Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 06/02, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.611 VND/USD, tăng 05 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá bán giao ngay được NHNN duy trì niêm yết ở mức 24.780 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.482 VND/USD, tăng mạnh 36 đồng so với phiên 03/02. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 80 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.460 VND/USD và 23.560 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 06/02, lãi suất chào bình quân LNH VND đi ngang ở kỳ hạn ON trong khi tăng 0,01 - 0,02 đpt ở các kỳ hạn 1W và 1M, giảm 0,05 đpt ở kỳ hạn 2W so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 6,12%; 1W 6,54%; 2W 7,08% và 1M 7,76%. Lãi suất chào bình quân LNH USD không thay đổi ở các kỳ hạn ON và 2W trong khi tăng 0,02 - 0,03 đpt ở các kỳ hạn còn lại; giao dịch tại: ON 4,46%; 1W 4,60%; 2W 4,70%, 1M 4,85%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giữ nguyên ở kỳ hạn 3Y, cụ thể: 3Y 3,78%; 5Y 3,82%; 7Y 3,82%; 10Y 4,14%; 15Y 4,34%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 07 ngày, lãi suất 6,0%. Có 2,483,4 tỷ đồng trúng thầu; có 12.999,99 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 7 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 9.999,9 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu. Như vậy, NHNN hút ròng 20.516,49 tỷ đồng từ thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 91.297,22 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường là 24.999,9 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Phiên hôm qua, sau khi giao dịch dưới mốc tham chiếu từ sáng, VN-Index đảo chiều tăng mạnh cuối phiên nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 12,14 điểm (+1,13%) lên mức 1.089,29 điểm; HNX-Index mất 0,81 điểm (-0,38%) về 214,47 điểm; UPCoM-Index tăng 0,42 điểm (+0,56%) đạt 75,96 điểm. Thanh khoản thị trường sụt giảm với giá trị giao dịch gần 10.600 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng hơn 540 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo quyết định Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký, từ ngày 03/02, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa gồm thuế VAT) tối thiểu là 1.826,22 đồng một kWh; giá tối đa là 2.444,09 đồng một kWh. Như vậy, so với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh. Việc điều chỉnh khung này chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân áp dụng năm nay. Giá bán lẻ điện bình quân, căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân, doanh nghiệp, hiện vẫn là 1.864,44 đồng một kWh, được áp dụng từ năm 2019 đến nay.
Tin quốc tế:
Doanh số bán lẻ của khu vực Eurozone giảm 2,7% m/m trong tháng 12/2022 sau khi tăng 1,2% ở tháng trước đó, sâu hơn một chút so với dự báo giảm 2,4%. So với cùng kỳ năm 2021, doanh số cũng ghi nhận mức giảm 2,8%. Tiếp theo, tại Đức, giá trị đơn đặt hàng nhà máy phục hồi mạnh 3,2% m/m trong tháng 12 sau khi giảm 4,4% ở tháng trước đó, cao hơn mức tăng 2,1% theo dự báo.
S&P Global khảo sát cho biết chỉ số PMI lĩnh vực xây dựng tại nước Anh chỉ đạt 48,4 điểm trong tháng 1/2023, giảm xuống từ 48,8 điểm của tháng trước đó và gần khớp với mức 48,5 điểm theo dự báo. Đây là mức PMI xây dựng thấp nhất kể từ tháng 05/2020.
Văn phòng Thống kê Úc ABS cho biết doanh số bán lẻ tại quốc gia này đạt 34,47 tỷ AUD trong tháng 12/2022, giảm 3,9% m/m tương tự như tháng 11 và khớp với dự báo của các chuyên gia. Mặc dù vậy, kết quả trên vẫn cao hơn khoảng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021. Sáng nay 07/02, NHTW Úc RBA sẽ có cuộc họp về CSTT. LSCS của cơ quan này hiện tại ở mức 3,1%; được dự báo tăng lên thành 3,35% sau cuộc họp.