Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 11/10 - 15/10/2021

08:00 18/10/2021

Tổng quan:

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 5/10/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Theo Thông báo, ước tính đến ngày 30/09/2021, giải ngân vốn đầu tư từ NSNN đạt trên 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm 2020 (56,33%). Trong đó, vốn trong nước đạt 51,71%; trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 60,88%; vốn nước ngoài đạt 12,69%; cùng kỳ năm ngoái đạt 21,65%. Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%. Chỉ rõ về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn so với năm 2020 mặc dù cả 2 năm cùng chịu tác động bởi dịch COVID-19, Bộ KH&ĐT cho rằng có sự khác biệt rõ rệt về diễn biến kinh tế - xã hội giữa 2 năm. Thứ nhất, tỷ lệ các địa phương thực hiện giãn cách triệt để theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ năm nay nhiều hơn, bao phủ rộng hơn so với năm 2020, do đó việc thi công công trình ở các địa bàn có dịch gặp khó khăn, thậm chí phải dừng thi công. Tiếp đến là sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào cho thi công do sự đứt gẫy chuỗi cung ứng và vận chuyển khó khăn cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ. Thêm vào đó, các địa phương có dịch, gần như ưu tiên cả về thời gian, nguồn lực con người, vật chất dành cho chống dịch. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công. Ngoài ra, vướng mắc về quy định pháp luật đã cản trở dòng vốn đổ vào các dự án đầu tư, bao gồm cả dự án trọng điểm, có quy mô lớn, tác động lan tỏa tới nền kinh tế. Đặc biệt, năm 2021 cũng là năm chuyển tiếp các nhiệm kỳ lãnh đạo và kiện toàn tổ chức, nhân sự gắn với đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp trên toàn quốc; năm đầu tiên của một chu trình kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới. Theo đó, trong những tháng đầu năm 2021, chủ yếu diễn ra việc kiện toàn nhân sự chủ chốt và thực hiện các bước chuyển tiếp của giai đoạn trước. Hầu hết các dự án mới của giai đoạn 2021-2025 chưa thực hiện được trong những tháng đầu năm 2021 mà phải chờ Quốc hội phê duyệt kế hoạch trung hạn 2021-2025. Việc điều chỉnh các dự án đang triển khai cũng mất nhiều thời gian do nhiều thủ tục, đặc biệt đối với dự án ODA. Qua đó, hướng tháo gỡ các nút thắt và đẩy nhanh giải ngân đầu tư công đã được Chính phủ xác định là: Tập trung vào việc kiểm soát dịch bệnh để sớm phục hồi và triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất-kinh doanh bình thường, trong đó có đầu tư công; sớm điều chỉnh các quy định pháp lý, giảm thủ tục hành chính quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, trong đó có hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; thành lập các tổ công tác đặc biệt do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các cấp đứng đầu để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân yếu kém về năng lực, cố tình gây khó khăn, cản trở, trì trệ, nhũng nhiễu, tiêu cực, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; rà soát và linh hoạt điều chuyển việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài; công khai tình hình thực hiện và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ và Thủ tướng dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo dự kiến, tổng mức vốn NSNN thuộc Kế hoạch là 2,87 triệu tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, 1,38 triệu tỷ đồng thuộc nguồn vốn NSTW (1,08 triệu tỷ vốn trong nước và 300.000 tỷ vốn nước ngoài); 1,37 triệu tỷ là từ NSĐP; 120 tỷ từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên chuyển sang đầu tư công. Phương án phân bổ hơn 2,87 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn này đang được xây dựng. Trong đó dự kiến, 10% vốn NSTW được để lại dự phòng, số còn lại vào khoảng 2,7 triệu tỷ đồng sẽ được phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương. Đầu tư công giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung ưu tiên cho những ngành, lĩnh vực quan trọng và then chốt của nền kinh tế, trong đó các lĩnh vực kinh tế chiếm hơn 71% (hơn 68% trong số này dồn cho hạ tầng giao thông). Mục tiêu cụ thể của đầu tư công trung hạn giai đoạn này cũng đã được đặt ra. Đó là trong các năm 2021-2025 sẽ hoàn thành xong 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Năm 2025 sẽ hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Cũng trong giai đoạn này sẽ hoàn thành các công trình thủy lợi và các hồ chứa nước trọng yếu ở Tây Nguyên, ở đồng bằng sông Cửu Long… Nguồn vốn đầu tư từ NSNN sẽ đầu tư theo hướng dồn lực vào các dự án có tính chất 'quả đấm thép', các dự án quan trọng quốc gia, dự án liên vùng, các tuyến đường cao tốc, đường ven biển… dự án chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực… nhằm tạo ra động lực mới, không gian mới cho phát triển đất nước.

Tóm lược thị trường trong nước từ 11/10 - 15/10

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 11/10 - 15/10, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng nhẹ 3 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại 2 phiên cuối. Chốt tuần 15/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.159 VND/USD, giảm 06 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.804 VND/USD.

Tỷ giá LNH tiếp tục ít biến động qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 15/10, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.757 VND/USD, tăng nhẹ 02 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng – giảm qua các phiên. Chốt tuần 15/10, tỷ giá tự do tăng 25 đồng ở chiều mua vào và 45 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.230 VND/USD và 23.280 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần qua từ 11/10 - 15/10 tăng – giảm đan xen qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 15/10, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,69% (không thay đổi); 1W 0,81% (+0,01 đpt); 2W 0,91% (+0,01 đpt); 1M 1,17% (-0,01 đpt).

Lãi suất USD LNH duy trì xu hướng ít biến động trong tuần. Chốt tuần 15/10, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,15% (không thay đổi); 1W 0,18% (-0,01 đpt); 2W 0,22% (-0,01 đpt) và 1M 0,31% (không thay đổi).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 11/10 - 15/10, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.         

Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 11/10 - 15/10, KBNN huy động thành công 2.233/7.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 30%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 7 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm huy động thành công 1.600/2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 60/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động 573/1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,14%/năm (+0,01%); kỳ hạn 15 năm giữ nguyên tại 2,37%/năm và kỳ hạn 20 năm giữ nguyên tại 2,8%/năm. Trong tuần có 250 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Tuần này từ 18/10 - 22/10, KBNN dự kiến gọi thầu 6.500 tỷ đồng TPCP. Trong tuần này có 100 tỷ đồng đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.717 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 7.560 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP ít biến động trong tuần vừa qua. Chốt phiên 15/10, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,47% (-0,01 đpt); 2 năm 0,59% (-0,01 đpt); 3 năm 0,77% (-0,05 đpt); 5 năm 0,9% (-0,03đpt); 7 năm 1,25% (+0,01 đpt); 10 năm 2,14% (0 đpt); 15 năm 2,4% (-0,02 đpt); 30 năm 2,98% (không thay đổi).   

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 11/10 - 15/10, cả 3 chỉ số trên thị trường chứng khoán duy trì tăng nhẹ qua các phiên. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 15/10, VN-Index đứng ở mức 1.392,70 điểm, tương ứng tăng 19,97 điểm (+1,45%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 12,92 điểm (+3,47%) lên 384,84 điểm; UPCoM-Index cũng tăng 1,14 điểm (+1,16%) lên 99,44 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 23.800 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, giao dịch của khối ngoại vẫn là điểm tiêu cực của thị trường trong tuần qua khi tiếp tục bán ròng hơn 1.097 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hạ nhẹ triển vọng kinh tế thế giới năm 2021 nhưng bảo toàn triển vọng 2022. Cụ thể, trong báo cáo vừa ra ngày 12/10, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng 5,9% trong năm nay, thấp hơn 0,1 đpt so với dự báo đưa ra hồi tháng 07/2021. Tuy nhiên, GDP thế giới năm 2022 vẫn được giữ nguyên triển vọng tăng trưởng 4,9%. Trong các nước phát triển, Mỹ được dự báo tăng 6,0% trong năm 2021 (-1,0 đpt so dự báo trước), tiếp theo là Eurozone tăng 5,0% (+0,4 đpt), Nhật Bản tăng 2,4% (-0,4 đpt) và nước Anh tăng 6,8% (-0,2 đpt). Trong năm 2022, Mỹ có thể tăng 5,2% (+0,3 đpt), Eurozone tăng 4,3% (giữ nguyên); Nhật Bản tăng 3,2% (+0,2 đpt) và Anh tăng 5,0% (+0,2 đpt). Tại Châu Á, Trung Quốc được dự báo tăng 8,0% trong năm nay (-0,1 đpt), sau đó tăng 5,6% năm 2022 (-0,1 đpt). Nhóm ASEAN5 (gồm Indonesia, Malaysia, Phiippines, Thái Lan và Việt Nam) được dự báo lần lượt tăng 2,9% năm 2021 (-1,4 đpt) và 5,8% năm 2022 (-0,5 đpt).

Biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed cho thấy cơ quan này có thể sớm thu hẹp tốc độ bơm tiền vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed công bố ngày 14/10 cho biết đa số quan chức nhận định nên giảm mua TPCP Mỹ 10 tỷ USD mỗi tháng và chứng khoán có bảo đảm 5 tỷ mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 11 hoặc tháng 12, số còn lại cho rằng nên cắt giảm nhanh hơn. Bên cạnh đó, một số thành viên của Fed cho rằng nên tăng LSCS trong năm 2022, các thành viên khác ủng hộ duy trì LSCS ở mức hiện tại trong một vài năm. Như vậy, Fed vẫn đang trong thế tiến thoái lưỡng nan trong bối cảnh hướng tới mục tiêu toàn dụng nhân công và hỗ trợ kinh tế, song vẫn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 2,0% trong trung hạn. Liên quan đến thông tin kinh tế Mỹ, CPI toàn phần và CPI lõi của nước này lần lượt tăng 0,4% và 0,2% m/m trong tháng vừa qua, nối tiếp đà tăng 0,3% và 0,1% của tháng trước đó, đồng thời vượt qua mức tăng 0,3% và 0,2% theo dự báo. Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần và PPI lõi tại Mỹ lần lượt tăng 0,5% và 0,2% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,7% và 0,6% của tháng trước đó, song thấp hơn mức tăng 0,6% và 0,5% theo dự báo của các chuyên gia. Doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ lần lượt tăng 0,8% và 0,7% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 2,0% và 0,9% của tháng trước đó, tích cực hơn dự báo doanh số lõi tăng 0,5% và doanh số toàn phần giảm 0,2%. Ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 09/10 ở mức 293 nghìn đơn, giảm khá tích cực từ mức 329 nghìn đơn của tuần trước đó và xuống sâu hơn so với mức 315 nghìn đơn theo dự báo.

Nước Anh đón một số thông tin kinh tế tương đối tích cực. Cụ thể, GDP của nước này tăng 0,4% m/m trong tháng 8 sau khi giảm 0,1% ở tháng trước đó, chỉ thấp hơn một chút so với mức tăng 0,5% theo kỳ vọng. Như vậy, GDP của nước này chỉ còn thấp hơn khoảng 0,8% so với tháng 02/2020. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp của nước này tăng 0,8% m/m trong tháng 8, nối tiếp đà tăng 0,3% của tháng trước đó và vượt khá mạnh so với mức 0,2% theo dự báo. Trên thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này ở mức 4,5% trong tháng 8, giảm nhẹ xuống từ mức 4,6% của tháng 7 và khớp với dự báo của các chuyên gia. Tiếp theo, thu nhập bình quân của người lao động Anh trong 3 tháng 06-07-08/2021 tăng 7,2% 3m/y; thấp hơn mức 8,3% của 3 tháng 05-06-07/2021 nhưng cao hơn mức 6,9% theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm