Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 16/11, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.107 VND/USD, tăng nhẹ 03 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.650 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.750 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.650 VND/USD, không thay đổi so với phiên 15/11. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.360 VND/USD và 23.440 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 16/11, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 – 0,05 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 0,66%; 1W 0,75%; 2W 0,87 và 1M 1,13%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,18%; 2W 0,22%, 1M 0,29%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,65%; 5Y 0,75%; 7Y 1,09%; 10Y 2,06%; 15Y 2,32%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, sắc đỏ xâm lấn hàng loạt cổ phiếu khiến thị trường điều chỉnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,12 điểm (-0,69%) xuống 1.466,45 điểm; HNX-Index tăng 7,97 điểm (+1,79%) lên 452,25 điểm; UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,23%) xuống 111,48 điểm. Thanh khoản thị trường tuy giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn ở mức rất cao với tổng giá trị giao dịch đạt gần 42.500 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 217 tỷ VND trên cả ba sàn.
Ngày 12/11/2021, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025. Tại Nghị quyết, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 được đưa ra, như sau: Tỷ lệ bội chi NSNN giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP; Bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 05 năm khoảng 32 - 34% GDP; Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế; Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững; Tất cả các NHTM áp dụng theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II; Phát triển mạnh các loại thị trường; Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP; Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%....
Tin quốc tế:
Doanh số bán lẻ toàn phần và doanh số bán lẻ lõi của Mỹ cùng tăng 1,7% m/m trong tháng 10, sau khi lần lượt tăng 0,7% và 0,8% trong tháng 9, vượt qua các mức tăng 1,0% và 1,3% theo kỳ vọng của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2020, doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ tháng 10 tăng tới 16,3%. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Mỹ tăng 1,6% m/m trong tháng 10 sau khi giảm 1,3% ở tháng trước đó, cao hơn mức tăng 0,9% theo dự báo. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng công nghiệp tại Mỹ tháng vừa qua tăng 5,1%.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này giảm 14,9 nghìn đơn trong tháng 10, nối tiếp đà giảm 85,9 nghìn của tháng 9, nhưng chưa đạt mức giảm 39,2 nghìn theo dự báo. Tiếp theo, tỷ lệ thất nghiệp của nước Anh trong tháng 10 giảm xuống còn 4,3% từ mức 4,5% của tháng 9, thấp hơn mức 4,4% theo kỳ vọng. Cuối cùng, thu nhập bình quân của người dân Anh trong 3 tháng 08-09-10/2021 tăng 5,8% 3m/y, thấp hơn mức tăng 7,2% của 3 tháng 07-08-09/2021, nhưng vẫn cao hơn mức tăng 5,5% theo dự báo.
Theo báo cáo của Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu, GDP của Eurozone tăng 2,2% q/q trong quý vừa qua, không thay đổi so với kết quả thống kê lần đầu và tích cực hơn mức tăng 2,0% của quý 2. So với cùng kỳ năm 2020, GDP quý 3 của Eurozne tăng 3,7%. Tính riêng khu vực EU27, GDP của khối này trong quý vừa qua tăng 2,1% q/q và 3,9% y/y.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB