Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 08/11 - 12/11/2021

08:34 15/11/2021

Tổng quan:

Thị trường TPCP sơ cấp trầm lắng trong tháng 10 sau khi giao dịch sôi động trong quý II và quý III, tăng áp lực huy động vốn theo Kế hoạch của KBNN vào 2 tháng cuối năm. 

Ngày 08/10, KBNN đã thông báo điều chỉnh Kế hoạch đấu thầu TPCP của năm 2021 từ 350.000 tỷ đồng lên 373.000 tỷ đồng (đã bao gồm khối lượng phát hành cho BHXHVN). Đây là quy mô huy động dự kiến lớn nhất từ trước đến nay tính theo kế hoạch của một năm từ KBNN, trong bối cảnh tổng mức đáo hạn TPCP lên đến hơn 160.000 tỷ đồng trong năm 2021. Trong quý 4/2020, KBNN dự kiến tổng mức phát hành theo kế hoạch là 135.000 tỷ đồng; trong đó, khối lượng phát hành nhiều nhất ở kỳ hạn 15 năm với 50.000 tỷ đồng, chiếm 37% và khối lượng ít nhất ở kỳ hạn 7 năm với chỉ 5.000 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy, áp lực huy động vốn theo Kế hoạch trong quý 4, đặc biệt 2 tháng cuối năm, tương đối lớn.

Trong tháng 10, KBNN tổ chức 18 đợt đấu thầu TPCP với tổng giá trị gọi thầu là 32,750 tỷ đồng, tổng giá trị đặt thầu là 56,610 tỷ đồng, trong đó giá trị trúng thầu đạt 16,146 tỷ đồng, giảm 58% so với tháng trước, tỷ lệ phát hành thành công đạt 49,3%. Trong đó, 2 kỳ hạn có khối lượng gọi thầu cao nhất là kỳ hạn 10 năm và kỳ hạn 15 năm (lần lượt là 12,000 và 8,000 tỷ đồng), tỷ lệ trúng thầu lần lượt đạt 74,8% (kỳ hạn 10 năm) và 31,6% (kỳ hạn 15 năm). Trong tháng 10, HNX đã phối hợp KBNN tổ chức phiên đấu thầu TPCP phủ theo phương thức đa giá đầu tiên. Với phương thức này, trong một phiên đấu thầu có nhiều mức lãi suất trúng thầu tuỳ mức lãi suất đặt thầu tương ứng của từng nhà đầu tư đặt thầu, giúp tạo ra cạnh tranh hơn trong đầu thầu. Tuy nhiên, tại phiên đấu thầu đa giá được tổ chức ngày 27/10, KBNN chỉ huy động được 250 tỷ đồng /4.000 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu trung bình trong tháng ở hầu hết các kỳ hạn đều tăng so với tháng trước. So với cuối tháng 9/2021, lãi suất huy động TPCP của KBNN tăng tại các kỳ hạn 10,15 và 20 năm với mức tăng từ 0,01-0,03%/năm, giữ nguyên tại kỳ hạn 30 năm. Trong những tháng gần đây, đường cong lãi suất không có nhiều biến động, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, độ dốc có xu hướng giảm nhẹ (giảm lãi suất dài hạn, tăng lãi suất ngắn hạn). Theo các chuyên gia, lãi suất TPCP Việt Nam ở mức tương đối thấp trong khu vực. Khoảng cách giữa lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ từ đầu tháng 10 tới nay có xu hướng thu hẹp khoảng 0,35% ở kỳ hạn 5 năm và 0,04% ở các kỳ hạn 1 - 10 năm và nới rộng biên độ ở kỳ hạn 30 năm. Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2021, KBNN phát hành được 253,860 tỷ đồng TPCP, tương đương 68% kế hoạch cả năm điều chỉnh. Trong tháng 11/2021, sẽ có khoảng 10,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn.

Trong tháng 10/2021, KBNN cũng đã tổng kết 12 năm hoạt động của thị trường TPCP. Trên thị trường sơ cấp, trong vòng 12 năm, hơn 2,47 triệu tỷ đồng vốn đã được huy động cho NSNN để phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Con số này tương ứng với mức huy động bình quân năm đạt hơn 206 nghìn tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 10% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội năm 2020, và 28,3% tổng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước năm 2020. Để huy động được lượng vốn hơn 2,47 triệu tỷ đồng này, đã có hơn 2.600 phiên đấu thầu được tổ chức tại HNX với tỉ lệ huy động thành công bình quân đạt 60-70% trên tổng khối lượng gọi thầu. Qua 12 năm, lãi suất huy động vốn trên thị trường TPCP đã giảm đáng kể từ 4 đến 6%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Trong đó, đặc biệt giảm mạnh tại kỳ hạn 5 năm (giảm từ 10,49%/năm trong 2009 xuống còn 1%/năm trong 2021; kỳ hạn 10 năm (giảm từ mức 9,7%/năm trong 2009 xuống còn 2,06%/năm trong 2021). Đồng thời, kỳ hạn phát hành của TPCP ngày càng tăng. Kỳ hạn phát hành bình quân đã tăng từ 2-3 năm trong năm 2009 lên 12,2 năm trong năm 2021. Trên thị trường thứ cấp, giao dịch TPCP tăng về quy mô và độ sâu, tiệm cận với các nước có thị trường TPCP phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tổng dư nợ thị trường TPCP tại HNX tính đến hết tháng 8/2021 đạt 1,4 triệu tỷ đồng, gấp 8,7 lần quy mô năm 2009. Thanh khoản trái phiếu năm 2021 đạt mức 10,8 nghìn tỷ đồng/phiên, gấp 29,7 lần so với năm 2009. Giá trị giao dịch Repos cũng tăng mạnh từ quy mô với tỷ trọng 6,5% trên tổng giá trị giao dịch năm 2009 lên mức 33% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường năm 2021. Theo HNX, có thể thấy rõ, thị trường TPCP đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho NSNN, góp phần thay đổi cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.

Tóm lược thị trường trong nước từ 08/11 – 12/11

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 08/11 - 12/11, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm khá mạnh 3 phiên đầu tuần và tăng trở lại 2 phiên cuối tuần. Chốt tuần 12/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.115 VND/USD, giảm 18 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.650 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.758 VND/USD.

Tỷ giá LNH tiếp tục biến động theo xu hướng giảm trong tuần vừa qua, mặc dù đà giảm đã chậm lại. Chốt phiên cuối tuần 12/11, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.655 VND/USD, giảm 13 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm qua các phiên trong tuần. Chốt tuần 12/11, tỷ giá tự do giảm 70 đồng ở chiều mua vào và 130 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.320 VND/USD và 23.360 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần qua từ 08/11 - 12/11 biến động tăng – giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 12/11, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,68% (+0,03 đpt); 1W 0,78% (+0,01 đpt); 2W 0,88% (-0,01 đpt); 1M 1,16% (-0,01 đpt).

Lãi suất USD LNH có xu hướng giảm nhẹ trở lại ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 12/11, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,14% (-0,01 đpt); 1W 0,17% (-0,02 đpt); 2W 0,20% (-0,03 đpt) và 1M 0,28% (-0,04 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 08/11 - 12/11, NHNN duy trì chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.         

Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 8/11 - 12/11, KBNN huy động thành công 9.912/10.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 99%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 2.912/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động toàn bộ 3.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,09%/năm (-0,06%); kỳ hạn 15 năm tại 2,34%/năm (-0,01%); kỳ hạn 20 năm tại 2,81%/năm (+0,01%). Trong tuần có 1.500 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Tuần này từ 15/11 - 19/11, KBNN dự kiến gọi thầu 7.000 tỷ đồng TPCP. Trong tuần này có 250 tỷ đồng đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 12.157 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 10.236 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP giảm ở hầu hết các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt phiên 12/11, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,45% (không thay đổi); 2 năm 0,55% (-0,02 đpt); 3 năm 0,67% (-0,03 đpt); 5 năm 0,76% (-0,05đpt); 7 năm 1,1% (-0,08 đpt); 10 năm 2,09% (-0,03 đpt); 15 năm 2,34% (-0,07 đpt); 30 năm 2,98% (không thay đổi).          

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 08/11 - 12/11, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tích cực khi cả 3 chỉ số đều chốt tuần trong sắc xanh, thanh khoản thị trường duy trì mức rất cao. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 12/11, VN-Index đứng ở mức 1.473,37 điểm, tương ứng tăng 16,86 điểm (+1,16%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 13,99 điểm (+3,27%) lên 441,63 điểm; UPCoM-Index tăng 2,46 điểm (+2,27%) lên 110,66 điểm.

Thanh khoản thị trường tương tự tuần trước đó với giá trị giao dịch gần 35.100 tỷ đồng/phiên. Chốt tuần, khối ngoại bán ròng hơn 1.400 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, về chỉ số giá tiêu dùng, CPI toàn phần và CPI lõi tại Mỹ lần lượt tăng 0,9% và 0,6% m/m trong tháng 10, nối tiếp đà tăng 0,4% và 0,2% của tháng trước đó, cao hơn so với mức tăng 0,6% và 0,4% theo dự báo của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2020, CPI toàn phần và CPI lõi của Mỹ lần lượt tăng 6,2% và 4,6% trong tháng vừa qua. Về chỉ số giá sản xuất, PPI toàn phần tại Mỹ tăng 0,6% m/m trong tháng 10, nối tiếp đà tăng 0,5% của tháng trước đó. PPI lõi cũng tăng 0,4% m/m trong tháng vừa qua sau khi tăng 0,2% ở tháng 9. Tiếp theo, tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 06/11 ở mức 267 nghìn đơn, giảm nhẹ từ mức 271 nghìn đơn của tháng trước đó, tuy nhiên chưa đạt mức 257 nghìn đơn theo kỳ vọng.

Thống đốc NHTW Anh có bài phát biểu quan trọng về mục tiêu lạm phát, bên cạnh đó nước Anh cũng ghi nhận nhiều thông tin kinh tế trái chiều. Cụ thể, Thống đốc NHTW Anh BOE Andrew Bailey ngày 09/11 nhấn mạnh BOE không muốn áp lực lạm phát lớn trở thành một điều bình thường trong nền kinh tế, đó là lý do tại sao cơ quan này phải hành động đối với lãi suất nếu các bằng chứng trở nên rõ ràng hơn. Liên quan đến kinh tế Anh, GDP của nước này tăng 0,6% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,2% của tháng trước đó và đồng thời cao hơn mức tăng 0,4% theo dự báo. Theo đó, GDP của Anh tăng 1,3% q/q trong quý 3 sau khi tăng 5,5% ở quý trước đó, thấp hơn mức tăng 1,5% theo dự báo. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp của nước Anh giảm nhẹ 0,4% m/m trong tháng 9 sau khi tăng 1,0% ở tháng trước đó, trái với dự báo tăng nhẹ 0,2%. Sản lượng xây dựng tại nước Anh tăng 1,3% m/m trong tháng 9 sau khi giảm 0,7% ở tháng 8, mạnh hơn nhiều so với mức tăng 0,2% theo kỳ vọng. Cuối cùng, cán cân thương mại Anh thâm hụt 14,7 tỷ GBP trong tháng 9, sâu hơn mức thâm hụt 13,7 tỷ của tháng 8, đồng thời sâu hơn mức thâm hụt 14,3 tỷ theo dự báo.

Khu vực Eurozone ghi nhận một số thông tin kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, Sentix khảo sát cho biết chỉ số niềm tin đầu tư tại Eurozone ở mức 18,3 điểm trong tháng 11, tăng lên từ mức 16,9 điểm của tháng trước, trái với dự báo giảm xuống còn 14,9 điểm và chấm dứt chuỗi giảm điểm liên tục kể từ tháng 07/2021. Tiếp theo, ZEW khảo sát cho biết chỉ số niềm tin kinh tế tại Eurozone nói chung và nước Đức nói riêng lần lượt ở mức 25,9 và 31,7 điểm trong tháng 11, cùng tăng so với 21,0 và 22,3 điểm của tháng 9, và cùng trái với dự báo giảm xuống 20,6 và 20,3 điểm. Tiếp theo, CPI tại Đức chính thức tăng 0,5% m/m trong tháng 10, sau khi đi ngang ở tháng 9 (0,0% m/m) và không thay đổi so với kết quả thống kê sơ bộ. Cuối cùng, ngày 11/11, Ủy ban châu Âu EC dự báo nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2021, thay vì 4,8% như dự báo hồi tháng 7.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm