Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 10/01, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.603 VND/USD, giảm 02 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá bán giao ngay được NHNN duy trì niêm yết ở mức 24.780 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.448 VND/USD, giảm 02 đồng so với phiên 09/01. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm tiếp 100 đồng ở chiều mua vào và 130 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.400 VND/USD và 23.520 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 10/01, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,07 – 0,09 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,03 – 0,06 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 5,17%; 1W 6,04%; 2W 6,80% và 1M 7,91%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở các kỳ hạn ON và 1W trong khi tăng 0,01 đpt các ở kỳ hạn 2W và 1M; giao dịch tại: ON 4,29%; 1W 4,43%; 2W 4,55%, 1M 4,72%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tiếp tục giảm khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 4,59%; 5Y 4,63%; 7Y 4,60%; 10Y 4,67%; 15Y 4,81%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 8.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 6,0%. Có 5,648,2 tỷ đồng trúng thầu; có 4.181,12 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 7 ngày. Có 18.500 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 6,0%, có 17.350 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 317,08 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 51.880,3 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 103.499,6 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, các chỉ số giao dịch quanh mốc tham chiếu, trong đó nhiều trụ ngân hàng chao đảo mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,86 điểm (-0,08%) về mức 1.053,35 điểm; HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,46%) lên 210,63 điểm; UPCoM-Index mất 0,25 điểm (-0,34%) xuống 72,48 điểm. Thanh khoản thị trường cải thiện nhẹ so với phiên trước đó với giá trị giao dịch trên 10.600 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 466 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính, tổng khối lượng TPCP phát hành năm 2022 là 203.222 tỷ đồng, chủ yếu đáp ứng nhu cầu chi trả nợ gốc đến hạn của NSTW; kỳ hạn phát hành bình quân 12,67 năm, lãi suất phát hành bình quân 3,31%/năm; kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP 9,09 năm. Theo KBNN, năm 2022 thị trường TPCP trong nước bị tác động mạnh; mặt bằng lãi suất TPCP tăng, đến hết ngày 20/12 lãi suất giao dịch TPCP cao hơn từ 2,3 - 4,12%/năm so với đầu năm 2022 tùy từng loại kỳ hạn, khối lượng giao dịch TPCP giảm.
Tin quốc tế:
Tại Hội nghị Stockholm, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, để khôi phục sự ổn định giá cả khi lạm phát cao đòi hỏi các biện pháp không phổ biến trong ngắn hạn, trong đó có việc nâng lãi suất để làm chậm nền kinh tế, khiến cung cầu cân bằng trở lại. Ông cũng khẳng định, Fed sẽ bám sát mục tiêu của mình và không theo đuổi các lợi ích xã hội hay mục đích chính trị khác, trong đó có vấn đề khí hậu. Trong hội nghị lần này, Chủ tịch Powell không đề cập đến động thái CSTT tiếp theo mà Fed có thể đưa ra trong cuộc họp sắp tới, 31/01 – 01/02. Theo công cụ của CME, có 78% khả năng Fed sẽ tăng LSCS 25 đcb và chỉ có 22% tiếp tục tăng mạnh 50 điểm. Con số dự báo này có thể thay đổi trong những ngày tới, sau khi Mỹ công bố thông tin về lạm phát (CPI) vào tối ngày mai 12/01 theo giờ Việt Nam.
Tiêu dùng bình quân của các hộ gia đình Nhật Bản giảm 1,2% y/y trong tháng 11, trái với mức tăng 1,2% trong tháng 10 cũng như mức tăng 0,6% theo kỳ vọng. Đây là lần đầu tiên chỉ báo này giảm trở lại sau khi cho thấy sự tăng trưởng liên tiếp trong 5 tháng trước đó. Tiếp theo, liên quan tới lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi tại Tokyo ghi nhận mức tăng 4,0% y/y trong tháng 12, cao hơn mức 3,6% của tháng 11 và vượt qua mức tăng 3,8% theo dự báo. Đây là mức tăng CPI cao nhất tại thành phố này kể từ năm 1982.