Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 17/11, NHNN tiếp tục giữ nguyên niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.677 VND/USD, tỷ giá bán giao ngay ở mức 24.860 VND/USD. NHNN duy trì không niêm yết tỷ giá mua giao ngay. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.815 VND/USD, tăng tiếp 33 đồng so với phiên 16/11. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng nhẹ 08 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 62 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.858 VND/USD và 24.938 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 17/11, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,11 - 0,48 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 5,13%; 1W 5,98%; 2W 6,70% và 1M 7,68%. Lãi suất chào bình quân LNH USD cũng tăng 0,02 – 0,07 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 3,92%; 1W 4,14%; 2W 4,26%, 1M 4,44%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giữ nguyên ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm nhẹ ở kỳ hạn 10Y và tăng nhẹ ở kỳ hạn 15Y, cụ thể: 3Y 4,76%; 5Y 4,79%; 7Y 4,85%; 10Y 4,89%; 15Y 5,02%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 8.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6,0%. Có 7.878,6 tỷ đồng trúng thầu, có 4.999,99 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, có 5.000 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất hạ xuống mức 5,49%. Như vậy, NHNN hút ròng 2.121,39 tỷ đồng từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 66.538,58 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 34.999,8 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường tiếp tục tích cực theo đà tăng điểm phiên trước đó, tuy nhiên thanh khoản sụt mạnh. Chốt phiên, VN-Index tăng 26,36 điểm (+2,80%) lên mức 969,26 điểm; HNX-Index thêm 4,41 điểm (+2,40%) đạt 187,86 điểm; UPCoM-Index tăng 1,22 điểm (+1,87%) lên 66,54 điểm. Thanh khoản thị trường giảm với giá trị giao dịch trên 12.400 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh hơn 1.500 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2022 đạt 328.900 tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, quý I khối lượng phát hành TPDN đạt 134,8 nghìn tỷ đồng, quý II là 122.400 tỷ đồng, quý III là 65.900 tỷ đồng. Trong đó, 46,48% TPDN phát hành riêng lẻ có tài sản đảm bảo, 53,52% không có TSĐB. Khối lượng TPDN của các TCTD phát hành lớn nhất, chiếm 41,34%; TPDN bất động sản chiếm 28,87%; TPDN xây dựng chiếm 7,8%. Khối lượng TP mua lại trước hạn là 152,5 nghìn tỷ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong hai tháng cuối năm 2022 sẽ có hơn 61.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn. Trong đó, tháng 12 sẽ có gần 48.000 tỷ đồng TPDN đến hạn.
Tin quốc tế:
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 12/11 ở mức 222 nghìn đơn, giảm nhẹ từ 226 nghìn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng nhẹ lên 228 nghìn. Trung bình 4 tuần gần nhất, số đơn xin trợ cấp chỉ ở mức 221 nghìn đơn, mức thấp so với 247 nghìn đơn thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Trong cuộc họp của Văn phòng Ngân sách Anh (OBR), Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cho biết quốc gia này cũng như nhiều nền kinh tế lớn khác đang bước vào thời kỳ suy thoái. GDP của nước Anh được OBR dự báo tăng 4,2% trong năm 2022, sau đó sẽ giảm 1,4% ở 2023, và sẽ tăng trở lại lần lượt 1,3%; 2,6% và 2,7% trong 3 năm sau đó. Tỷ lệ lạm phát được dự báo tăng 9,1% trong năm 2022, hạ nhiệt còn 7,4% năm 2023. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 3,6% trong năm nay lên 4,9% năm 2024 và giảm trở lại 4,1% trong dài hạn. Bộ trưởng Hunt cũng thông báo tình hình tài chính công đã xấu đi kể tháng 03/2022 do chi phí vay cao và phải tăng cường chi tiêu công. Thâm hụt ngân sách trong năm 2023 của nước Anh được dự báo ở mức 5,5%; tăng mạnh so với thâm hụt 1,9% theo dự báo hồi giữa năm của OBR.
Nước Úc tạo ra 32,2 nghìn việc làm mới trong tháng vừa qua, sau khi giảm nhẹ 3,8 nghìn việc làm ở tháng trước đó, vượt nhiều so với dự báo chỉ tạo ra 15 nghìn việc làm. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của nước Úc giảm xuống còn 3,4% trong tháng 10, trái với dự báo đi ngang ở mức 3,5% của tháng 9, mức thấp nhất trong vòng 50 năm.