Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 25/02, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.130 VND/USD, giảm 02 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.774 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.008 VND/USD, giảm 12 đồng so với phiên 24/02. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng tiếp 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.780 - 23.830 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 25/02, lãi suất chào bình quân LNH VND không thay đổi ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi giảm 0,02 – 0,04 đpt ở các kỳ hạn 1W và 2W so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,40%; 1W 0,54%; 2W 0,68% và 1M 0,94%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giữ nguyên ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 2W và tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,25%, 1M 0,35%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,64%; 5Y 1,05%; 7Y 1,43%; 10Y 2,30%; 15Y 2,50%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên 25/02, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Phiên hôm qua diễn ra theo kịch bản giằng co với sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,42 điểm (+0,29%) lên 1.165,43 điểm; HNX-Index tăng 8,31 điểm (+3,49%) lên 246,20 điểm; UPCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,34%) lên 76,48 điểm. Thanh khoản thị trường giảm khá mạnh so với phiên trước đó với tổng trị giá giao dịch đạt trên 15.700 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp hơn 448 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Liên Bộ Tài chính - Công thương vừa thông báo về việc điều chỉnh giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước từ ngày 25/02. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh tăng 722 đồng/lít; xăng RON 95-III tăng 814 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 804 đồng/lít; dầu hỏa tăng 702 đồng và mazut 180CST 3.5S tăng 405 đồng/kg. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước xăng E5 RON 92 không cao hơn 17.031 đồng/lít, xăng RON 95-III không cao hơn 18.084 đồng/lít, dầu diesel 0.05S không cao hơn 13.843 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 12.610 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.027 đồng/kg.
Tin quốc tế:
Kinh tế Mỹ đón một số thông tin trái chiều, chủ yếu mang màu sắc tích cực. Đầu tiên, GDP nước Mỹ quý 4/2020 được báo cáo sơ bộ lần hai cho thấy mức tăng 4,1% q/q; điều chỉnh lên nhẹ so với mức tăng 4,0% của báo cáo lần một, tuy nhiên thấp hơn so với kỳ vọng tăng 4,2%. Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi và hàng hóa lâu bền chung của Mỹ lần lượt tăng mạnh 1,4% và 3,4% m/m trong tháng 01/2021, nối tiếp đà tăng 1,1% và 0,5% ở tháng trước đó, vượt nhiều so với kỳ vọng tăng 0,6% và 0,9%. Về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 20/02 ở mức 730 nghìn đơn, giảm mạnh từ 841 nghìn đơn tuần trước đó, tích cực hơn nhiều so với dự báo ở mức 828 nghìn đơn. Về thông tin tiêu cực duy nhất trong ngày, số nhà chờ bán tại Mỹ trong tháng 01/2021 giảm 2,8% m/m sau khi giảm 0,3% ở tháng trước đó, trái với dự báo tăng nhẹ 0,2%.
Bộ trưởng Bộ Thương mại nước Anh – bà Lizz Truss cho biết bà đang tìm kiếm một cuộc họp với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai để thảo luận về việc loại bỏ các loại thuế quan trừng phạt mà Mỹ đã áp lên nước này khi còn là thành viên của Liên minh Châu Âu EU. Các mặt hàng của Anh bị Mỹ đánh thuế trừng phạt bao gồm rượu whisky, các thực phẩm làm từ thịt bò và một số mặt hàng công nghệ.
Theo khảo sát của GfK, niềm tin tiêu dùng của Đức được kỳ vọng đạt mức -12,9 điểm trong tháng 3, khả quan hơn so với mức -15,5 điểm của tháng 2 và mức -14,0 điểm dự báo trước đó. Kỳ vọng về kinh tế và thu nhập cùng với xu hướng mua đều tăng. Ngoài ra, xu hướng tiết kiệm cũng giảm giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB