Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 15/11 - 19/11/2021

08:00 22/11/2021

Tổng quan:

Trong tháng 11, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. 

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của Thông tư là: TCTD chỉ được mua TPDN khi TCTD đó có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% tại kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua TPDN. Ngoài ra, việc mua, bán TPDN còn phải đáp ứng các nguyên tắc như: TCTD không được mua TPDN trong các trường hợp: (i) TPDN được phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; (ii) TPDN phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; (iii) TPDN phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động. Bên cạnh đó, TCTD chỉ được mua TPDN khi TPDN đáp ứng theo quy định; Mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hợp pháp và phù hợp với phương án phát hành trái phiếu hoặc phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành được phê duyệt theo quy định của pháp luật. Thông tư cũng nêu rõ, giới hạn mua TPDN là tổng số dư mua TPDN được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) và quy định của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD. Đồng thời, TCTD quy định cụ thể các giới hạn mua TPDN, trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành; trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành và người có liên quan phát hành; TPDN có bảo đảm; TPDN không có bảo đảm; TPDN đầu tư sẵn sàng để bán; TPDN đầu tư giữ đến ngày đáo hạn; TPDN kinh doanh. TCTD không được bán TPDN cho công ty con của chính TCTD đó, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán TPDN cho NHTM được chuyển giao bắt buộc. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền.

Thông tư 16 cũng quy định: TPDN được thực hiện giao dịch mua, bán khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau: Là TPDN được phát hành theo đúng quy định của pháp luật; được phát hành bằng đồng Việt Nam; thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán, chưa đến hạn thanh toán hết gốc và lãi và bên bán cam kết TPDN không có tranh chấp, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, không trong tình trạng đang mua bán có kỳ hạn, chiết khấu, tái chiết khấu (trừ trường hợp TCTD mua TPDN phát hành để bán lần đầu).

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2022, thay thế các Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/06/2016 quy định việc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài mua TPDN; Thông tư số 15/2018/TT-NHNN ngày 18/06/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua TPDN. Việc ban hành Thông tư này là một trong những biện pháp mà các cơ quan quản lý thực hiện nhằm tăng cường giám sát việc TCTD giao dịch TPDN.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2021, có tổng cộng 723 đợt phát hành TPDN trong nước, trong đó có 705 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 422,45 nghìn tỷ đồng (chiếm 96% tổng GTPH), 18 đợt phát hành ra công chúng giá trị 15,55 nghìn tỷ (chiếm 4% tổng GTPH) và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1,425 tỷ USD. Trong 10 tháng đầu năm, nhóm bất động sản đang dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 163,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,4%. Trong đó có khoảng có khoảng 27,56% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 5,2-13%/năm. Nhóm ngân hàng đứng ở vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 149,1 nghìn tỷ đồng, có 34,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 22,8%), 75% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm. Trong 10 tháng đầu năm, có 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD), trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD) và CTCP VinPearl (425 triệu USD). Theo ý kiến từ chuyên gia Bộ Tài chính, thị trường TPDN còn một số vấn đề như: Phần lớn tài sản đảm bảo của trái phiếu là bất động sản, dự án hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu doanh nghiệp, giá trị của tài sản đảm bảo chịu ảnh hưởng diễn biến của thị trường; một số trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua TPDN phát hành riêng lẻ; có doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu…

Tóm lược thị trường trong nước từ 15/11 – 19/11

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 15/11 - 19/11, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 19/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.112 VND/USD, chỉ giảm 03 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.650 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.755 VND/USD.

Tỷ giá LNH trong tuần vừa qua chỉ tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 19/11, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.663 VND/USD, tăng 08 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do biến động nhẹ. Chốt tuần 19/11, tỷ giá tự do tăng 80 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.400 VND/USD và 23.440 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần qua từ 15/11 - 19/11 tiếp tục ít biến động ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 19/11, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,67% (-0,01 đpt); 1W 0,78% (không thay đổi); 2W 0,87% (-0,01 đpt); 1M 1,15% (-0,01 đpt).

Tương tự, lãi suất USD LNH cũng chỉ biến động tăng - giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 19/11, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,13% (-0,01 đpt); 1W 0,16% (-0,01 đpt); 2W 0,21% (+0,01 đpt) và 1M 0,27% (-0,01 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở, bắt đầu từ tuần 15/11 - 19/11, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.          

Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 15/11 – 19/11, KBNN huy động thành công 7.214/9.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 76%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 200/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm 250/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm 2.541/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm 2.723/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động được toàn bộ 1.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đồng loạt giảm mạnh từ 3 – 7 điểm so với phiên đấu thầu trước. Trong tuần có 250 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Tuần này từ 22/11 - 26/11, KBNN dự kiến gọi thầu 8.000 tỷ đồng TPCP và VDB dự kiến gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL. Trong tuần này có 7.576 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 12.926 tỷ đồng/phiên, chỉ tăng nhẹ so với mức 12.157 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP giảm ở hầu hết các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt phiên 19/11, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,45% (không thay đổi); 2 năm 0,53% (-0,01 đpt); 3 năm 0,66% (-0,01 đpt); 5 năm 0,76% (-0,004 đpt); 7 năm 1,11% (+0,01 đpt); 10 năm 2,07% (-0,01 đpt); 15 năm 2,33% (-0,01 đpt); 30 năm 2,97% (-0,01 đpt).            

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 15/11 - 19/11, hai chỉ số chính trên thị trường diễn biến trái ngược khi VN-Index chững lại đà tăng và quay đầu giảm trong khi HNX-Index tiếp tục tăng tích cực. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 19/11, VN-Index đứng ở mức 1.452,35 điểm, tương ứng giảm 21,02 điểm (-1,43%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 12,34 điểm (+2,79%) lên 453,97 điểm; UPCoM-Index tăng 2,58 điểm (+2,33%) lên 113,24 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức rất cao với giá trị giao dịch gần 39.800 tỷ đồng/phiên. Chốt tuần, khối ngoại bán ròng gần 1.500 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, ngày 20/11, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu xã hội trị giá 1.800 tỷ USD với mục tiêu thúc đẩy giáo dục, y tế, chăm sóc trẻ em và khí hậu. Hiện dự luật đã được gửi lên Thượng viện để thảo luận và chờ bỏ phiếu. Về chỉ báo kinh tế, doanh số bán lẻ toàn phần và doanh số bán lẻ lõi của nước này cùng tăng 1,7% m/m trong tháng 10, sau khi lần lượt tăng 0,7% và 0,8% trong tháng 9, vượt qua các mức tăng 1,0% và 1,3% theo kỳ vọng của các chuyên gia. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Mỹ tăng 1,6% m/m trong tháng 10 sau khi giảm 1,3% ở tháng trước đó, cao hơn mức tăng 0,9% theo dự báo. Ở lĩnh vực xây dựng, số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công mới tại quốc gia này lần lượt đạt 1,65 triệu đơn và 1,52 triệu căn, không biến động nhiều so với mức 1,59 triệu đơn và 1,53 triệu căn của tháng 9, đồng thời gần với mức 1,63 triệu đơn và 1,58 triệu căn theo dự báo. Cuối cùng, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 13/11 ở mức 268 nghìn đơn, giảm nhẹ 1 nghìn đơn so với tuần trước đó, song chưa đạt kỳ vọng giảm xuống còn 260 nghìn đơn.

Thống đốc NHTW Châu Âu có phát biểu quan trọng về CSTT, bên cạnh đó khu vực này ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Ngày 15/11, Chủ tịch NHTW Châu Christine Lagarde trả lời phỏng vấn cho biết việc thắt chặt CSTT nhằm kiềm chế lạm phát có thể cản trở sự phục hồi của khu vực đồng EUR. Bà cho rằng lạm phát sẽ cao hơn và lâu hơn so với suy nghĩ của nhiều người, nhưng chắc chắn sẽ dần dần mờ nhạt vào năm 2022. Liên quan tới kinh tế Eurozone, đầu tiên, GDP chính thức của khu vực này tăng 2,2% q/q trong quý vừa qua, không thay đổi so với kết quả thống kê lần đầu và tích cực hơn mức tăng 2,0% của quý 2. So với cùng kỳ năm 2020, GDP quý 3 của Eurozne tăng 3,7%. Tiếp theo, CPI toàn phần chính thức tại khu vực Eurozone tăng 4,1% y/y trong tháng 10, không thay đổi so với thống kê sơ bộ và cao hơn mức tăng 3,4% của tháng 9. Bên cạnh đó, CPI lõi của khu vực này chính thức tăng 2,0% y/y trong tháng vừa qua, điều chỉnh nhẹ so với kết quả tăng 2,1% trong báo cáo sơ bộ, song vẫn cao hơn một chút so với mức tăng 1,9% của tháng 9. Cuối cùng, cán cân thương tại Eurozone thặng dư 6,1 tỷ EUR trong tháng 9, thấp hơn so với mức thặng dư 9,7 tỷ của tháng 8, đồng thời thấp hơn nhiều so với dự báo thặng dư 12,5 tỷ.

Các con số cho thấy nước Anh đang hồi phục nóng hơn so với kỳ vọng. Cụ thể, trên thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của Anh trong tháng 9 giảm xuống còn 4,3% từ mức 4,5% của tháng 8, thấp hơn mức 4,4% theo dự báo. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người dân Anh trong 3 tháng 07-08-09/2021 tăng 5,8% 3m/y, thấp hơn mức tăng 7,2% của 3 tháng 06-07-08/2021, nhưng vẫn cao hơn mức dự báo tăng 5,5%. Về áp lực lạm phát, CPI toàn phần và CPI lõi tại nước Anh lần lượt tăng 4,2% và 3,4% y/y trong tháng 10, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,1% và 2,9% của tháng trước đó, đồng thời cao hơn mức tăng 3,9% và 3,1% theo dự báo của các chuyên gia. Cuối cùng, doanh số bán lẻ tại nước Anh tăng 0,8% m/m trong tháng 10 sau khi đi ngang ở tháng 9 (0,0% m/m), tích cực hơn mức tăng 0,5% theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm