Quốc hội thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

08:27 16/11/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 15/11, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.104 VND/USD, giảm trở lại 11 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.650 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.747 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.650 VND/USD, giảm 05 đồng so với phiên 12/11. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 50 đồng ở chiều mua vào và 110 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.370 VND/USD và 23.470 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 15/11, lãi suất chào bình quân LNH VND giữ nguyên ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,02 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 0,68%; 1W 0,78%; 2W 0,88 và 1M 1,18%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,02 đpt ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống ngoại trừ đi ngang ở kỳ hạn ON, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,18%; 2W 0,22%, 1M 0,30%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,66%; 5Y 0,75%; 7Y 1,09%; 10Y 2,07%; 15Y 2,33%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực, mặc dù bị rung lắc vào cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,20 điểm (+0,22%) lên 1.476,57 điểm; HNX-Index tăng 2,65 điểm (+0,60%) lên 444,28 điểm; UPCoM-Index tăng 1,08 điểm (+0,98%) lên 111,74 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức rất cao với tổng giá trị giao dịch đạt gần 42.500 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 20 tỷ VND trên cả ba sàn.

Ngày 12/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Một số chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5-25,8%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%... Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc: Thực hiện các chính sách, giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư; Kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giám sát chặt chẽ và kiểm soát việc phát sinh nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD.

Tin quốc tế:

Ngày 15/11, trả lời phỏng vấn của Reuters, Chủ tịch NHTW Châu Christine Lagarde nhấn mạnh việc thắt chặt CSTT nhằm kiềm chế lạm phát có thể cản trở sự phục hồi của khu vực đồng EUR. Bà cho rằng lạm phát sẽ cao hơn và lâu hơn so với suy nghĩ của nhiều người, nhưng chắc chắn sẽ dần mờ nhạt vào năm 2022. Theo đó, việc thắt chặt hơn CSTT là điều không nên làm vào lúc này, trong bối cảnh sức tiêu dùng đang bị siết chặt bởi sự tăng giá của các mặt hàng năng lượng.

Văn phòng Chính phủ Nhật Bản cho biết GDP của nước này giảm 0,8% q/q trong quý 3 sau khi tăng 0,5% ở quý trước đó, sâu hơn mức giảm 0,2% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2020, GDP của Nhật giảm 3,0% trong quý vừa qua.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 4,9% y/y trong tháng 10, cao hơn mức tăng 4,4% của tháng trước đó và đồng thời cao hơn mức tăng 3,8% theo dự báo. Tiếp theo, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này ở mức 4,9% trong tháng 10, đi ngang so với kết quả của tháng 9 và khớp với dự báo. Cuối cùng, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng vừa qua tăng 3,5% y/y, cao hơn mức tăng 3,1% của tháng 9 và đồng thời cao hơn mức tăng 3,0% theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm