Tổng quan:
Đầu tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tăng room tín dụng từ 1,5% - 2% cho toàn hệ thống TCTD.
Theo thông tin từ NHNN, tính từ đầu năm đến 29/11, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,20% so với cuối năm 2021. Cập nhật số liệu NHNN, TD theo ngành kinh tế tạm tính đến cuối tháng 10/2022 cụ thể như sau: Dư nợ tín dụng cho ngành nông-lâm-thủy sản tăng 7,9%, công nghiệp-xây dựng tăng 7,93%, thương mại-dịch vụ tăng 13,63% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng lần lượt 3,45%, 8,42%, 9,64%), tương ứng chiếm 7,64%, 26,57% và 65,79% tổng dư nợ nền kinh tế. TD đối với các lĩnh vực ưu tiên đến cuối tháng 10/2022 tăng trưởng tốt, có lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng TD chung. Cụ thể, TD phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 10,93%, chiếm 25% dư nợ chung toàn nền kinh tế (cuối năm 2021 tăng 14,88%, cùng kỳ năm 2021 tăng 10,21%); TD đối với DNNVV tăng 6,88%, chiếm 18,5% (cuối năm 2021 tăng 11,01%, cùng kỳ năm 2021 tăng 7,45%); TD đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao có mức tăng trưởng lần lượt là 12,99% và 5,86%....
Theo thông điệp từ NHNN, thời điểm này NHNN quyết định nới room tín dụng từ 1,5-2% với mục tiêu tăng thêm hạn mức tín dụng cho các TCTD để có điều kiện tăng thêm nguồn lực, khả năng mở rộng tín dụng cho những DN, đối tượng, lĩnh vực đang cấp thiết có nhu cầu trong nền kinh tế. Việc phân bổ TD khuyến khích dành cho những NHTM có khả năng thanh khoản dồi dào và có thực hiện chính sách giảm lãi suất hiện nay. Mặt khác, một số NH vẫn còn room TD đã được phân bổ từ đầu năm thì không nhất thiết được nới room thêm lần này. Ngoài ra, NHNN thấy rằng cũng cần hạn chế tăng trưởng TD cho các NH đang áp dụng lãi suất ở mức cao… Chính vì thế, việc phân bổ room TD lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các NHTM tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn, lãi suất cho DN, cho các dự án, chương trình cần thiết cho tăng trường kinh tế trong giai đoạn này. NHNN cũng thông tin thêm, mức tăng 1,5-2%, tương đương khoảng 200 nghìn tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Đến thời điểm hiện nay, tăng trưởng TD đạt 12,20%. Như vậy room TD đã theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng TD từ trước 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% room TD cho tháng 12, nghĩa là tổng hạn mức TD cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng. Có thể nói là dư địa khá lớn cho các NHTM cung ứng vốn cho các DN, nền kinh tế.
Thực tế, theo ý kiến của các chuyên gia, quyết định nới room tín dụng được công bố vào tháng 12, tháng cuối cùng của năm, số tiền này chủ yếu sẽ hỗ trợ cho những hồ sơ đã được DN và người dân làm sẵn thủ tục và chờ nới room để được giải ngân. Thêm vào đó, việc chênh lệch huy động vốn - tín dụng chưa có nhiều cải thiện, nên việc nới trần TD có thể sẽ phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, song song với việc dành cho các khoản vay mới.
Trước đó, NHNN đã có một số đợt nới thêm hạn mức tăng trưởng TD cho các NH nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 14% cả năm. Trong đợt mới nhất vào đầu tháng 10, VPBank, HDBank, MB và Vietcombank đã được điều chỉnh thêm hạn mức TD cho năm 2022. Đây là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các TCTC yếu kém theo chủ trương của NHNN. Trước đó, trong đợt nới room vào đầu tháng 9, đã có khoảng 18 NHTM đã được NHNN cấp thêm hạn mức tăng trưởng TD.
Tóm lược thị trường trong nước từ 05/12 - 09/12
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 05/12 - 09/12, tỷ giá trung tâm vẫn được NHNN điều chỉnh giảm nhẹ qua hầu hết các phiên. Chốt ngày 09/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.657 VND/USD, giảm 03 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục dừng niêm yết tỷ giá mua giao ngay. Tỷ giá bán giao ngay được điều chỉnh giảm 10 đồng xuống còn 24.830 VND/USD.
Tỷ giá LNH biến động giảm mạnh trong tuần qua. Phiên cuối tuần 09/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.130 VND/USD, tiếp tục giảm tới 580 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng chịu áp lực giảm trong tuần qua. Chốt phiên 09/12, tỷ giá tự do giảm mạnh 480 đồng ở chiều mua vào và 420 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.330 VND/USD và 24.430 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 05/12 - 09/12, lãi suất VND LNH tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 09/12, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 5,48% (+0,10 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 6,50% (+0,16 đpt); 2W 6,96% (+0,02 đpt); 1M 7,94% (+0,24 đpt).
Lãi suất USD LNH giảm nhẹ ở các kỳ hạn ngắn và đi ngang tại kỳ hạn 1M. Chốt tuần 09/12, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 3,90% (-0,02 đpt); 1W 4,08% (-0,04 đpt); 2W 4,22% (-0,04 đpt) và 1M 4,44% (không thay đổi).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 05/12 - 09/12, NHNN chào thầu 53.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày lãi suất ở mức 6,0%; và kỳ hạn 91 ngày đấu thầu lãi suất. Có 37.604,35 tỷ đồng trúng thầu ở cả hai loại kỳ hạn; có 29.408 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN.
Như vậy, NHNN bơm ròng 8.196,35 tỷ VND ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 83.265,03 tỷ VND, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên ở mức 39.999,8 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Phiên 07/12, KBNN chào thầu 12.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 10 năm chào thầu 9.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm chào thầu 3.000 tỷ đồng. Kết quả có trúng thầu 12.000 tỷ đồng trúng thầu (đạt 100%). Lãi suất trúng thầu đều không thay đổi so với phiên trước, lần lượt ở mức 4,8%/năm và 4,9%/năm. Phiên 9/12, NHCSXH chào thầu 3.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, 10 năm và 15 năm chào thầu 500 tỷ đồng/kỳ hạn. Kết quả kỳ hạn 3 năm và 5 năm huy động toàn bộ 500 và 1.500 tỷ đồng chào thầu, kỳ hạn 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu lần lượt ở mức 4,7%/năm và 4,8%/năm – tăng 0,01% so với phiên trước.
Tuần vừa qua từ 05/12 – 09/12 và tuần này từ 12/12 – 16/12 không có TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này, ngày 14/12, KBNN dự kiến gọi thầu 9.000 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn 10 năm và 15 năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 2.829 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 5.188 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 09/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 4,71% (-0,03 đpt); 2 năm 4,73% (-0,03 đpt); 3 năm 4,74% (-0,02 đpt); 5 năm 4,79% (-0,01đpt); 7 năm 4,86% (-0,01 đpt); 10 năm 4,91% (-0,01 đpt); 15 năm 5,03% (-0,02 đpt); 30 năm 5,31% (-0,03 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 05/12 - 09/12, thị trường có tuần điều chỉnh sau khi tăng mạnh ở tuần trước đó. Chốt ngày 09/12, VN-Index đứng ở mức 1.051,81 điểm, giảm 28,2 điểm (-2,61%) so với cuối tuần trước đó; tuy nhiên HNX-Index tăng nhẹ 1,04 điểm (+0,48%) lên 217,0 điểm; UPCom-Index giảm 0,71 điểm (-0,84%) xuống 71,60 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình gần 19.150 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 1.670 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM cho biết PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này ở mức 56,5% trong tháng 11, tăng lên từ 54,4% của tháng 10 và trái với dự báo giảm xuống còn 53,5%. Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại Mỹ tăng 1,0% m/m trong tháng 10, nối tiếp đà tăng 0,3% của tháng 9 và vượt qua kỳ vọng tăng 0,7%. Chỉ số giá sản xuất PPI lõi và PPI toàn phần lần lượt tăng 0,4% và 0,3% m/m trong tháng 11, nối tiếp đà tăng 0,1% và 0,3% của tháng trước đó, cùng lớn hơn mức tăng 0,2% theo dự báo. Về thương mại, cán cân XNK hàng hóa và dịch vụ của nước Mỹ thâm hụt 78,2 tỷ USD trong tháng 10, lớn hơn mức thâm hụt 74,1 tỷ của tháng trước đó, vẫn chưa cao như dự báo thâm hụt 80,1 tỷ. Ở thị trường lao động, Bộ Lao động Mỹ cho biết có 230 nghìn đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước (kết thúc 06/12), chỉ tăng nhẹ từ 226 nghìn đơn của tuần trước đó, khớp với dự báo. Số đơn trung bình trong 4 tuần gần nhất cũng chỉ ở mức 230 nghìn, tương đương với thời điểm trước dịch Covid-19. Cuối cùng, Đại học Michigan khảo sát niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đạt 59,1 điểm trong tháng 12, tăng lên từ 56,8 điểm của tháng 11, tích cực hơn kỳ vọng nhích nhẹ lên mức 56,9 điểm. Trong tuần này, thị trường tập trung sự chú ý vào cuộc họp của Fed ngày 13-14/12. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ cũng được công bố vào ngày 13/12, ngay trong ngày họp đầu tiên của Fed, và có thể ảnh hưởng tới những quyết định của cơ quan này.
Tuần qua, NHTW Úc RBA tiếp tục tăng LSCS, đồng thời quốc gia này cũng đón những thông tin kinh tế đáng chú ý. Cụ thể, ngày 06/12, RBA thông báo tăng LSCS 25 đcb, lên mức 3,10% từ mức 2,85% trước đó. RBA dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh ở khoảng 8% khi kết thúc năm 2022, hạ nhiệt ở năm 2023 khi các vấn đề về chuỗi cung ứng được khắc phục, và tiếp tục xuống chỉ còn hơn 3% vào cuối năm 2024. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng kỳ vọng GDP quốc nội sẽ tăng khoảng 1,5% mỗi năm trong 2023 và 2024. RBA khẳng định ưu tiên ổn định lạm phát ở mức mục tiêu 2% - 3% trong dài hạn, có thể tiếp tục tăng LSCS ở những cuộc họp sắp tới nhưng sẽ không đặt ra lộ trình cụ thể. Thời điểm tăng và mức độ tăng sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế trong tương lai. Cũng trong tuần qua, Văn phòng Thống kê Úc ABS cho biết GDP nước này tăng 0,6% q/q trong quý III, nối tiếp đà tăng 0,9% của quý trước đó và thấp hơn mức tăng 0,7% theo kỳ vọng. So với cùng kỳ 2021, GDP Úc tăng tới 5,9% trong quý vừa qua.