Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 18/10 - 22/10/2021

08:00 25/10/2021

Tổng quan:

Tháng 9 và nửa đầu tháng 10/2021, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư trở lại sau chuỗi nhập siêu kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8; tốc độ sụt giảm xuất khẩu đã cải thiện; một số dự án xuất khẩu lớn được triển khai… là những tín hiệu vui cho tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng cuối năm.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9/2021, tốc độ sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu đã được cải thiện hơn nhiều. Cụ thể, tổng kim ngạch XNK cả nước tháng 9 đạt hơn 53 tỷ USD; trong đó, XK đạt hơn 27 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7% so với tháng 8/2021 (tháng 8 giảm 2,3% so với tháng 7/2021); NK đạt 26,67 tỷ USD, giảm 2,5% (tháng 8 giảm 6,1% so với tháng 7). Tháng 9, cả nước xuất siêu khoảng 360 triệu USD. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XNK cả nước đạt gần 484 tỷ USD, với mức thâm hụt hơn 2,5 tỷ USD. Sang nửa đầu tháng 10 từ 01-15/10/2021, cán cân thương mại hàng hóa cả nước tiếp tục thặng dư 0,18 tỷ USD, lũy kế từ đầu năm đến hết 15/10 cán cân thương mại thâm hụt 2,44 tỷ. Cụ thể, kỳ 1 tháng 10, kim ngạch xuất khẩu đạt 13,16 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 12,98 tỷ. Lũy kế từ 01/01 đến 15/10, kim ngạch XK đạt 254,01 tỷ USD, kim ngạch NK đạt 256,45 tỷ. Tổng kim ngạch XNK từ đầu năm đến hết kỳ 1 tháng 10 đạt 510,57 tỷ USD, tăng 23,57% so với cùng kỳ 2020.

Điểm sáng trong tình hình XK tháng 9 còn ở việc kim ngạch XK hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh đã có sự phục hồi bước đầu với kim ngạch đạt 3,363 tỷ USD, tăng tới 33% so với tháng 8, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 800 triệu USD. Đây là tín hiệu đáng mừng cho hoạt động XNK bởi TP. Hồ Chí Minh không chỉ là địa bàn tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp có hoạt động sản xuất, XK, mà với vai trò là cảng biển lớn nhất nước ta và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, việc thành phố kịp thời có các giải pháp tạo thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố miền Nam thêm rộng cửa trong NK vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị… phục vụ sản xuất, cũng như XK hàng hóa cho mùa tiêu dùng cuối năm.

Các chuyên gia đưa ra một số nguyên nhân giúp cán cân thương mại cả nước thặng dư trở lại. Cụ thể, trong chu kỳ sản xuất thông thường, doanh nghiệp thường tập trung ký kết hợp đồng vào cuối năm trước hoặc đầu năm mới, đến quý I, quý II là thời gian tăng nhập nguyên liệu, sang quý III, quý IV tập trung vào sản xuất. Trên thực tế DN đã tăng NK trong các tháng vừa qua là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhập siêu. Đến giai đoạn này, DN đã giảm NK tư liệu SX và tập trung SX để hoàn thành các đơn hàng nên dẫn đến việc xuất siêu trong tháng 9 này. Bên cạnh đó, hoạt động XK của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi khi DN tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA, cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm.

Dự báo đến cuối năm về cán cân thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, nếu không có biến động lớn về kiểm soát dịch bệnh, 3 tháng cuối năm là thời điểm doanh nghiệp các địa phương phía Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Năm nay, vào quý II và quý III, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến các trung tâm sản xuất lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, các tỉnh phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long… Riêng khu vực 19 tỉnh phía Nam, XK đã tương đương 45% kim ngạch XK cả nước. Việc Chính phủ có văn bản chung đưa ra những tiêu chí nhất định trong vấn đề di chuyển của người lao động tạo thuận lợi rất nhiều cho quá trình khôi phục sản xuất của các DN. Kết thúc cả năm 2021, nhiều khả năng cán cân thương mại sẽ ở mức cân bằng; thậm chí, nếu tình hình thuận lợi hơn, năm 2021, cả nước có thể xuất siêu. Bên cạnh đó, kim ngạch XK cả năm 2021 có khả năng ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020, trong khi năm nay, Chính phủ giao tăng trưởng XK ở mức 4 - 5%. Mục tiêu này là có cơ sở khi một số dự án XK lớn đã được triển khai mới đây. Đơn cử, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng đã được tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD. Với số vốn đầu tư tăng thêm, công ty sẽ tăng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6 - 10 triệu sản phẩm/tháng lên 13 - 14 triệu sản phẩm/tháng. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm, sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động XK trong thời gian tới.

Tóm lược thị trường trong nước từ 18/10 - 22/10

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 18/10 - 22/10, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng nhẹ 2 phiên đầu tuần rồi giảm mạnh trở lại 2 phiên cuối. Chốt tuần 22/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.142 VND/USD, giảm 17 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.786 VND/USD.

Tỷ giá LNH chỉ biến động nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 22/10, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.757 VND/USD, không thay đổi đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 22/10, tỷ giá tự do tăng 50 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.280 VND/USD và 23.350 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần qua từ 18/10 - 22/10 giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 22/10, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,66% (-0,03 đpt); 1W 0,78% (-0,03 đpt); 2W 0,89% (-0,02 đpt); 1M 1,15% (-0,02 đpt).

Lãi suất USD LNH duy trì xu hướng ít biến động trong tuần. Chốt tuần 22/10, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,14% (-0,01 đpt); 1W 0,18% (không thay đổi); 2W 0,22% (không thay đổi) và 1M 0,30% (-0,01 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 18/10 - 22/10, NHNN duy trì chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.         

Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 18/10 - 22/10, KBNN huy động thành công 4.058/8.250 tỷ đồng TPCP (tỷ lệ trúng thầu 49%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.250/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 50/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động 1.758/2.250 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,15%/năm (+0,01%); kỳ hạn 15 năm tại 2,35%/năm (-0,02%); kỳ hạn 30 năm không đổi tại 2,98%/năm. Trong tuần có 100 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Tuần này từ 25/10 - 29/10, KBNN dự kiến gọi thầu 8.000 tỷ đồng TPCP. Trong tuần này có 529 tỷ đồng đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.956 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ từ mức 10.717 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP ít biến động trong tuần vừa qua. Chốt phiên 22/10, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,47% (không thay đổi); 2 năm 0,58% (-0,02 đpt); 3 năm 0,77% (không thay đổi); 5 năm 0,91% (+0,01đpt); 7 năm 1,24% (không thay đổi); 10 năm 2,15% (+0,01 đpt); 15 năm 2,42% (+0,03 đpt); 30 năm 2,98% (không thay đổi).     

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 18/10 - 22/10, các chỉ số chỉ biến động nhẹ, chủ yếu quanh mốc tham chiếu, VN-Index vẫn chưa thể chinh phục ngưỡng kháng cự mạnh 1.400 điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 22/10, VN-Index đứng ở mức 1.389,24 điểm, tương ứng giảm nhẹ 3,46 điểm (-0,25%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 6,37 điểm (+1,66%) lên 391,21 điểm; UPCoM-Index tăng 0,92 điểm (+0,93%) lên 100,36 điểm.

Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 24.580 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn bán ròng mạnh hơn 2.590 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, sản lượng công nghiệp của nước này giảm 1,3% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà giảm 0,1% của tháng trước đó, trái với dự báo tăng nhẹ ở mức 0,3%. Tiếp theo, ở lĩnh vực xây dựng, số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công tại Mỹ lần lượt ở mức 1,59 triệu đơn và 1,56 triệu căn trong tháng 9, cùng giảm so với 1,72 triệu đơn và 1,62 triệu căn của tháng 8, đồng thời thấp hơn dự báo ở mức 1,67 triệu đơn và 1,61 triệu căn. Doanh số bán nhà cũ tại Mỹ đạt 6,29 triệu căn trong tháng 9, cao hơn khá nhiều so với mức 5,88 triệu căn của tháng 8 và đồng thời vượt qua dự báo ở mức 6,10 triệu căn. Trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 16/10 ở mức 290 nghìn đơn, giảm nhẹ từ mức 296 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng nhẹ lên 298 nghìn đơn. Theo đó, đây là số đơn thấp nhất được ghi nhận kể từ khi nước Mỹ bị tác động bởi dịch Covid-19 vào tháng 03/2020. Cuối cùng, đối với các chỉ số PMI, IHS Markit khảo sát sơ bộ cho biết PMI lĩnh vực sản xuất của nước Mỹ ở mức 59,2 điểm trong tháng 10, giảm xuống từ mức 60,7 điểm của tháng 9 và đồng thời xuống thấp hơn so với mức 60,5 điểm theo dự báo. Tuy nhiên, PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này đạt 58,2 điểm trong tháng này, tăng khá mạnh từ 54,9 điểm của tháng 9 và vượt qua mức 55,3 điểm theo kỳ vọng.

Nước Anh đón một số thông tin kinh tế trái chiều. Ở chiều tích cực, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ của nước Anh lần lượt đạt mức 57,7 và 58,0 điểm trong tháng 10, cùng tăng từ 57,1 và 55,4 điểm của tháng 9 và đều cao hơn so với 56,1 và 54,5 điểm theo dự báo của các chuyên gia. Tiếp theo, giá nhà bình quân tại nước Anh tăng 10,6% y/y trong tháng 8, cao hơn mức tăng 8,5% của tháng 7 và vượt qua mức tăng 9,2% theo dự báo. Bên cạnh đó, CPI toàn phần và CPI lõi của nước Anh lần lượt tăng 3,1% và 2,9% y/y trong tháng 9, cùng thấp hơn mức 3,2% và 3,1% của tháng 8, và đồng thời thấp hơn mức tăng 3,2% và 3,0% theo dự báo. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ của quốc gia này trong tháng 9 giảm nhẹ 0,2% m/m; nối tiếp đà giảm 0,6% của tháng trước đó và trái với dự báo tăng 0,6%.

Tại khu vực Eurozone, thấy lĩnh vực sản xuất đang duy trì tích cực và lĩnh vực dịch vụ có dấu hiệu suy yếu. Cụ thể, PMI lĩnh vực sản xuất khu vực Eurozone nói chung và nước Đức nói riêng lần lượt đạt 58,5 và 58,2 điểm trong tháng 10, không thay đổi nhiểu so với mức 58,6 và 58,4 điểm của tháng 9, đồng thời cùng cao hơn dự báo ở mức 57,0 và 56,5 điểm. Tại lĩnh vực dịch vụ, PMI của Eurozone và nước Đức lần lượt là 54,7 và 52,4 điểm trong tháng 10, cùng giảm từ 56,4 và 56,2 điểm của tháng 9, cùng thấp hơn so với dự báo ở 55,4 và 55,2 điểm. Cuối cùng, liên quan đến lạm phát Eurozone, CPI toàn phần và CPI lõi của khu vực này chính thức tăng 3,4% và 1,9% trong tháng 9, không thay đổi so với thống kê sơ bộ, cùng cao hơn so với mức 3,0% và 1,6% của tháng 8.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm