Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 15/11, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.677 VND/USD, chỉ giảm 01 đồng so với phiên đầu tuần. NHNN duy trì không niêm yết tỷ giá mua giao ngay. Tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 24.860 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.768 VND/USD, tăng 23 đồng so với phiên 14/11. Tỷ giá trên thị trường tự do đi ngang ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.020 VND/USD và 25.120 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 15/11, lãi suất chào bình quân LNH VND tiếp tục giảm 0,07 - 0,18 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 4,25%; 1W 5,43%; 2W 6,22% và 1M 7,42%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn ON trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1M và tăng 0,02 – 0,05 đpt ở các kỳ hạn còn lại; giao dịch tại: ON 3,89%; 1W 4,08%; 2W 4,22%, 1M 4,40%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giữ nguyên ở kỳ hạn 10Y, cụ thể: 3Y 4,76%; 5Y 4,79%; 7Y 4,85%; 10Y 4,90%; 15Y 5,02%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6,0%. Có 9.268,56 tỷ đồng trúng thầu, có 16.999,99 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, có 19.999,9 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 6,0%. Như vậy, NHNN hút ròng 27.731,33 tỷ VND từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 67.117,05 tỷ VND, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 19.999.9 tỷ VND.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường tiếp tục trải qua một phiên tiêu cực khi cả 3 chỉ số đều giao dịch dưới mốc tham chiếu. Chốt phiên, VN-Index đóng cửa giảm 3,10%, tương đương mất 29,14 điểm; HNX-Index giảm 6,67 điểm (-4,18%) còn 175,78 điểm; UPCoM-Index sụt 3,54 điểm (-5,25%) xuống 63,30 điểm. Thanh khoản thị trường không cải thiện với giá trị giao dịch trên 10.800 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng mạnh hơn 1.196 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Bộ Tài chính, lũy kế 10 tháng năm 2022, Chính phủ trả nợ khoảng 241.040 tỷ đồng (71,8% kế hoạch); trong đó trả nợ trong nước 184.026 tỷ đồng (76,0% dự toán), trả nợ nước ngoài 57.014 tỷ đồng (60,8% dự toán); trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 220.182 tỷ đồng (73,4% kế hoạch), trả nợ cho vay lại khoảng 20.858 tỷ đồng (58% kế hoạch). Đến hết tháng 10/2022, vay trong nước và vay nước ngoài của Chính phủ Việt Nam khoảng 160.334 tỷ đồng (bằng 23,8% kế hoạch năm 2022); trong đó vay cho NSTW khoảng 152.610 tỷ đồng (bằng 23,6% kế hoạch), vay về cho vay lại 7.724 tỷ đồng (bằng 28,9% hạn mức được Chính phủ phê duyệt). Tính từ đầu năm 2022 đến 26/10 đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 906,1 triệu USD (tương đương khoảng 20.902 tỷ đồng), trong đó cấp phát khoảng 571,3 triệu USD (13.178 tỷ đồng), cho vay lại khoảng 334,8 triệu USD (7.724 tỷ đồng).
Tin quốc tế:
Tại Mỹ, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần tăng 0,2% m/m và PPI lõi chỉ đi ngang (0,0% m/m) trong tháng vừa qua, yếu hơn dự báo lần lượt tăng 0,4% và 0,3% m/m. Như vậy, so với cùng kỳ 2021, PPI toàn phần tăng 8,0% trong tháng 10, giảm tốc từ 8,4% của tháng 9, càng rời xa mức đỉnh 11,7% của tháng 3.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước Anh trong tháng 10 chỉ tăng nhẹ 3,3 nghìn đơn, thấp hơn mức 3,9 nghìn (điều chỉnh xuống từ 25,5 nghìn theo sơ bộ) của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức 17,3 nghìn đơn theo dự báo. Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp của nước Anh ghi nhận ở mức 3,6% trong tháng vừa qua, tăng nhẹ từ 3,5% của tháng 9. Cuối cùng, thu nhập bình quân tại Anh trong 3 tháng 08-09-10/2022 tăng 6,0% 3m/y; tương đương mức 6,1% của 3 tháng 07-08-09 và cao hơn so với mức 5,8% theo dự báo.
Tổ chức ZEW khảo sát cho biết chỉ số niềm tin kinh tế tại Đức ở mức -36,7 điểm trong tháng này, tăng từ mức -59,2 điểm của tháng 10 và vượt lên trên mức -50,9 điểm theo dự báo. Dù vẫn thể hiện tâm lý bi quan, song đây là trạng thái tốt nhất mà nước Đức có được kể từ tháng 7.