Tổng quan:
Từ tháng 11/2022 đến nay, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã ban hành, dự thảo một loạt văn bản chỉ đạo về các chính sách liên quan tới các vấn đề nóng thời điểm hiện nay là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, tín dụng.
Trước hết, ngày 10/11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022. Trong đó, yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành CSTT thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, có biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết theo quy định; có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng đô la hoá và vàng hoá trong nền kinh tế; Cung cấp đủ vốn TD cho nền kinh tế, tập trung vào SXKD, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ TD vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Chính phủ giao Bộ Tài chính tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường TPDN, báo cáo Chính phủ để sửa đổi (nếu cần thiết).
Tại Nghị quyết số 156/NQ-CP của Chính phủ về Phiên họp CP thường kỳ tháng 11/2022, CP chỉ đạo NHNN tăng hạn mức TD hợp lý; đánh giá lại chính sách hỗ trợ LS; đồng thời giao PTT Lê Minh Khái chỉ đạo sửa đổi các nghị định liên quan tới TPDN, TTCK, BĐS; Bộ Tài chính, NHNN, Bộ Công an và các địa phương phối hợp để có phương án xử lý phù hợp, kịp thời khi có những diễn biến phức tạp liên quan đến vấn đề giải quyết tiền gửi và TPDN; Bộ XD xem xét sửa đổi Luật đất đai, Nghị định 49, Nghị định 100 về nhà ở XH để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này. Tiếp theo, ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1156/CĐ-TTg gửi NHNN về cung ứng vốn TD cho nền kinh tế, nêu rõ: NHNN chỉ đạo các NHTM đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn NSNN theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/05/2022 của CP; chủ động giảm LS cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, DN; Tập trung TD vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, XK; XD KCN, nhà ở XH, nhà ở công nhân); tăng cường quản lý nhà nước, chống sở hữu chéo, các hoạt động không lành mạnh, không đúng hướng, trục lợi chính sách… Liên quan đến thị trường TPDN, Chính phủ có Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp bảo đảm thị trường TPDN hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả.
Ngay sau khi CP ban hành Nghị quyết và văn bản trên, NHNN và Bộ Tài chính đã nhanh chóng, tích cực dự thảo, ban hành các văn bản chỉ đạo về các lĩnh vực liên quan đến đơn vị mình. Ngày 05/12, NHNN đã quyết định nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm từ 1,5 - 2% cho toàn hệ thống TCTD để có khả năng mở rộng TD cho những DN, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế. Ngày 13/12, Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm, tức là từ ngày 01/01/2024 sẽ tiếp tục thực hiện quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất giãn thời gian thực hiện 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc. Một nội dung nổi bật trong dự thảo nghị định mới được Bộ Tài chính đề xuất là cho phép DN được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi TP đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành TP tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành TP đã công bố cho NĐT. Đặc biệt, trong dự thảo nghị định mới, Bộ Tài chính cũng đề xuất cho phép DN phát hành và NĐT nắm giữ TP thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi TP đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác. Liên quan đến thị trường BĐS, Thủ tướng có Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở. Đối với ngành ngân hàng, Thủ tướng giao Thống đốc NHNN chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, NHTM và các chủ thể liên quan tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 về tiết kiệm chi phí, giảm thủ tục hành chính, tăng cường số hóa để cung ứng vốn TD kịp thời cho nền kinh tế; cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các DN, dự án BĐS đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích SXKD, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, các phản ứng kịp thời này của chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ cho thị trường tín dụng, thị trường TPDN và thị trường BĐS về mặt pháp lý, về thanh khoản, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tóm lược thị trường trong nước từ 12/12 - 16/12
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 12/12 - 16/12, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh giảm nhẹ qua hầu hết các phiên. Chốt ngày 16/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.650 VND/USD, giảm 07 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục dừng niêm yết tỷ giá mua giao ngay trong 3 phiên đầu tuần, 2 phiên cuối tuần niêm yết ở mức 23.450 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 24.830 VND/USD trong 4 phiên đầu tuần, phiên cuối tuần giảm mạnh xuống mức 24.780 VND/USD.
Tỷ giá LNH biến động tăng - giảm mạnh qua các phiên. Tuy nhiên, chốt phiên cuối tuần 16/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.600 VND/USD, tăng 50 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm trong tuần qua. Chốt phiên 16/12, tỷ giá tự do giảm 270 đồng ở chiều mua vào và 300 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.060 VND/USD và 24.130 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 12/12 - 16/12, lãi suất VND LNH giảm qua tất cả các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 16/12, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,49% (-0,99 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 5,86% (-0,64 đpt); 2W 6,54% (-0,42 đpt); 1M 7,79% (-0,15 đpt).
Lãi suất USD LNH tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 16/12, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 4,21% (+0,31 đpt); 1W 4,33% (+0,25 đpt); 2W 4,43% (+0,21 đpt) và 1M 4,60% (+0,16 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 12/12 - 16/12, NHNN chào thầu 28.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 6,0%; và 12.000 tỷ đồng kỳ hạn 91 ngày đấu thầu lãi suất. Có 32.132,84 tỷ đồng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn; có 45.660,68 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, có 39.999,8 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 26.471,96 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 69.737,19 tỷ VND, không còn tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu: Ngày 14/12, KBNN huy động thành công toàn bộ 9.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu. Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 6.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 3.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu hai kỳ hạn lần lượt tại 4,8%/năm và 4,9%/năm, không thay đổi so với phiên đấu thầu trước. Tuần vừa qua từ 12/12 – 16/12 và tuần này từ 19/12 – 23/12 không có TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này, ngày 19/12, NHCSXH dự kiến gọi thầu 2.000 tỷ đồng TPCP, trong khi KBNN dự kiến gọi thầu 6.000 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn 10 năm và 15 năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 3.677 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 2.829 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên 16/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 4,71% (không thay đổi); 2 năm 4,73% (không thay đổi); 3 năm 4,74% (không thay đổi); 5 năm 4,79% (không thay đổi); 7 năm 4,84% (-0,01 đpt); 10 năm 4,9% (-0,01 đpt); 15 năm 5,02% (-0,01 đpt); 30 năm 5,28% (-0,03 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 12/12 - 16/12, các chỉ số tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt ngày 16/12, VN-Index đứng ở mức 1.052,48 điểm, chỉ tăng 0,67 điểm (+0,06%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 4,01 điểm (-1,85%) về 212,99 điểm; UPCom-Index tăng 0,59 điểm (+0,82%) lên mức 72,19 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình trên 15.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 670 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tiếp tục tăng LSCS, bên cạnh đó quốc gia này cũng ghi nhận một số thông tin kinh tế quan trọng. Cụ thể, trong cuộc họp CSTT tuần qua, Fed khẳng định mục tiêu đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát ở mức 2,0% theo thời gian. Cơ quan này thông báo tăng LSCS 50 đcb, từ 4,0% lên 4,50%, lần đầu tiên giảm tốc sau 4 lần liên tiếp tăng 75 đcb trước đó. Dot-plot của Fed cho thấy LSCS có thể tiếp tục tăng lên tới 5,1% trong năm 2023, cao hơn so với mức 4,6% theo dot-plot của tháng 9. Theo kịch bản dự báo trung tâm của Fed, chỉ số lạm phát tiêu dùng cá nhân PCE sẽ tăng khoảng 5,6% - 5,8% trong năm 2022; hạ nhiệt còn 2,9% - 3,5% năm 2023. GDP của Mỹ được dự báo chỉ tăng 0,4% - 0,5% trong năm nay và tiếp tục tăng nhẹ 0,4% - 1,0% năm 2023. Cũng trong tuần qua, Mỹ ghi nhận thông tin quan trọng về lạm phát, chỉ số CPI toàn phần và CPI lõi của nước này lần lượt tăng nhẹ 0,1% và 0,2% m/m trong tháng 11, thấp hơn dự báo cùng tăng 0,3%. So với cùng kỳ năm 2021, CPI toàn phần tăng 7,1% trong tháng vừa qua; hạ nhiệt so với mức tăng 7,7% của tháng 10 và đồng thời thấp hơn mức tăng 7,3% theo dự báo. Tiếp theo, doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ giảm 0,6% m/m trong tháng 11 sau khi tăng 1,3% ở tháng 10, sâu hơn mức giảm 0,2% theo dự báo. Doanh số bán lẻ lõi cũng giảm nhẹ 0,2% m/m tháng vừa qua sau khi tăng 1,2% ở tháng 10, trái với kỳ vọng tiếp tục tăng nhẹ 0,2%.
Theo sau Fed, NHTW Anh BOE và NHTW Châu Âu ECB cũng tiếp tục tăng LSCS. Ngày 15/12, BOE quyết định tăng LSCS thêm 50 đcb, từ 3,0% lên 3,50%. Đây là mức LSCS cao nhất mà BOE áp dụng kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. NHTW này khẳng định đưa lạm phát về lại mức mục tiêu 2,0% trong dài hạn, đồng thời dự báo lạm phát sẽ bắt đầu hạ nhiệt mạnh kể từ giữa năm 2023 và sẽ xuống dưới mức 2,0% sau 2 hoặc 3 năm. Về phía ECB, cũng trong ngày 15/12, NHTW này thông báo tăng LSCS thêm 50 đcb, nhẹ hơn mức tăng 75 đcb trong tháng 11. Theo đó, LS cho vay tái cấp vốn của ECB tăng lên mức 2,5%; LS cho vay cận biên là 2,75% và LS tiền gửi là 2,0%. Ngoài ra, ECB cũng cho biết, kể từ đầu năm 2023 sẽ cắt giảm dần mức nắm giữ TPCP theo chương trình APP, và sẽ không tái đầu tư tất cả các chứng khoán đáo hạn. Tốc độ thu hẹp nắm giữ ước tính khoảng 15 tỷ EUR/tháng, kéo dài cho tới cuối quý II và sẽ được ECB xác định lại theo thời gian. ECB dự báo áp lực lạm phát cao sẽ còn kéo dài. Lạm phát trung bình sẽ ở khoảng 8,4% trong năm 2022, hạ nhiệt còn 6,3% năm 2023 và tiếp tục giảm ở những năm sau đó. Như vậy, hầu hết các NHTW lớn đã tăng LSCS trong tháng 12 vừa qua nhằm kiểm soát lạm phát (Fed, BOE, ECB, RBA). Trong tuần này, NHTW Nhật Bản sẽ có cuộc họp LSCS cuối năm, song được thị trường dự báo sẽ duy trì CSTT nới lỏng do áp lực lạm phát chưa cao, và đang cần hỗ trợ kinh tế phục hồi.
Tỷ giá ngày 16/12: