Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 26/12 - 30/12/2022

07:39 03/01/2023

Tổng quan:

Tổng sản phẩm quốc nội GDP năm 2022 tăng cao nhất 12 năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng CPI vẫn đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh một năm kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý IV ước tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn của cùng kỳ năm 2020, 2021 (thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19) nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02%, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 đpt vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 đpt; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 đpt. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp CBCT tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 đpt vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04 đpt; ngành SX và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 đpt; ngành khai khoáng tăng 5,19%, đóng góp 0,17 đpt; ngành xây dựng tăng 8,17%, đóng góp 0,59 đpt. Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, đóng góp 0,97 đpt; ngành vận tải kho bãi tăng 11,93%, đóng góp 0,69 đpt; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61%, đóng góp 0,79 đpt; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%, đóng góp 0,53 đpt; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,80%, đóng góp 0,5 đpt. Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm 0,13 đpt do dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tháng 12/2022, CPI giảm 0,01% so với tháng trước, trong đó có 2 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 9 nhóm có chỉ số giá tăng. Tổng cục Thống kê lý giải, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính khiến chỉ số CPI tháng 12 giảm nhẹ so với tháng trước. Trong quý IV, CPI tăng 0,67% so với quý trước và tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021; tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15%. So với năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân năm nay tăng 28,01%, làm CPI chung tăng 1,01 đpt. Năm 2022, giá bán lẻ gas bình quân năm 2022 tăng 11,49% so với năm 2021, làm CPI chung tăng 0,17 đpt. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo XK, nhu cầu tiêu dùng gạo tăng theo mùa vụ làm cho giá gạo năm 2022 tăng 1,22% so với năm 2021, dẫn đến CPI chung tăng 0,03 đpt. Giá các mặt hàng thực phẩm năm 2022 tăng 1,62%, làm CPI tăng 0,35 đpt, trong đó giá thịt bò tăng 0,8%, giá thịt gà tăng 4,29%. Giá nhà ở và VLXD năm 2022 tăng 3,11% do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá NNVL đầu vào, làm CPI chung tăng 0,59 đpt. Giá dịch vụ giáo dục năm 2022 tăng 1,44%, làm CPI chung tăng 0,08 đpt, do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học 2022-2023. Cũng theo Tổng cục Thống kê, ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu dẫn đến giá vé máy bay năm nay tăng 27,58% so với năm trước, giá vé tàu hỏa tăng 10,96%, giá vé ôtô khách tăng 12,15% và giá du lịch trọn gói tăng 8,27%. Ở chiều ngược lại, một số yếu tố góp phần làm giảm CPI. Cụ thể, giá thịt lợn giảm 10,68% so với năm trước, nguyên nhân là dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và nguồn cung lợn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá nhà ở thuê giảm 1,83%, làm CPI chung giảm 0,01 đpt, giảm chủ yếu trong các tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lạm phát cơ bản tháng 12/2022 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 4,55%) chủ yếu do giá xăng dầu là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 12 năm nay thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản. Bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Tóm lược thị trường trong nước từ 26/12 - 30/12

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 26/12 - 30/12, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh giảm qua tất cả các phiên. Chốt ngày 30/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.612 VND/USD, vẫn giảm 19 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay ở mức 24.780 VND/USD.

Tỷ giá LNH chỉ tăng - giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 30/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.600 VND/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm trong tuần qua. Chốt phiên 30/12, tỷ giá tự do giảm 345 đồng ở chiều mua vào và 355 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.715 VND/USD và 23.775 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 26/12 - 30/12, lãi suất VND LNH tăng ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 30/12, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,97% (+1,47 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 5,80% (+0,97 đpt); 2W 6,68% (+0,23 đpt); 1M 7,82% (+0,02 đpt).

Lãi suất USD LNH biến động nhé, chốt tuần tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 30/12, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 4,30% (+0,04 đpt); 1W 4,43% (không thay đổi); 2W 4,55% (+0,02 đpt) và 1M 4,73% (+0,05 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 26/12 - 30/12, NHNN chào thầu 49.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 6,0%. Có 41.905,52 tỷ đồng trúng thầu; có 34.708,78 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 7 ngày ở hầu hết các phiên, riêng phiên 26/12 với kỳ hạn 14 ngày. Có 124.399,8 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất trúng thầu từ 5,19% - 6,0%.

Như vậy, NHNN hút ròng 37.203,06 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 62.899,52 tỷ VND, tín phiếu NHNN ở mức 124.399,8 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 28/12, KBNN huy động thành công toàn bộ 5.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu. Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được toàn bộ 3.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 4,65% và 4,80%, cùng giảm 0,09 đpt so với tuần trước đó. T

uần vừa qua từ 26/12 – 30/12 không có khối lượng đáo hạn và tuần này từ 03/01– 30/12 có 7.030 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 5 năm đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này, ngày 04/01, KBNN dự kiến gọi thầu 6.000 tỷ đồng TPCP, trong đó mỗi kỳ hạn 10 năm và 15 năm gọi thầu 3.000 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 6.443 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 3.404 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP giảm nhẹ trong tuần qua ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 30/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 4,64% (-0,03 đpt); 2 năm 4,65% (-0,04 đpt); 3 năm 4,67% (-0,03 đpt); 5 năm 4,7% (-0,06đpt); 7 năm 4,75% (-0,06 đpt); 10 năm 4,8% (-0,05 đpt); 15 năm 4,92% (-0,07 đpt); 30 năm 5,26% (-0,04 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 26/12 - 30/12, thị trường chứng khoán vẫn diễn biến tiêu cực, VN-Index lại về gần mốc 1.000 điểm. Chốt ngày 30/12, VN-Index đứng ở mức 1.007,09 điểm, mất 13,25 điểm (-1,30%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index nhích nhẹ 0,01 điểm (+0,005%) lên 205,31 điểm; UPCom-Index tăng 0,64 điểm (+0,90%) đạt 71,65 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức rất thấp với giá trị giao dịch trung bình trên 9.850 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng gần 918 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.

Tin quốc tế

Mỹ ghi nhận một số thông tin kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 24/12 ở mức 225 nghìn đơn, tăng so với 216 nghìn đơn ghi nhận ở tuần trước đó và khớp với dự báo của các chuyên gia. Đây là tuần thứ hai liên tiếp ghi nhận số đơn tăng lên, song lượng đơn vẫn ở mức thấp, thậm chí trung bình 4 tuần gần nhất chỉ ở mức 221 nghìn đơn, thấp hơn nhiều so với 250 nghìn đơn của 4 tuần trước đó. Tiếp theo, ở thị trường bất động sản, doanh số nhà chờ bán tại Mỹ trong tháng 11 tiếp tục giảm mạnh 4,0% m/m, nối tiếp đà giảm 4,6% ở tháng trước đó, sâu hơn mức giảm 0,9% theo dự báo và đồng thời đánh dấu tháng đi xuống thứ 6 liên tiếp. So với cùng kỳ năm 2021, doanh số nhà chờ bán đã lao dốc kỷ lục 36,7%. Giá nhà bình quân tại Mỹ cũng không có biến động (0,0% m/m) trong tháng 10, và tăng 9,8% so với cùng kỳ 2021. Như vậy, giá nhà tại Mỹ đã có hai tháng liên tiếp gần như đi ngang, do nhu cầu trầm lắng trong bối cảnh lạm phát và lãi suất cao. Cuối cùng, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ thông báo chỉ số PMI tại Chicago ở mức 44,9% trong tháng 12, phục hồi từ 37,2% của tháng 11 và vượt tương đối mạnh so với kỳ vọng ở mức 40,1%. Tuy vậy, tháng vừa qua vẫn đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp khu vực kinh doanh Chicago rơi vào trạng thái thu hẹp. Trong tuần này, nước Mỹ tiếp tục chờ đón nhiều thông tin quan trọng, trong đó có biên bản cuộc họp giữa tháng 12/2022 của Fed, được công bố vào sáng sớm Thứ Năm 05/01/2023 theo giờ Việt Nam. Ngoài ra, thông tin về thị trường lao động Mỹ tháng 12 cũng sẽ được công bố vào Thứ Sáu 06/01.

Đọc thêm