Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 21/11 - 25/11/2022

07:52 28/11/2022

Tổng quan:

Tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa - chính trị toàn cầu, song cũng đang dần được cải thiện khi 11 tháng năm 2022, Việt Nam thu hút 25,1 tỷ USD vốn FDI.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến 20/11/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt hơn 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,4 đpt so với 10 tháng. Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm song đã được cải thiện, vốn đầu tư điều chỉnh vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể: Có 1.812 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (tăng 14,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 11,5 tỷ USD (giảm 18% so với cùng kỳ, tăng 5,7 đpt so với 10 tháng); Có 994 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 9,54 tỷ USD (tăng 23,3% so với cùng kỳ); Có 3.298 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN (giảm 4,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,08 tỷ USD (giảm 7% so với cùng kỳ). Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,19 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt gần 2,26 tỷ USD và gần 1,03 tỷ USD. Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, CN CBCT và hoạt động chuyên môn KHCN thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 29,9%, 24,5% và 16,5% tổng số dự án. Đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,78 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 24% so với cùng kỳ 2021; Nhật Bản đứng thứ hai với trên hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư, tăng 24,4%; Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đan Mạch. Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và GVMCP nhiều nhất trong 11 tháng năm 2022 (chiếm 20,7% số dự án mới, 33,2% số lượt điều chỉnh và 34,1% số lượt GVMCP).

Tính từ đầu năm tới 20/11/2022, ước tính các dự án ĐTNN đã giải ngân được khoảng 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính lũy kế đến ngày 20/11/2022, cả nước có 36.109 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 437,52 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt gần 271,3 tỷ USD, bằng 62% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Đến nay đã có 141 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 80,8 tỷ USD (chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 70,75 tỷ USD (chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, ...

Các nhà ĐTNN vào Việt Nam cho biết, Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh biến động trên toàn cầu, thời gian qua là nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam an toàn và ổn định. Do vậy, họ vẫn tự tin đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu đầu tư đã có sự dịch chuyển giữa các ngành nghề. Trước kia, Việt Nam có nhiều thế mạnh về nguồn lao động dồi dào, các ngành như da giày, dệt may thu hút vốn FDI lớn. Hiện nay, xu hướng đầu tư đang dịch chuyển sang các lĩnh vực khác như sản xuất hàm lượng công nghệ cao, tăng trưởng xanh, năng lượng xanh. Vì vậy, Việt Nam cần chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ để bắt kịp với sự thay đổi đó. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là nền kinh tế mở với tiềm lực xuất khẩu mạnh mẽ, sức hấp dẫn rất lớn với dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu… Ngoài ra, sức cầu nội địa cũng đang tăng lên sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các nhà ĐTNN cũng khuyến nghị, để giữ được đà tăng trưởng tốt như hiện tại, chiến lược phát triển của Việt Nam trong những năm tới nên là vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều đó thì Việt Nam cần nâng cao trình độ lao động, đầu tư nhiều hơn vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D, tạo thêm động lực cho các nhà cung cấp để họ nâng cấp chính mình…    

Tóm lược thị trường trong nước từ 21/11 - 25/11

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 21/11 - 25/11, tỷ giá trung tâm vẫn được NHNN điều chỉnh giảm nhẹ qua hầu hết các phiên. Chốt ngày 25/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.669 VND/USD, giảm 06 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục dừng niêm yết tỷ giá mua giao ngay. Tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên mức 24.850 VND/USD 4 phiên đầu tuần, phiên cuối tuần giảm xuống mức 24.840 VND/USD.

Tỷ giá LNH tăng 02 phiên đầu tuần, sau đó giảm trở lại. Phiên cuối tuần 25/11, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.766 VND/USD, giảm 41 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do biến động tăng – giảm qua các phiên. Chốt phiên 25/11, tỷ giá tự do tăng nhẹ 05 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 05 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.920 VND/USD và 24.980 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần qua từ 21/11 - 25/11, lãi suất VND LNH tăng ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 25/11, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 5,97% (+0,74 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 6,57% (+0,43 đpt); 2W 6,93% (+0,22 đpt); 1M 7,70% (+0,10%).

Lãi suất USD LNH tăng – giảm nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Chốt tuần 25/11, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 3,90% (không thay đổi); 1W 4,07% (+0,04 đpt); 2W 4,21% (+0,01 đpt) và 1M 4,41% (+0,01 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 21/11 - 25/11, NHNN chào thầu 35.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với các kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 6,0%. Có 29.408 tỷ đồng trúng thầu; có 23.028,5 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN.

Như vậy, NHNN bơm ròng 6.379,5 tỷ VND ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 72.971,11 tỷ VND, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên ở mức 39.999,8 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 23/11, KBNN huy động thành công 9.500/13.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 73%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 9.500/10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 4,8%/năm (+0,2%). Tuần vừa qua từ 21/11 – 25/11 và tuần này từ 28/11 – 02/12 không có TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này, ngày 30/11, KBNN dự kiến gọi thầu 8.000 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn 10 năm và 15 năm.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 2.588 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 1.338 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 25/11, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 4,73% (không thay đổi); 2 năm 4,75% (không thay đổi); 3 năm 4,76% (không thay đổi); 5 năm 4,8% (+0,01đpt); 7 năm 4,86% (+0,01 đpt); 10 năm 4,91% (+0,02 đpt); 15 năm 5,03% (+0,01 đpt); 30 năm 5,33% (không thay đổi).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 21/11 - 25/11, tương tự kịch bản tuần trước đó, sau khi giảm 3 phiên đầu tuần, thị trường đã hồi phục ở 2 phiên cuối. Chốt ngày 25/11, VN-Index đứng ở mức 971,46 điểm, tăng nhẹ 2,13 điểm (+0,22%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 5,96 điểm (+3,09%) lên 196,77 điểm; UPCom-Index thêm 1,26 điểm (+1,88%) đạt 68,41 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức thấp với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình gần 11.000 tỷ đồng/phiên. Điểm sáng trong tuần là khối ngoại mua ròng hơn 550 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.              

Tin quốc tế

OECD nhận định kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ yếu đi nhưng không rơi vào suy thoái. Cụ thể, tổ chức này dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 3,1% trong năm 2022, cao hơn một chút so với dự báo đưa ra hồi tháng 9. Tuy nhiên, GDP năm 2023 được dự báo chỉ tăng 2,2% và cải thiện lên mức 2,7% trong năm 2024. Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó Châu Âu chịu tác động nặng nề nhất và có thể suy thoái nhẹ 0,5% vào năm sau. Bên cạnh đó, nước Anh cũng có thể suy thoái 0,4% trong năm 2023 do lạm phát cao, lãi suất tăng vọt và niềm tin suy yếu. Mỹ có tiềm lực chống chịu tương đối tốt, song GDP cũng được dự báo chỉ tăng 0,5% năm 2023 và 1% năm 2024. Trung Quốc là nền kinh tế lớn hiếm hoi được nhận định tích cực, dự báo GDP tăng 3,3% trong 2022, vươn lên mức 4,6% năm 2023 và giảm tốc nhẹ còn 4,1% năm 2024. OECD cảnh báo các con số dự báo trên còn có thể bị điều chỉnh tiêu cực hơn, bị chi phối bởi diễn biến cuộc xung đột Nga – Ukraine và nhiều rủi ro địa chính trị khác. Cơ quan này khuyến nghị các nền kinh tế lớn và hầu hết các quốc gia mới nổi cần tiếp tục thắt chặt CSTT để tránh những hậu quả lâu dài do lạm phát.

Fed công bố biên bản cuộc họp đầu tháng 11 cho thấy dấu hiệu LSCS có thể giảm tốc, bên cạnh đó nước Mỹ cũng ghi nhận nhiều thông tin kinh tế quan trọng. Về Fed, trong biên bản cuộc họp đầu tháng 11, cơ quan này khẳng định mục tiêu toàn dụng nhân công và đạt lạm phát ở mức 2,0% trong dài hạn. Để thực hiện mục tiêu này, FOMC đã tăng LSCS 75 đcb lên khoảng 3,75% - 4,0%. Ngoài ra, Hội đồng cũng cho biết, khi xác định tốc độ tăng LSCS trong tương lai, Fed sẽ tính đến độ tích lũy của việc thắt chặt CSTT cùng độ trễ mà CSTT tác động lên hoạt động kinh tế và lạm phát. Sau khi biên bản được công bố, công cụ của CME cho thấy có 80% khả năng Fed tăng 50 đcb trong cuộc họp giữa tháng 12, và chỉ có 20% khả năng tiếp tục tăng mạnh 75 đcb. Liên quan tới kinh tế Mỹ, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi và hàng hóa lâu bền chung tại quốc gia này lần lượt tăng 0,8% và 1,0% m/m trong tháng 10, tích cực hơn dự báo của các chuyên gia. Ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 18/11 ở mức 240 nghìn đơn, tăng lên từ 222 nghìn đơn của tuần trước đó và vượt mức 225 nghìn đơn theo dự báo. Doanh số bán nhà mới tại Mỹ đạt 632 nghìn căn trong tháng 10, cao hơn 588 nghìn căn của tháng 9 và vượt tương đối mạnh so với 570 nghìn căn theo dự báo. Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được ở mức 56,8 điểm trong tháng 11, tăng lên từ 54,7 điểm của tháng 10 và vượt qua mức 55,0 điểm theo kỳ vọng.

Đọc thêm