Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 08/02, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.149 VND/USD, giảm 05 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.793 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.965 VND/USD, giảm mạnh 34 đồng so với phiên 05/02. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.550 - 23.580 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày hôm qua, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,11 – 0,20 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi giữ nguyên ở kỳ hạn 1M so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 2,20%; 1W 2,32%; 2W 2,36% và 1M 2,20%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm nhẹ 0,01 – 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,27%, 1M 0,36%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng nhẹ ở kỳ hạn 10Y và không thay đổi ở kỳ hạn 15Y, cụ thể: 3Y 0,72%; 5Y 1,04%; 7Y 1,33%; 10Y 2,23%; 15Y 2,43%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên 08/02, NHNN chào thầu 12.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Các TCTD hấp thụ toàn bộ khối lượng này. Như vậy, NHNN bơm ròng 12.000 tỷ đồng ra thị trường trong phiên hôm qua, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố lên mức 36.096,7 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, sau nỗ lực hồi phục ở phiên sáng, thị trường chứng khoán sang phiên chiều chịu áp lực bán mạnh. Kết thúc phiên, VN-Index mất 43,73 điểm (-3,88%) xuống 1.083,18 điểm; HNX-Index giảm 3,08 điểm (-1,38%) xuống 220,76 điểm; UPCoM-Index giảm 1,24 điểm (-1,68%) xuống 72,65 điểm. Thanh khoản trên thị trường đạt mức rất cao với tổng trị giá giao dịch đạt gần 19.100 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 1.400 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Bộ Tài chính, tổng thu NSNN tháng 01/2021 ước đạt 153,5 nghìn tỷ đồng (giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2020), bằng 11,4% dự toán của cả năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước đạt 131,55 nghìn tỷ đồng, bằng 11,6% dự toán, giảm 16,5% so cùng kỳ năm 2020; thu từ dầu thô ước đạt 2,45 nghìn tỷ đồng, bằng 10,6% dự toán, giảm 66,7% so với cùng kỳ, thu từ hoạt động XNK ước đạt 28 nghìn tỷ, bằng 8,9% dự toán. Tổng chi cân đối NSNN ước đạt 99,6 nghìn tỷ bằng 5,9% dự toán.
Tin quốc tế:
Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ tăng trở lại theo kỳ vọng lạm phát. Theo Reuters, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng khoảng 30 đpt kể từ đầu năm, hiện đang ở mức 1,20%; là mức cao nhất kể từ tháng 03/2020 cho tới nay. Bên cạnh đó, lợi suất kỳ hạn 30 năm cũng chạm mức 2,0%; cao nhất kể từ 02/2020. Thế giới đang quan sát chặt chẽ đối với tỷ lệ lạm phát tại Mỹ, điều có thể ảnh hưởng tới các quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed. CPI Mỹ tháng 12/2020 tăng 0,4% m/m, dữ liệu sơ bộ về CPI tháng 01/2021 sẽ được công bố vào tối thứ Tư ngày 10/02 theo giờ Việt Nam. Hãng Reuters dự báo CPI Mỹ sẽ tiếp tục tăng 0,3% m/m trong tháng vừa qua.
Hãng Sentix cho biết niềm tin đầu tư tại Eurozone trong tháng 02 giảm xuống mức -0,2 điểm từ mức 1,3 điểm của tháng 01, trái với dự báo sẽ tăng mạnh lên mức 4,1 điểm. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp của Đức đi ngang trong tháng 12/2020 (0,0% m/m) sau khi tăng 1,5% ở tháng trước đó, gần khớp với dự báo chỉ tăng 0,1%.
Cán cân vãng lai Nhật Bản thặng dư 2,28 nghìn tỷ JPY trong tháng 12/2020, thấp hơn mức thặng dư 2,34 nghìn tỷ của tháng 11, nhưng vượt mức thặng dư 2,21 nghìn tỷ theo dự báo. Giá trị tín dụng của các ngân hàng tại Nhật Bản (đối với các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân) trong tháng 12/2020 tăng 6,1% y/y, thấp hơn mức tăng 6,2% của tháng trước đó và đồng thời thấp hơn kỳ vọng tăng 6,3%.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB