Tổng quan:
Giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 ước đạt 67,27% kế hoạch. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn đặt kế hoạch rất cao cho năm 2023.
Theo Bộ Tài chính, ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 75,11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%). Trong đó, vốn trong nước là 424.052,69 tỷ đồng, đạt 69,16% kế hoạch và đạt 77,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn nước ngoài là 11.637,28 tỷ đồng, đạt 33,65% kế hoạch. Trước đó, hồi tháng 9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, trong đó, Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương; giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.
Phải khẳng định rằng, Chính phủ luôn rất quan tâm tới giải ngân đầu tư công. Đơn cử năm 2022, Thủ tướng đã lập 6 đoàn công tác, đi khảo sát thực tế các địa phương để đôn đốc công tác này. Cơ chế chính sách quản lý, thanh toán vốn đầu tư công đã được triển khai theo hướng tinh giản thủ tục. Ví dụ, trước đây quy trình là kiểm toán trước thanh toán sau, đến nay ngược lại là thanh toán trước kiểm toán sau; thủ tục nếu đủ hồ sơ đã giảm từ 4 ngày xuống còn 1 ngày; việc thanh toán cũng được đưa lên cổng dịch vụ công, có thể thanh toán trực tuyến thay vì hồ sơ giấy như trước đây. Tuy nhiên có thể thấy, Chính phủ nhiều năm nay đã rất nỗ lực tìm nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, việc giải ngân không chỉ năm 2022 mà từ năm 2017 đến nay vẫn rất bấp bênh. Tỉ lệ giải ngân đầu tư công qua các năm 2017 đạt 73%, 2018 là 66%, 2019 67%, 2020 82%, tới 2021 72%, và 2022 đạt trên 67%. Về nguyên nhân, theo các chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương đã có báo cáo Chính phủ, trong đó nêu 25 - 30 khó khăn, vướng mắc trong 3 nhóm lĩnh vực. Trong đó thể chế, chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ, quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, đấu thầu, môi trường, giải phóng mặt bằng, ... là những nguyên nhân chính yếu. Riêng đối với năm 2022, kế hoạch đầu tư công được thực hiện trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thay đổi nhanh, mạnh cùng những yếu tố mới xuất hiện, nằm ngoài dự báo; số vốn cần giải ngân khá lớn, tăng 26% (120.000 tỉ đồng) so với kế hoạch năm 2021, trong khi chịu nhiều tác động bên ngoài từ giá nguyên nhiên vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế, ... tăng cao.
Với năm 2023, kế hoạch đầu tư công được Quốc hội thông qua có tổng vốn trên 700.000 tỉ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỉ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỉ đồng so với kế hoạch 2021. Đưa ra giải pháp tổng thể chung, lãnh đạo Chính phủ cho rằng các bộ, ngành, địa phương trong năm 2023 cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi triển khai thực hiện dự án; đồng thời, khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án để có thể giải ngân sớm. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định, ... Ngoài ra, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ nhanh chóng chỉ đạo bộ/ngành liên quan rà soát phân loại các đơn giá, định mức để có kế hoạch bổ sung ngay trong quý 1/2023 cho kịp triển khai các dự án hiện nay; bổ sung ngay các định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng cho các gói hạ tầng; xây dựng quy trình phân cấp, phân quyền cụ thể và quy định rõ ràng cho các ban quản lý dự án, chủ đầu tư để xử lý việc điều chỉnh, giải quyết các việc phát sinh, điều chỉnh các gói thầu song song với việc tập trung cải thiện chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán của các gói thầu, …
Tóm lược thị trường trong nước từ 09/01 - 13/01
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 09/01 - 13/01, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng giảm trong biên độ hẹp. Chốt ngày 13/01, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.602 VND/USD, giảm 03 đồng so với cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay ở mức 24.780 VND/USD.
Tỷ giá LNH giảm qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 13/01, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.441 VND/USD, giảm 28 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh trở lại trong tuần qua. Chốt phiên 13/01, tỷ giá tự do giảm 290 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với tuần trước đó, giao dịch tại 23.390 VND/USD và 23.450 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 09/01 - 13/01, lãi suất VND LNH tiếp tục tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 13/01, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 6,02% (+0,99 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 6,52% (+0,52 đpt); 2W 7,04% (+0,26 đpt); 1M 8,00% (+0,07 đpt).
Lãi suất USD LNH chỉ biến động nhẹ, chốt tuần giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Phiên tuần 13/01, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 4,28% (-0,01 đpt); 1W 4,42% (không thay đổi); 2W 4,53% (-0,02 đpt) và 1M 4,70% (-0,02 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 09/01 - 13/01, NHNN chào thầu 50.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố bao gồm hai kỳ hạn 7 ngày từ thứ Hai tới thứ Năm và 14 ngày ở phiên thứ Sáu, lãi suất cùng ở mức 6,0%. Có 39.666,56 tỷ đồng trúng thầu; có 27.988,19 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN cũng với hai kỳ hạn 7 ngày từ thứ Hai tới thứ năm và 14 ngày ở phiên thứ Sáu. Có 110.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất trúng thầu từ 5,50% - 6,0%, có 97.349,6 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN hút ròng 972,03 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 60.660,56 tỷ VND, tín phiếu NHNN ở mức 110.000 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 11/01, KBNN huy động 12.500 tỷ đồng, khối lượng trúng thầu là 11.832 tỷ đồng (đạt 95%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 5.832 tỷ và kỳ hạn 15 huy động được toàn bộ 6.000 tỷ đồng gọi thầu. Riêng kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu hai kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 4,45%/năm và 4,67%/năm (lần lượt giảm 0,08 đpt và 0,09 đpt so với phiên trước). Tuần vừa qua từ 09/01 – 13/01 không có khối lượng đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này, ngày 18/01, KBNN dự kiến gọi thầu 8.500 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 7 năm gọi 500 tỷ đồng, 10 năm gọi 4.000 tỷ đồng và 15 năm 4.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 4.340 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 6.825 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần qua, lợi suất TPCP tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 13/01, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 4,46% (-0,15 đpt); 2 năm 4,46% (-0,17 đpt); 3 năm 4,46% (-0,18 đpt); 5 năm 4,48% (-0,20 đpt); 7 năm 4,54% (-0,17 đpt); 10 năm 4,58% (-0,15 đpt); 15 năm 4,71% (-0,15 đpt); 30 năm 5,17% (-0,07 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 09/01 - 13/01, thị trường chứng khoán tương đối tích cực với một số phiên tăng điểm nhẹ của HSX và HNX. Chốt ngày 13/01, VN-Index đứng ở mức 1.060,17 điểm, tăng 8,73 điểm (+0,83%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index nhích 0,61 điểm (+0,29%) lên 211,26 điểm; UPCom-Index giảm 0,66 điểm (-0,91%) còn 72,09 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm trở lại, giá trị giao dịch trung bình chỉ đạt gần 10.400 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng gần 3.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
World Bank hạ mạnh triển vọng kinh tế thế giới 2023, hồi phục trở lại trong 2024. Trong báo cáo vừa công bố tuần qua, WB cho rằng KTTG đã chậm lại đáng kể và tiến gần tới mức suy thoái, lần thứ hai liên tiếp chỉ trong vòng 3 năm. Lạm phát cao được cho là nguyên nhân chính, dẫn đến việc thắt chặt CSTT đồng loạt của các NHTW, và hậu quả cuối cùng chính là GDP bị bóp nghẹt. WB dự báo KTTG 2023 chỉ tăng 1,7% (-1,3 đpt so dự báo hồi tháng 06/2022). Trong các nền kinh tế lớn, nước Mỹ tăng 0,5% (-1,9 đpt); Eurozone không tăng trưởng (0,0%; -1,9 đpt) và Nhật Bản tăng 1,0% (-0,3 đpt). Ở các thị trường mới nổi và đang phát triển, Trung Quốc được dự báo tăng 4,3% (-0,9 đpt); Indonesia tăng 4,8% (-0,5 đpt) và Thái Lan tăng 3,6% (-0,7 đpt). Bước sang năm 2024, tổ chức này dự báo GDP thế giới tăng trưởng 2,7% (chỉ giảm nhẹ 0,3 đpt so dự báo trước), do áp lực lạm phát đã được kiểm soát hiệu quả và CSTT sẽ bước sang giai đoạn bình thường hóa trở lại. Mặc dù vậy, WB vẫn cảnh báo các rủi ro địa chính trị vẫn đang đè nặng lên sự phát triển của KTTG, đặc biệt là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, WB cũng cho rằng thế giới cần lưu ý tới nguy cơ khủng hoảng năng lượng và lương thực vẫn hiện hữu, có thể nghiêm trọng hơn và lan rộng sang nhiều lĩnh vực kinh tế khác.
Nước Mỹ ghi nhận một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần của Mỹ giảm nhẹ 0,1% m/m trong tháng 12 sau khi tăng 0,1% ở tháng trước đó. Như vậy, CPI y/y tại nước này chỉ còn tăng 6,5% trong tháng vừa qua, thấp hơn mức tăng 7,0% của tháng 11, khớp với con số được dự báo. Bên cạnh đó, CPI lõi của Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng 12, và tăng 5,7% y/y. Cuối tháng 01/2023, Fed sẽ có cuộc họp CSTT đầu tiên của năm. Do áp lực lạm phát đang suy yếu dần, hiện tại, công cụ của CME cho thấy có 94% khả năng Fed sẽ tăng LSCS 25 đcb trong phiên họp sắp tới và chỉ có 6% tăng mạnh 50 đcb. Tiếp theo, về thị trường lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại quốc gia này ở mức 205 nghìn đơn trong tuần kết thúc ngày 07/01, giảm nhẹ từ 206 nghìn đơn của tuần trước đó và thấp hơn mức 216 nghìn đơn theo dự báo. Cuối cùng, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được ở mức 64,6 điểm trong tháng 01/2023, tăng từ 59,7 điểm của tháng trước và vượt so với kỳ vọng ở mức 60,8 điểm.