fed, bà Mary C. Daly cũng đưa ra quan điểm rằng đã đến lúc lên kế hoạch giảm nhịp độ nâng lãi suất.

Nước Anh có một tuần ghi nhận nhiều thông tin kinh tế, chính trị quan trọng. Cụ thể, ngày 20/10, Thủ tướng Anh Liz Truss phát biểu cho biết sẽ sớm từ chức lãnh đạo quốc gia này. Bà cũng cho biết thêm các cuộc bỏ phiếu bầu tân Thủ tướng Anh sẽ diễn ra ngay trong tuần này, và bà sẽ tạm thời giữ chức cho tới khi người kế nhiệm được lựa chọn. Trước đó, Văn phòng Thủ tướng Anh đã phải cách chức cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng ngày 14/10 do đưa ra chính sách cắt giảm thuế không hợp lý. Cùng ngày, tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt được bổ nhiệm và ngay lập tức thông báo sẽ đảo ngược hầu hết các biện pháp thuế cũ đã đề ra. Những diễn biến trên đã khiến thị trường tài chính Anh gặp nhiều biến động, đặc biệt là ở lợi suất TPCP Anh, theo đó khiến cho Thủ tướng Liz Truss mất tín nhiệm của người dân và cả các quan chức thuộc Đảng Bảo thủ. Liên quan tới thông tin kinh tế Anh, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại quốc gia này lần lượt tăng 10,1% và 6,5% y/y trong tháng 9, cùng tăng lên so với 9,9% và 6,3% của tháng trước đó, đồng thời vượt qua mức 10,0% và 6,4% theo dự báo. Doanh số bán lẻ của nước Anh giảm 1,4% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà giảm 1,7% của tháng 8 và đồng thời sâu hơn mức giảm 0,5% theo dự báo. Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Anh ở mức -47 điểm trong tháng 10, tăng nhẹ từ mức -49 điểm của tháng trước và trái với dự báo giảm xuống -52 điểm.

Đọc thêm