Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 03/01 - 06/01/2023

08:43 09/01/2023

Tổng quan:

Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 được Chính phủ trình bày tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 03/01 nhấn mạnh, năm 2023, Chính phủ sẽ tập trung giải pháp để phát triển an toàn, lành mạnh các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, trong đó, nhiệm vụ thứ Ba là, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả; Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác; điều hành kịp thời, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa lãi suất với lạm phát; giữa kiềm chế lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Dự thảo Nghị quyết xác định 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp, với trọng tâm đầu tiên là: Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống. Tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài đã được Bộ Chính trị cho chủ trương (06 tổ chức tín dụng yếu kém, 08 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam …); tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phương án xử lý đối với 04 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến. Chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời. Nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cần thiết, cấp bách. Tập trung ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu, chú trọng khai thác các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới. Tiếp tục quản lý, điều hành chặt chẽ giá các hàng hóa quan trọng, dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá, nhất là giá điện, xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, thao túng, tăng giá bất hợp lý. Có giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, các mặt hàng do Nhà nước định giá, nhất là giá điện, xăng dầu... sẽ được quản lý, điều hành chặt chẽ trong năm sau. Giải pháp trọng tâm nữa được Chính phủ xác định, đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển KTXH. Triển khai quyết liệt giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, tránh trục lợi. Khẩn trương thực hiện cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025, đẩy mạnh thoái vốn nhà nước theo lộ trình, tiêu chí, danh mục phân loại DNNN. Có giải pháp phù hợp huy động hiệu quả nguồn lực của DNNN tham gia tích cực vào phát triển KTXH, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng số, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, cung ứng các nguyên, vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất. Tiếp tục cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ gắn với đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt khoảng 15,5%. Với lĩnh vực cơ cấu hạ tầng, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên kết vùng và hạ tầng đô thị lớn. Cùng đó, cơ quan quản lý sẽ rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hạ tầng thương mại điện tử; cơ chế quản lý tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.         

Tóm lược thị trường trong nước từ 03/01 - 06/01

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 03/01 - 06/01, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh theo xu hướng giảm, chỉ phiên cuối tuần tăng nhẹ 02 đồng. Chốt ngày 06/01, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.605 VND/USD, giảm 07 đồng so với cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay ở mức 24.780 VND/USD.

Tỷ giá LNH giảm mạnh qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 06/01, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.469 VND/USD, giảm 131 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm trong tuần qua, tuy đà giảm đã chậm lại. Chốt phiên 06/01, tỷ giá tự do giảm 35 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.680 VND/USD và 23.740 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 03/01 - 06/01, lãi suất VND LNH tiếp tục tăng ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 06/01, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 5,03% (+0,06 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 6,0% (+0,20 đpt); 2W 6,78% (+0,10 đpt); 1M 7,93% (+0,11 đpt).

Lãi suất USD LNH chỉ biến động nhẹ, chốt tuần giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Phiên tuần 06/01, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 4,29% (-0,01 đpt); 1W 4,42% (-0,01 đpt); 2W 4,55% (không thay đổi) và 1M 4,72% (-0,01 đpt).

Thị trường mở:

       Trên thị trường mở tuần từ 03/01 - 06/01, NHNN chào thầu 26.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 6,0%. Có 21.988,2 tỷ đồng trúng thầu; có 35.905,53 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 7 ngày ở tất cả các phiên. Có 77.349,8 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất trúng thầu từ 5,30% - 6,0%.

Như vậy, NHNN bơm ròng 13.132,87 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 48.982,19 tỷ VND, tín phiếu NHNN ở mức 97.349,6 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 04/01, KBNN huy động thành công toàn bộ 9.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu. Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 4.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 4.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 4,53% và 4,72%, giảm 0,12 đpt và 0,08 đpt so với tuần trước đó. Tuần vừa qua từ 02/01 – 06/01 có 7.029 tỷ đồng kỳ TPCP kỳ hạn 5 năm đáo hạn, tuần này từ 09/01– 13/01 không có khối lượng đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này, ngày 11/01, KBNN dự kiến gọi thầu 8.500 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5 năm gọi 500 tỷ đồng, 10 năm gọi 4.000 tỷ đồng và 15 năm 4.000 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 2.353 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh từ mức 6.825 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP giảm nhẹ trong tuần qua ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 06/01, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 4,61% (-0,03 đpt); 2 năm 4,63% (-0,03 đpt); 3 năm 4,65% (-0,02 đpt); 5 năm 4,68% (-0,02đpt); 7 năm 4,71% (-0,04 đpt); 10 năm 4,73% (-0,06 đpt); 15 năm 4,86% (-0,05 đpt); 30 năm 5,23% (-0,02 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 03/01 - 06/01, thị trường chứng khoán chuyển hướng tích cực với 3 phiên giữa tuần tăng điểm ở cả 3 sàn. Chốt ngày 06/01, VN-Index đứng ở mức 1.051,44 điểm, tăng mạnh 42,15 điểm (+4,18%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index nhích 4,11 điểm (+1,99%) lên 210,65 điểm; UPCom-Index tăng 1,86 điểm (+2,62%) đạt 72,75 điểm.

Thanh khoản thị trường tuy có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch trung bình gần 11.100 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng gần 214 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.                 

Tin quốc tế

Fed công bố biên bản cuộc họp cuối năm 2022, đồng thời nước Mỹ cũng đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Về biên bản họp của Fed, cơ quan này cho rằng rằng lạm phát vẫn ở mức cao, phản ánh sự mất cân bằng cung cầu, nguyên nhân chính đến từ đại dịch, chiến tranh và các sự kiện liên quan khác. Fed khẳng định mục tiêu hàng đầu là đạt được toàn dụng nhân công, đồng thời kiểm soát lạm phát ở mức 2,0% trong dài hạn. Để đạt được điều này, Fed quyết định tăng LSCS 50 đcb, lên mức 4,25% - 4,50%. Các quan chức Fed sẽ tính đến sự tích lũy của động thái thắt chặt CSTT, cũng như độ trễ mà CSTT ảnh hưởng lên hoạt động kinh tế và lạm phát để xác định tốc độ tăng LSCS trong tương lai. Liên quan tới kinh tế Mỹ, PMI lĩnh vực dịch vụ tại nước này chỉ đạt 48,4% trong tháng 12/2022, giảm so với 49,0% của tháng 11, đồng thời đánh dấu tháng giảm thứ 4 liên tiếp, khớp với dự báo của Reuters. PMI lĩnh vực dịch vụ cũng giảm mạnh xuống còn 49,6% trong tháng vừa qua từ mức 56,5% của tháng 11, sâu hơn nhiều so với mức 55,0% theo dự báo. Tại thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 223 nghìn việc làm trong tháng 12, thấp hơn mức 256 nghìn của tháng 11 nhưng tích cực hơn mức 200 nghìn theo dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cũng giảm xuống còn 3,5% trong tháng 12 từ mức 3,6% của tháng 11, tích cực hơn nhiều so với dự báo ở mức 3,7%. Cuối cùng, thu nhập bình quân tại Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng 12, yếu hơn một chút so với dự báo tiếp tục tăng 0,4% như kết quả đạt được ở tháng 11. Trong tuần này, thị trường chờ đợi thông tin quan trọng về lạm phát tại Mỹ (CPI), được công bố vào tối 12/01 theo giờ Việt Nam.

Khu vực Eurozone ghi nhận một số thông tin kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, CPI toàn phần tại EZ tăng 9,2% y/y trong tháng 12, thấp hơn mức 10,1% của tháng 11 và đồng thời thấp hơn mức 9,6% theo dự báo. Tuy nhiên CPI lõi tại khu vực này tăng 5,2% trong tháng vừa qua, cao hơn mức 5,0% của tháng 11 và đồng thời cao hơn mức 5,1% theo dự báo. Doanh số bán lẻ tại khu vực này tăng 0,8% m/m trong tháng 11 sau khi giảm 1,5% ở tháng 10, tích cực hơn mức tăng 0,5% theo kỳ vọng. PMI lĩnh vực sản xuất tại EZ chính thức ở mức 47,8 điểm trong tháng 12, không thay đổi so với khảo sát sơ bộ. PMI lĩnh vực dịch vụ chính thức đạt 49,8 điểm, có sự điều chỉnh tích cực hơn so với 49,1 điểm theo kết quả sơ bộ.

Đọc thêm