Tổng quan:
Các chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng 1/2023 cho thấy, bên cạnh một số điểm sáng, nền kinh tế nhìn chung đang đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên vẫn phải nhắc đến yếu tố mùa vụ khi tháng này có kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2023 của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội có những tín hiệu tích cực. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1/2023 tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước, là mức được kiểm soát phù hợp, khi nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán dồi dào song giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiến độ gieo cấy lúa đông xuân ở các địa phương phía Nam tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi ổn định, cùng với nuôi trồng thủy sản được đẩy mạnh thu hoạch, đã góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, ngành du lịch cũng góp phần với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng đạt 870 nghìn lượt người, tăng 23% so với tháng trước và gấp 44 lần cùng kỳ năm trước nhờ các chương trình thu hút khách du lịch quốc tế được đẩy mạnh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Về lĩnh vực đầu tư, tỷ lệ vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 4% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới trong tháng 1/2022 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD.
Bên cạnh đó, đã xuất hiện những tín hiệu báo hiệu kinh tế đang gặp khó khăn. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 1/2023 giảm 14,6% mom và giảm 8% yoy. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 1/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước đều giảm. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa tháng 1 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước (trong đó XK giảm 21,3%; NK giảm 28,9% yoy). Không chỉ là nông, lâm, thủy sản, XK các mặt hàng CN CBCT, bao gồm cả thiết bị điện tử, điện thoại, vốn là mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất trong những năm gần đây, cũng đang chững lại. Một yếu tố nữa cho thấy kinh tế đang gặp khó khăn là, trong tháng đầu năm, có tới gần 43.900 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là, trong tháng 1/2023, chỉ có 10.800 DN thành lập mới và 15.100 DN quay trở lại hoạt động, tổng số cũng chỉ là 25.900 DN, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn nhiều so với con số 43.900 DN rút lui.
Nguyên nhân khách quan được kể đến là do Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trong tháng 1/2023, nên số ngày làm việc ít hơn 8-10 ngày so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia, mọi sự so sánh so với tháng trước hay cùng kỳ năm trước đều không phản ánh hết tình hình, do năm thì Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, năm lại rơi vào tháng 2. Con số chung của 2 tháng mới cho thấy hết được xu hướng của nền kinh tế, thuận lợi hay khó khăn, so với cùng kỳ các năm trước. Tuy vậy, đáng chú ý, IIP tháng 1/2023 so với cùng kỳ năm trước lại giảm chủ yếu ở các địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn, như: TP.HCM (giảm 21,4%), Đồng Nai (giảm 15,7%), Vĩnh Phúc (giảm 28,7%), Bình Dương (giảm 17,4%), … Trên thực tế, xu hướng sụt giảm đơn hàng đã xuất hiện từ quý IV/2022, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam lâm vào cảnh khó khăn, tiêu dùng giảm.
Thêm vào đó, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global Market Intelligence khảo sát đạt 47,4 điểm trong tháng 01/2023, tăng so với mức 46,4 điểm trong tháng 12/2022 nhưng vẫn cho thấy sức khỏe ngành sản xuất suy giảm mạnh. S&P Global Market Intelligence cho biết, nhu cầu hàng hóa của các công ty sản xuất ở Việt Nam vẫn còn yếu vào đầu năm 2023 khiến sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tiếp tục giảm. Tuy nhiên, đã có một số dấu hiệu tích cực từ lần khảo sát PMI này. Một trong những điểm tích cực chính trong tháng 01/2023 là số lượng đơn đặt hàng XK mới tăng, từ đó tốc độ giảm tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã chậm lại. Việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc, cộng với những dấu hiệu cho thấy suy thoái ở Châu Âu và Mỹ có thể ít nghiêm trọng hơn dự kiến, đã mang lại niềm lạc quan về khả năng tăng trưởng ở Việt Nam. Trên thực tế, niềm tin kinh doanh đã cải thiện thành mức cao của ba tháng vào đầu năm. Tuy nhiên, mặc dù nhiều kỳ vọng đang được đặt vào Trung Quốc khi thị trường này mở cửa trở lại, tình hình vẫn có thể khó khăn hơn khi các DN Trung Quốc cũng đang tìm kiếm các đơn hàng mới với sức cạnh tranh lớn cả về đơn hàng và giá cả. Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể tạo thuận lợi cho đầu vào, nhưng gây khó khăn không ít cho đầu ra. Các DN Việt Nam phải lưu ý đến vấn đề này, tìm kiếm và tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do FTA để tăng cường SX và XK.
Tóm lược thị trường trong nước từ 30/01 - 03/02
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 30/01 - 03/02, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt ngày 03/02, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.606 VND/USD, giảm nhẹ 02 đồng so với cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay ở mức 24.780 VND/USD.
Tỷ giá LNH dao động quanh mốc tỷ giá mua của NHNN qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 03/02, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.454 VND/USD, giảm 19 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng tăng nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 03/02, tỷ giá tự do tăng 70 đồng ở cả hai chiều mua vào và chiều bán ra so với tuần trước đó, giao dịch tại 23.510 VND/USD và 23.560 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 30/01 - 03/02, lãi suất VND LNH biến động tăng – giảm đan xen. Chốt ngày 03/02, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 6,12% (-0,08 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 6,52% (-0,02 đpt); 2W 7,13% (+0,05 đpt); 1M 7,75% (-0,21 đpt).
Lãi suất USD LNH tăng ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên. Phiên cuối tuần 03/02, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 4,46% (+0,16 đpt); 1W 4,58% (+0,15 đpt); 2W 4,70% (+0,17 đpt) và 1M 4,82% (+0,12 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 30/01 - 03/02, NHNN chào thầu 83.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 6,0%. Có 77.186,68 tỷ đồng trúng thầu; có 67.647,67 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN cũng với kỳ hạn 07 ngày ở phiên cuối tuần. Có 15.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất trúng thầu ở mức 5,79%; có 54.999,99 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 49.538,91 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 101.813,81 tỷ VND, tín phiếu NHNN ở mức 15.000 tỷ VND.
Thị trường trái phiếu: Ngày 01/02, KBNN huy động 15.500 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 14.670 tỷ đồng (đạt 95%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được lần lượt 7.500 và 7.170 tỷ. Riêng kỳ hạn 5 năm không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu hai kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 4,20%/năm và 4,40%/năm (cùng giàm 0,16 đpt so với phiên trước). Tuần vừa qua từ 30/01 – 03/02 có 5.328 tỷ TPCP kỳ hạn 10 năm đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu, trong tuần 06/02 – 10/02, KBNN dự kiến gọi thầu 10.500 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5 năm gọi 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm gọi 5.000 tỷ đồng và kỳ hạn 15 năm gọi 5.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 3.656 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 3.404 tỷ đồng/phiên của tuần trước nghỉ lễ. Trong tuần qua, lợi suất TPCP tiếp tục giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 03/02, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 3,76% (-0,6 đpt); 2 năm 3,76% (-0,6 đpt); 3 năm 3,78% (-0,59 đpt); 5 năm 3,83% (-0,55đpt); 7 năm 3,84% (-0,61 đpt); 10 năm 4,14% (-0,38 đpt); 15 năm 4,36% (-0,27 đpt); 30 năm 4,91% (-0,23 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 30/01 - 03/02, thị trường chứng khoán khá ảm đạm khi chứng kiến một số phiên giảm điểm mạnh và giá trị giao dịch thấp. Chốt ngày 03/02, VN-Index đứng ở mức 1.177,15 điểm, giảm 25,42 điểm (-2,31%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 5,50 điểm (-2,49%) còn 215,28 điểm; UPCom-Index tăng nhẹ 0,14 điểm (+0,19%) lên 73,54 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp với giá trị giao dịch trung bình đạt gần 14.700 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng gần 340 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Fed, BOE và ECB đồng loạt tăng LSCS trong tuần vừa qua. Sáng ngày 02/02 theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed thông báo báo nâng LSCS 25 đcb từ mức 4,25% - 4,50% lên 4,50% - 4,75% nhằm đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát ở mức 2,0% trong dài hạn. Ngoài ra, Fed cho rằng tiếp tục nâng LSCS trong tương lai là điều phù hợp để hạ nhiệt lạm phát theo thời gian. Song, Fed cũng trấn an rằng, để xác định mức tăng LSCS trong tương lai, cơ quan này sẽ tính tới sự tích lũy thắt chặt CSTT và độ trễ mà CSTT tác động lên nền kinh tế, lạm phát. Chiều ngày 02/02, NHTW Anh BOE tăng LSCS 50 đcb từ 3,5% lên 4,0%, đánh dấu lần tăng LSCS mạnh thứ 5 liên tiếp kể từ 08/2022. Ngay sau BOE, NHTW Châu Âu ECB cũng tăng LSCS 50 đcb, theo đó LS tái cấp vốn tăng từ 2,5% lên 3,0%; LS cho vay cận biên từ 2,75% lên 3,25%; và LS tiền gửi từ 2,0% lên 2,5%; có hiệu lực từ ngày 08/02. Cả BOE và ECB đều hướng tới mục tiêu đưa lạm phát về lại mức mục tiêu 2,0% trong trung hạn. BOE dự báo LSCS sẽ tăng lên 4,5% vào giữa năm 2023, hạ dần xuống còn 3,5% trong vòng 3 năm. ECB thậm chí dự định tăng LSCS 50 đcb ngay trong cuộc họp vào tháng 3, sau đó sẽ đánh giá về lộ trình tiếp theo. Ở các báo cáo mới nhất, CPI tại Mỹ và Anh lần lượt tăng 6,5% và 10,5% y/y trong tháng 12/2022; CPI tại Eurozone tăng 8,5% y/y trong tháng 01/2023. Như vậy, có thể thấy các NHTW lớn vẫn còn quan ngại về lạm phát cao, dai dẳng, thêm vào đó là những bất ổn tới từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Xu hướng tăng LSCS của các NHTW trên đã kéo dài hơn một năm, có thể đang đi tới giai đoạn cuối khi lạm phát đã tạo đỉnh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa LSCS sẽ sớm giảm trở lại, ít nhất trong nửa đầu năm nay.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF lần đầu nâng triển vọng kinh tế thế giới sau một năm. Trong báo cáo Cập nhật Triển vọng Kinh tế Toàn cầu ngày 30/01, IMF dự báo GDP thế giới tăng 2,9% trong năm nay (+0,2 đpt so dự báo hồi tháng 10/2022). Trong các nền kinh tế lớn, GDP Mỹ được dự báo tăng 1,4% (+0,4 đpt); Eurozone tăng 0,7% (+0,2 đpt); Nhật Bản tăng 1,8% (+0,2 đpt); riêng nước Anh giảm 0,6% (-0,9 đpt). Tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, IMF dự báo Trung Quốc tăng trưởng 5,2% (+0,8 đpt); Ấn Độ tăng 6,1% (0,0 đpt) và ASEAN5 tăng 4,3% (-0,2 đpt). Mặc dù được nâng triển vọng, song KTTG 2023 vẫn tăng thấp hơn so với mức trung bình 3,8% đạt được trong vòng 20 năm từ 2000 - 2019. Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, IMF cũng dự báo lạm phát toàn cầu sẽ giảm tốc từ mức 8,8% năm 2022, xuống 6,6% trong năm 2023 và 4,3% năm 2024, vẫn cao hơn mức trung bình 3,5% ở các năm 2017 – 2019, trước khi Covid-19 tác động.
Mỹ ghi nhận nhiều thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần vừa qua. Đầu tiên, PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này chỉ đạt 47,4% trong tháng 1, giảm xuống từ 48,4% của tháng trước đó, sâu hơn mức 48,0% theo dự báo. Tuy nhiên, PMI lĩnh vực dịch vụ đạt 55,2% trong tháng vừa qua; tăng mạnh từ 49,6% của tháng trước đó, vượt so với 50,5% theo kỳ vọng. Ở thị trường lao động, thu nhập bình quân của người dân Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng 1, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng 12. Quốc gia này cũng tạo ra 517 nghìn việc làm mới trong tháng đầu năm 2023, cao hơn nhiều so với con số 260 nghìn của tháng trước đó, vượt mạnh dự báo chỉ đạt 193 nghìn. Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 1 giảm xuống còn 3,4% từ mức 3,5% của tháng 12, trái với dự báo tăng lên 3,6%.