Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 14/11, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.678 VND/USD, giảm 05 đồng so với phiên cuối tuần trước. NHNN duy trì không niêm yết tỷ giá mua giao ngay. Tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 24.860 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.745 VND/USD, giảm mạnh 75 đồng so với phiên 11/11. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh 130 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.020 VND/USD và 25.120 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 14/11, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 - 0,29 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 4,34%; 1W 5,50%; 2W 6,33% và 1M 7,60%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,02 đpt ở kỳ hạn ON; giao dịch tại: ON 3,90%; 1W 4,03%; 2W 4,20%, 1M 4,40%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn ngắn, tăng ở kỳ hạn 15Y, cụ thể: 3Y 4,76%; 5Y 4,85%; 7Y 4,90%; 10Y 4,90%; 15Y 5,03%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 9.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6,0%. Có 6.471,55 tỷ đồng trúng thầu, có 12.826,52 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 6.354,97 tỷ VND từ thị trường qua kênh cầm cố. Khối lượng lưu hành trên kênh này ở mức 74.848,48 tỷ VND. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 14/11, NHCSXH huy động thành công 1.100/2.500 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 44%). Trong đó, kỳ hạn 3 năm huy động được 400/500 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm huy động 700/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 3 năm và 5 năm lần lượt tại 4,69%/năm và 4,79%/năm, giảm 0,01% so phiên trước.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, lực bán mạnh trong nhóm VN30 kéo các chỉ số sụt mạnh, tuy nhiên, lực cầu bắt đáy từ phiên chiều giúp đà giảm được thu hẹp. Chốt phiên, VN-Index đóng cửa giảm 1,41% so với mốc tham chiếu, tương đương mất 13,49 điểm; HNX-Index giảm 6,36 điểm (-3,35%) còn 183,45 điểm; UPCoM-Index sụt 1,81 điểm (-2,64%) xuống 66,81 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch trên 10.500 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng mạnh hơn 1.760 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022. Trong đó, Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình; cho phép NHNN có biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết theo quy định, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ và hệ thống các TCTD; đồng thời có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng đô la hoá và vàng hoá trong nền kinh tế; cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào SXKD, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tại Nghị quyết 43 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN đang biến động hết sức phức tạp. Thủ tướng cũng huy động nhiều Bộ, ngành cùng giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu, tránh gây bức xúc trong dư luận và nhân dân, đảm bảo duy trì an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống.
Tin quốc tế:
Thành viên Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed Christopher Waller phát biểu tại hội thảo của UBS, nhận định cơ quan này còn một chặng đường dài phải đi nhằm đạt được lạm phát ở mức mục tiêu, và chính sách tăng lãi suất sẽ không kết thúc trong 1 hay 2 cuộc họp sắp tới. Mặc dù vậy, ông Waller cũng cho biết Fed có thể cân nhắc giảm tốc, chỉ tăng 50 đcb trong cuộc họp tháng 12. Ông cho rằng có những bằng chứng lạm phát đang bắt đầu giảm, nhưng Fed muốn nhìn thấy xu hướng này tiếp diễn trước khi quyết định dừng tăng lãi suất. Với đợt tăng LSCS vào 02/11 vừa qua, Fed đã có tổng cộng 6 lần tăng LSCS liên tiếp, trong đó có 4 lần liên tiếp gần đây tăng 75 đcb, lên mức 3,75% - 4,0%; cao nhất kể từ 01/2008.
Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu (Eurostat) cho biết sản lượng công nghiệp của khu vực Eurozone tăng 0,9% m/m trong tháng 10 vừa qua, nối tiếp đà tăng 2,0% của tháng trước đó và cao hơn khá nhiều so với mức tăng chỉ 0,1% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2021, sản lượng công nghiệp tại Eurozone đã tăng 4,9%.