Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 04/11, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.152 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.750 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.797 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.685 VND/USD, giảm mạnh 65 đồng so với phiên 03/11 sau khi NHNN thông báo hạ tỷ giá mua giao ngay xuống mức 22.650 VND/USD kể từ hôm nay 05/11. Tỷ giá trên thị trường tự do giữ nguyên ở chiều mua vào trong khi giảm 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.520 VND/USD và 23.590 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 04/11, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng trở lại 0,01 – 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,66%; 1W 0,78%; 2W 0,88 và 1M 1,18%. Lãi suất chào bình quân LNH USD cũng tăng 0,01 – 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,18%; 2W 0,22%, 1M 0,30%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,70%; 5Y 0,81%; 7Y 1,18%; 10Y 2,13%; 15Y 2,38%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, cổ phiếu chứng khoán đua nhau tăng trần, nhóm xây dựng và bất động sản hồi phục mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,04 điểm (+0,28%) lên 1.448,34 điểm; HNX-Index tăng 6,71 điểm (+1,61%) lên 422,42 điểm; UPCoM-Index tăng 0,40 điểm (+0,37%) lên 107,38 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 33.750 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng nhẹ gần 95 tỷ VND trên cả ba sàn.
Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, lượng kiều hối chuyển về thành phố trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 5,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ 2020. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới gần hai năm qua, khiến dòng kiều hối toàn cầu suy giảm mạnh. Với diễn biến hiện tại, nhiều dự báo cho rằng, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong năm 2021 sẽ vượt mức 6,5 tỷ USD. Trên cả nước, năm 2020 kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 17,2 tỷ USD - vượt dự đoán ban đầu của Ngân hàng Thế giới (WB) là 15,7 tỷ USD. Năm nay, WB nhận định, lượng kiều hối về Việt Nam sẽ không suy giảm so với năm ngoái, ước đạt khoảng 18 tỷ USD.
Tin quốc tế:
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 30/10 ở mức 269 nghìn đơn, giảm xuống từ 283 nghìn đơn của tuần trước đó, đồng thời thấp hơn một chút so với mức 273 nghìn đơn theo dự báo. Tiếp theo, cán cân thương mại của nước Mỹ thâm hụt 80,9 tỷ USD trong tháng 9, sâu hơn nhiều so với mức thâm hụt 72,8 tỷ của tháng 8 và đồng thời sâu hơn mức thâm hụt 80,1 tỷ theo dự báo.
Hôm qua ngày 04/11, Hội đồng CSTT (MPC) của BOE quyết định không thay đổi LSCS ở mức 0,1% với tỷ lệ bỏ phiếu 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống. Bên cạnh đó, gói mua TPDN 20 tỷ GBP tiếp tục nhận được sự đồng ý của cả 9 thành viên, và gói mua TPCP 875 tỷ nhận được sự 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống. BOE cho biết với những dữ liệu về thị trường lao động và tỷ lệ lạm phát, sẽ mất ít nhất nhiều tháng tới để có thể nâng LSCS trở lại. Các quyết định trên của BOE nhằm đưa lạm phát ổn định ở mức mục tiêu 2,0%. Hiện tại, CPI tại Anh ở mức trên 3% y/y, và được BOE dự báo có thể đạt đỉnh ở 5% vào tháng 04/2022.
Doanh số bán lẻ Úc chính thức tăng 1,3% m/m trong tháng 9, không thay đổi so với thống kê sơ bộ và đồng thời bằng mức tăng của tháng 8 trước đó. So với cùng kỳ năm 2020, doanh số bán lẻ trong tháng 9 tăng 1,7%, và doanh số của quý 3 tăng 4,4%. Tiếp theo, cán cân thương mại Úc thặng dư 12,24 tỷ AUD trong tháng 9, thấp hơn mức thặng dư 14,74 tỷ của tháng 8 và khớp với dự báo của các chuyên gia.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB