Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 10/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.203 VND/USD, tăng 03 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.849 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.051 VND/USD, giảm 04 đồng so với phiên 09/03. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh 120 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.780 - 23.830 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 10/03, lãi suất chào bình quân LNH VND tiếp tục giữ nguyên ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,34%; 1W 0,45%; 2W 0,56% và 1M 0,76%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 – 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,19%; 2W 0,25%, 1M 0,33%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 3Y trong khi giảm 0,01 – 0,03 đpt ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 0,64%; 5Y 1,08%; 7Y 1,48%; 10Y 2,35%; 15Y 2,56%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường trái phiếu: Ngày 10/03, KBNN huy động thành công 3.650/6.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 61%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 600/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm huy động được toàn bộ 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.050/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 1.000/2.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 1,06%/năm (+0,03%); 7 năm tại 1,46%/năm (-0,09%); 10 năm tại 2,22% (+0,05%) và 15 năm tại 2,45%/năm (+0,05%).
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, sự phân hóa diễn ra mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn, tuy nhiên các chỉ số vẫn nhận được lực đỡ từ nhiều mã trụ cột. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,11 điểm (+0,70%) lên 1.170,08 điểm; HNX-Index tăng 2,27 điểm (+0,86%) lên 267,1 điểm; UPCoM-Index tăng 0,70 điểm (+0,88%) lên 80,24 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức rất cao với tổng trị giá giao dịch đạt gần 21.100 tỷ đồng. Khối ngoại tham gia mạnh vào thị trường và tiếp tục bán ròng gần 480 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 02/2021, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thâm hụt 0,46 tỷ USD, 2 tháng đầu năm thặng dư 1,63 tỷ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 chỉ đạt 20,2 tỷ USD, giảm 29,3% so với tháng 1; lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 48,74 tỷ, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 2 đạt 20,66 tỷ USD, giảm 21,9% so với tháng trước đó, lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 47,11 tỷ, tăng 25,5% so với 2/2020. Tổng kim ngạch XNK 2 tháng đầu năm đạt 95,85 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ.
Tin quốc tế:
Chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi của Mỹ lần lượt tăng 0,4% và 0,1% m/m trong tháng 2, sau khi tăng 0,3% và đi ngang (0,0% m/m) ở tháng trước đó, gần khớp với dự báo tăng 0,4% và 0,2% của các chuyên gia. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2020, CPI toàn phần của Mỹ tăng 1,7% (+0,3 đpt so với tháng 1) và CPI lõi tăng 1,3% (-0,1 đpt so với tháng 1). Các chuyên gia phân tích cho rằng mức CPI 1,7% y/y như hiện tại là tương đối cao, và chỉ số này có thể sẽ bắt đầu vượt qua ngưỡng mục tiêu 2,0% của Fed vào tháng 5. Gần đây, nhiều quan chức của Mỹ như Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen đều lên tiếng trấn an về lạm phát tại Mỹ, tuy nhiên những phát biểu trên không có nhiều tác dụng, thị trường vẫn hoài nghi về khả năng Fed phải tăng LSCS trở lại sớm hơn dự kiến.
Tổ chức Westpac khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại nước Úc tăng 2,6% m/m trong tháng 3, nối tiếp đà tăng 1,9% của tháng trước. Theo đó, chỉ số niềm tin tiêu dùng hiện tại của nước này là 111,8 điểm; gần chạm tới mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (mức cao nhất là 112,0 điểm; ghi nhận tháng 12/2020).
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết CPI toàn phần tại nước này trong tháng 2 giảm 0,2% y/y, trái với dự báo giảm ở mức -0,3% của tháng 1 và cũng là dự báo của chuyên gia. Mặc dù vậy, dựa theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6,0% mà Bắc Kinh đề ra, các nhà kinh tế dự báo NHTW Trung Quốc PBoC có thể sẽ thắt chặt CSTT ngay trong năm nay. Chỉ số giá sản xuất PPI tại nước này tăng 1,7% y/y trong tháng 2 vừa qua, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,3% của tháng 1 và vượt qua cả mức tăng 1,5% theo kỳ vọng.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB