Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 24/11, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.141 VND/USD, tiếp tục tăng 08 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.650 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.785 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.685 VND/USD, tăng tiếp 04 đồng so với phiên 23/11. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 30 đồng ở chiều mua vào và 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.380 VND/USD và 23.450 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 24/11, lãi suất chào bình quân LNH VND đi ngang ở các kỳ hạn ON và 2W trong khi tăng 0,01 - 0,02 đpt ở các kỳ hạn 1W và 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,67%; 1W 0,78%; 2W 0,88 và 1M 1,18%. Lãi suất chào bình quân LNH USD không thay đổi ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, giao dịch tại: ON 0,14; 1W 0,18%; 2W 0,22%, 1M 0,31%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giữ nguyên ở các kỳ hạn 3Y và 7Y trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 0,66%; 5Y 0,78%; 7Y 1,12%; 10Y 2,09%; 15Y 2,35%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường trái phiếu: Ngày 24/11, KBNN huy động thành công 9.747/11.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 85%). Trong đó: kỳ hạn 5 năm huy động được 170/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động 2.077/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm và 20 năm huy động toàn bộ lần lượt 4.500 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 0,76%/năm (không đổi); kỳ hạn 10 năm tại 2,07%/năm (+0,01%); kỳ hạn 15 năm tại 2,34%/năm (+0,01%); kỳ hạn 20 năm tại 2,78%/năm (-0,03%).
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, các cổ phiếu lớn tăng mạnh, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng. VN-Index cuối phiên tăng tới 25,24 điểm (+1,72%) lên 1.488,87 điểm, mức kỷ lục mới của chỉ số; HNX-Index cũng có kết quả không kém với mức tăng 6,98 điểm (+1,56%) lên 455,58 điểm; UPCoM-Index tăng 1,62 điểm (+1,42%) lên 114,64 điểm. Thanh khoản thị trường tăng trở lại với tổng giá trị giao dịch đạt trên 41.200 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng gần 978 tỷ VND trên cả ba sàn.
Chính phủ vừa có báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2020. Cụ thể, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, có 180 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 180 DN đã CPH chỉ có 39/128 DN CPH thuộc danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đạt 30% kế hoạch).
Tin quốc tế:
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed công bố biên bản cuộc họp CSTT đầu tháng 11. Cụ thể, trong biên bản cuộc họp FOMC (thuộc Fed) đầu tháng 11 được công bố sáng sớm nay, cơ quan này cho thấy triển vọng kinh tế nước Mỹ đã yếu hơn so với những gì được dự báo trong tháng 9. Quá trình khắc phục nguồn cung sẽ diễn ra chậm hơn so với giả định trước đây, do đó GDP của năm 2022 được dự báo sẽ tăng trưởng tương đương với tốc độ tăng của GDP năm 2021. FOMC tái tuyên bố mục tiêu đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát ổn định ở mức 2,0%. Theo đó, FOMC quyết định duy trì LSCS ở mức 0% - 0,25%. Ngoài ra, các thành viên cùng đồng ý rằng nên bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản mỗi tháng từ 80 tỷ USD TPCP và 40 tỷ chứng khoán có đảm bảo (CKCĐB) xuống lần lượt 70 tỷ USD TPCP và 35 tỷ USD CKCĐB kể từ sau cuộc họp, và từ giữa tháng 12 sẽ bắt đầu giảm xuống còn lần lượt 60 tỷ USD TPCP và 30 tỷ CKCĐB.
GDP của Mỹ tăng 2,1% q/q trong quý 3 theo báo cáo sơ bộ, nối tiếp đà tăng 2,1% ở quý trước đó, tuy nhiên thấp hơn một chút so với mức tăng 2,2% theo kỳ vọng. Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi tại Mỹ tăng 0,5% m/m trong tháng 10, bằng với mức tăng của tháng 9 và cũng khớp với dự báo. Tuy nhiên, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền toàn phần giảm 0,5% m/m trong tháng vừa qua, nối tiếp đà giảm 0,3% của tháng trước đó và trái với dự báo tăng nhẹ 0,2%. Trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 20/11 ở mức 199 nghìn đơn, giảm mạnh xuống từ mức 268 nghìn đơn của tuần trước đó và tích cực hơn nhiều so với mức 259 nghìn đơn theo dự báo. Cuối cùng, chỉ số giá tiêu dùng PCE của Mỹ tăng 0,4% m/m trong tháng 10 sau khi tăng 0,2% ở tháng trước đó, khớp với dự báo của các chuyên gia.
Tổ chức Ifo khảo sát cho biết chỉ số niềm tin kinh doanh tại Đức ở mức 96,5 điểm trong tháng 11, giảm từ mức 97,7 điểm của tháng 10 và xuống sâu hơn một chút so với mức 96,8 điểm theo dự báo. Đây là tháng giảm thứ 5 liên tiếp của chỉ số này, từ mức 101,8 điểm ghi nhận vào tháng 06/2021.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB