Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 27/01, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.608 VND/USD, tăng 03 đồng so với phiên trước kỳ nghỉ lễ. Tỷ giá bán giao ngay được NHNN duy trì niêm yết ở mức 24.780 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.473 VND/USD, tăng 08 đồng so với phiên 19/01. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.500 VND/USD và 23.570 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 27/01, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,06 - 0,17 đpt ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống ngoại trừ tăng 0,04 đpt ở kỳ hạn 1W so với phiên trước kỳ nghỉ lễ, cụ thể: ON 6,20%; 1W 6,54%; 2W 7,08% và 1M 7,96%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn ON và 2W trong khi đi ngang ở các kỳ hạn còn lại; giao dịch tại: ON 4,30%; 1W 4,43%; 2W 4,53%, 1M 4,70%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 4,37%; 5Y 4,39%; 7Y 4,45%; 10Y 4,53%; 15Y 4,64%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên cuối tuần trước, NHNN chào thầu 6.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 6,0%. Có 3,633,13 tỷ đồng trúng thầu; có 15.477,99 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Có 20.500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 8.655,14 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 92.274,8 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 54.999,9 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Phiên 27/01, thị trường chứng khoán khai xuân rực rỡ, cả 3 chỉ số đều tăng điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,02 điểm (+0,81%) lên mức 1.117,10 điểm; HNX-Index thêm 0,89 điểm (+0,40%) đạt 220,76 điểm; UPCoM-Index nhích 1,01 điểm (+1,37%) lên 74,99 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức khá với giá trị giao dịch gần 12.560 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 550 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 01/2023 tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2022. Lạm phát cơ bản tháng 01/2023 tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,89%) chủ yếu do giá gas và giá dịch vụ giáo dục giảm là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 1 năm nay thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Tin quốc tế:
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi và PCE toàn phần tại Mỹ lần lượt tăng 0,3% và 0,1% m/m trong tháng 12/2022, nối tiếp đà tăng 0,2% và 0,1% của tháng trước đó, khớp với dự báo của các chuyên gia. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2021, PCE lõi tăng 4,4% và PCE toàn phần tăng 5,0%, lần lượt thấp hơn các mức 4,7% và 5,0% tương ứng ở tháng 11. Theo đó, trong những ngày gần đây, cả CPI và PCE đều cho thấy áp lực lạm phát tại Mỹ đang giảm dần theo thời gian, ủng hộ niềm tin của thị trường rằng Fed có thể tiếp tục giảm tốc đà tăng LSCS. Công cụ của CME dự báo có 98% khả năng Fed sẽ nâng LS 25 đcb tại cuộc họp tuần này, ngày 31/01 – 01/02; và chỉ có 2% khả năng giữ nguyên LSCS ở mức 4,5% như hiện tại. Liên quan tới thị trường bất động sản Mỹ, doanh số nhà chờ bán tại quốc gia này tăng 2,5% m/m trong tháng 12 sau khi giảm mạnh 4,0% ở tháng trước đó, trái với dự báo tiếp tục giảm 1,0%.
Văn phòng Thống kê Úc cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần của nước này tăng 1,9% m/m trong tháng 12/2022, nối tiếp đà tăng 1,8% của tháng 11 và đồng thời cao hơn mức 1,6% theo dự báo. Theo đó, CPI Úc đã tăng tới 8,4% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,3% ghi nhận được ở tháng 11. Tuần tới, cuộc họp CSTT của RBA sẽ diễn ra ngày 06/02, và LSCS có thể sẽ tiếp tục được tăng ở cuộc họp này.