Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 11/11, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.105 VND/USD, tăng nhẹ 05 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.650 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.748 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.640 VND/USD, giảm 15 đồng so với phiên 10/11. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh 100 đồng ở chiều mua vào và 90 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.280 VND/USD và 23.350 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 11/11, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,01 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở các kỳ hạn 2W và 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,67%; 1W 0,78%; 2W 0,88 và 1M 1,16%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi không thay đổi ở các kỳ hạn 1W và 2W, giao dịch tại: ON 0,13%; 1W 0,17%; 2W 0,21%, 1M 0,28%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm ở kỳ hạn 7Y, cụ thể: 3Y 0,67%; 5Y 0,77%; 7Y 1,12%; 10Y 2,10%; 15Y 2,35%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường khi các chỉ số điều chỉnh mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm nhẹ 2,67 điểm (-0,18%) xuống 1.462,35 điểm; HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,11%) lên 438,73 điểm; UPCoM-Index giảm 0,56 điểm (-0,41%) xuống 109,10 điểm. Thanh khoản thị trường đạt sát mức đỉnh với tổng giá trị giao dịch đạt trên 45.100 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng mạnh gần 1.120 tỷ VND trên cả ba sàn.
Số liệu thống kê sơ bộ mới được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 10 tháng đầu năm đạt 539,42 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2020, xuất siêu trong 10 tháng đầu năm đạt hơn 120 triệu USD. Cụ thể, 10 tháng, xuất khẩu của Việt Nam đạt 269,77 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tính hết tháng 10, nhập khẩu của cả nước đạt gần 269,65 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tin quốc tế:
GDP của Anh tăng 0,6% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,2% của tháng trước đó và đồng thời cao hơn mức tăng 0,4% theo dự báo. Theo đó, GDP của nước này tăng 1,3% q/q trong quý 3 sau khi tăng 5,5% ở quý trước đó, thấp hơn mức tăng 1,5% theo dự báo. Tính riêng trong tháng 9, GDP của Anh chỉ còn thấp hơn 0,6% so với tháng 02/2020 (thời điểm trước đại dịch Covid-19). Tiếp theo, sản lượng công nghiệp của Anh giảm nhẹ 0,4% m/m trong tháng 9 sau khi tăng 1,0% ở tháng trước đó, trái với dự báo tăng nhẹ 0,2%. So với tháng 02/2020, sản lượng công nghiệp tháng 09/2021 thấp hơn khoảng 1,4%.
Văn phòng Thống kê Úc cho biết quốc gia này giảm 46,3 nghìn việc làm trong tháng 10, nối tiếp đà giảm 141,1 nghìn của tháng trước đó, trái với dự báo tăng 50 nghìn. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Úc ở mức 5,2% trong tháng vừa qua, tăng mạnh từ mức 4,6% của tháng 9 và vượt qua mức 4,8% theo dự báo của các chuyên gia. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tại nước Úc kể từ tháng 05/2021.
Theo báo cáo của NHTW Nhật Bản BOJ, chỉ số giá sản xuất PPI tại nước này tăng 8,0% y/y trong tháng 10, cao hơn khá nhiều so với mức tăng 6,4% của tháng trước đó, đồng thời vượt qua mức tăng 6,9% theo dự báo. Đây là mức PPI y/y cao nhất của Nhật Bản trong vòng 40 năm.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB