Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 14/10, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.177 VND/USD, giảm trở lại 04 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.750 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.822 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.760 VND/USD, không thay đổi so với phiên 13/10. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh 120 đồng ở chiều mua vào và 110 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.160 - 23.240 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 14/10, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,01 và 0,04 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,69%; 1W 0,81%; 2W 0,91 và 1M 1,18%. Lãi suất chào bình quân LNH USD không thay đổi ở kỳ hạn 1W trong khi giảm 0,01 – 0,03 đpt ở các kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,18%; 2W 0,22%, 1M 0,30%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng ở kỳ hạn 7Y, cụ thể: 3Y 0,79%; 5Y 0,91%; 7Y 1,25%; 10Y 2,15%; 15Y 2,41%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, các chỉ số biến động giằng co trước sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,06 điểm (-0,01%) xuống 1.391,85 điểm; HNX-Index tăng 5,50 điểm (+1,45%) lên 384,84 điểm; UPCoM-Index tăng 0,50 điểm (+0,51%) lên 99,28 điểm. Thanh khoản thị trường tăng tích cực so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt trên 26.100 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 688 tỷ VND trên cả ba sàn.
Tại báo cáo cập nhật kinh tế kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10 vừa được công bố, Ngân hàng Thế giới WB dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 2-2,5% năm 2021, do GDP quý III giảm sâu và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào quá trình phục hồi kinh tế quý IV, trong đó Hà Nội và TP HCM đang nới lỏng dần các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mức 2-2,5% thấp hơn đáng kể so với con số 4,8% được WB đưa ra hồi tháng 8. WB cho rằng một số thách thức mà nền kinh tế gặp phải là thiếu hụt lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng do việc cách ly xã hội kéo dài.
Tin quốc tế:
Chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần và PPI lõi tại nước Mỹ lần lượt tăng 0,5% và 0,2% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,7% và 0,6% của tháng trước đó, song thấp hơn mức tăng 0,6% và 0,5% theo dự báo của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm trước, PPI toàn phần và PPI lõi lần lượt tăng 8,6% và 5,9%. Trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tuần kết thúc ngày 09/10 ở mức 293 nghìn đơn, giảm khá tích cực từ mức 329 nghìn đơn của tuần trước đó và xuống sâu hơn so với mức 315 nghìn đơn theo dự báo.
Văn phòng Thống kê Úc cho biết nước này giảm 138,0 nghìn việc làm trong tháng 9, sau khi đã giảm tới 146,3 nghìn việc làm tháng trước đó, tiêu cực hơn nhiều so với dự báo chỉ giảm 108,5 nghìn việc làm. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Úc tăng lên mức 4,6% trong tháng vừa qua, nhích lên từ mức 4,5% của tháng 8, tuy nhiên thấp hơn mức 4,8% theo dự báo.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại Trung Quốc tăng 0,7% y/y trong tháng 9, thấp hơn mức 0,8% của tháng 8 và đồng thời thấp hơn mức 0,9% theo dự báo. Tuy nhiên, chỉ số giá sản xuất PPI của nước này tăng tới 10,7% y/y trong tháng vừa qua, cao hơn khá nhiều so với mức 9,5% của tháng 8, đồng thời vượt nhẹ so với mức 10,6% theo dự báo. Đây là đà tăng chỉ số giá sản xuất y/y cao nhất của Trung Quốc kể từ năm 1995.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB