Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 01/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.145 VND/USD, tăng mạnh 15 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.789 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.026 VND/USD, tăng 06 đồng so với phiên 26/02. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 30 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.850 - 23.930 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 01/03, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,02 – 0,07 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 0,42%; 1W 0,55%; 2W 0,70% và 1M 0,97%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giữ nguyên ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,25%, 1M 0,34%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm từ 0,01 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,67%; 5Y 1,07%; 7Y 1,46%; 10Y 2,33%; 15Y 2,54%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Ngày hôm qua, nhiều cổ phiếu lớn tăng giá ngay từ đầu phiên, thị trường diễn biến sôi động, thanh khoản duy trì ở mức cao. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 17,7 điểm (+1,51%) lên 1.186,17 điểm; HNX-Index tăng 3,15 điểm (+1,26%) lên 252,37 điểm; UPCoM-Index tăng 0,51 điểm (+0,67%) lên 77,15 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức rất cao với tổng trị giá giao dịch đạt gần 19.200 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 226 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI Ngành sản xuất Việt Nam do IHS Markit khảo sát cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục cải thiện nhẹ trong tháng 2. PMI Ngành sản xuất Việt Nam đã tăng từ 51,3 của tháng 1 lên 51,6 trong tháng 2, cho thấy sự cải thiện của các điều kiện kinh doanh. Sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã mạnh lên trong ba tháng liên tiếp, sau khi xuống dưới ngưỡng trung tính (50 điểm) vào tháng 11/2020. IHS Markit cho biết, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, từ đó giúp cải thiện các điều kiện kinh doanh tổng thể. Tuy nhiên, số ca nhiễm Covid-19 tăng mới đây dẫn đến tâm lý thận trọng, niềm tin của các công ty đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020, là lần cuối cùng chứng kiến sự bùng nổ đáng kể của đại dịch. IHS Markit hiện dự báo sản xuất công nghiệp Việt Nam tăng 6,8% trong năm nay.
Tin quốc tế:
Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM cho biết PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này ở mức 60,8% trong tháng 02/2021, trái với dự báo đi ngang tại mức 58,7% của tháng trước đó. Đây là mức PMI lớn nhất kể từ tháng 09/2018 cho tới nay.
Trong báo cáo chính thức, IHS Markit cho biết PMI lĩnh vực sản xuất tại Anh ở mức 55,1 điểm trong tháng 02/2021, điều chỉnh nhẹ từ mức 54,9 điểm theo khảo sát sơ bộ, đồng thời tăng so với mức 54,1 điểm của tháng trước đó.
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết CPI tại quốc gia này tăng 0,7% m/m trong tháng 02/2021, nối tiếp đà tăng 0,8% của tháng trước đó, đồng thời vượt qua mức tăng 0,5% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2020, CPI của nước Đức tăng 1,3% trong tháng vừa qua, cao hơn mức 1,2% theo dự báo.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB