Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 02/03 - 05/03/2021

08:00 08/03/2021

Tổng quan:

Sau kết quả tích cực của năm 2020, năm 2021, Kho bạc Nhà nước lên kế hoạch thu hút lượng trái phiếu chính phủ tương đối lớn. Tuy nhiên, trong khi 2 tháng đầu năm và tuần đầu tháng 3, kết quả đấu thầu đạt thấp.

Năm 2020, KBNN đã huy động được khoảng 324.000 tỷ đồng TPCP, trong đó giá trị lớn nhất là kỳ hạn 10 năm với gần 136.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm là hơn 122.000 tỷ đồng. Tổng giá trị đăng ký thầu của các thành viên thị trường năm 2020 là hơn 1 triệu tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần giá trị gọi thầu TPCP. Như vậy, năm 2020, KBNN đã hoàn thành vượt mức 108% kế hoạch năm. Khối lượng phát hành được cao gấp đôi so với mức trung bình 170 nghìn tỷ đồng trong các năm từ 2017 – 2019 và vượt mức kỷ lục ghi nhận trước đó là 281 nghìn tỷ đồng năm 2016. Năm 2020, với khối lượng đáo hạn là 97 nghìn tỷ đồng, khối lượng phát hành ròng TPCP đạt 227 nghìn tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức phát hành ròng trung bình 100 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn từ 2015 – 2019. Mức phát hành này cũng cao hơn nhiều so với mức 75% kế hoạch năm của cùng kỳ 2019 và 44% của cùng kỳ 2018. Quy mô thị trường TPCP tiếp tục được mở rộng đáng kể, ước tính đạt 31,5% GDP, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất từ trước tới nay. Kỳ hạn phát hành cũng được kéo dài lên khoảng 14 năm, tăng 0,56 năm so với năm 2019, giúp giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn cũng như tăng cường tính bền vững của nợ công. Về lãi suất, chốt lại năm 2020, các mức lãi suất phát hành TPCP đều đồng loạt giảm, trong đó lãi suất kỳ hạn 10 năm tại 2,28%/năm (giảm 112 điểm so với cuối năm ngoái); kỳ hạn 15 năm tại 2,5%/năm (giảm 106 điểm) và kỳ hạn 20 năm tại 2,89%/năm (giảm 104 điểm). So với hai năm 2017 và 2018, lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm và 15 năm cũng giảm mạnh từ 250 – 300 điểm.

Tới đầu tháng 3/2021, KBNN mới thông báo kế hoạch đấu thầu TPCP năm 2021 với tổng mức phát hành 350.000 tỷ đồng, bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tăng khá mạnh 50 nghìn tỷ đồng so với năm 2020 và là mức kế hoạch phát hành theo năm cao nhất kể từ trước đến nay. Trong đó, giá trị phát hành kỳ hạn 5 năm dự kiến là 20.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm là 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm là 120.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm là 135.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm là 30.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm là 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, lượng TPCP đáo hạn trong năm 2021 ở mức cao kỷ lục 165.000 tỷ đồng (chỉ tính riêng phần phát hành ra công chúng, chưa bao gồm phát hành riêng lẻ). Trong đó, đáo hạn tập trung chủ yếu vào quý I và quý II/2021 (120.000 tỷ đồng). Đây cũng chính là lượng cầu TPCP tiềm năng từ phía các TCTD. Nhu cầu TPCP cũng được hỗ trợ nhờ quy định siết chặt hơn đối với các sản phẩm thay thế TPCP như TP của TCTD và TPDN.

Riêng trong quý I, KBNN dự kiến phát hành 100.000 tỷ đồng TPCP, trong đó: 5 năm và 7 năm – mỗi kỳ hạn 5.000 tỷ đồng, 10 năm và 15 năm – mỗi kỳ hạn 35.000 tỷ đồng, 20 năm và 30 năm – mỗi kỳ hạn 10.000 tỷ đồng. Trong tháng 1 và 2/2021, KBNN đã gọi thầu 44.000 tỷ đồng TPCP, các thành viên thị trường đăng ký thầu hơn 120.000 tỷ đồng, thực tế trúng thầu hơn 27.000 tỷ đồng - tương đương 67,5% giá trị gọi thầu. Như vậy, 2 tháng đầu năm, KBNN mới chỉ huy động được 27% khối lượng TPCP dự kiến phát hành trong quý I, tương đương với 8% kế hoạch năm. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quý II, KBNN sẽ phải tích cực phát hành TPCP nhiều hơn, tránh để dồn vào cuối năm. Nhu cầu đầu tư TPCP của các TCTD cũng sẽ gia tăng sau khi chững lại trước đó và cũng để bù đắp danh mục đáo hạn.

Tóm lược thị trường trong nước từ 01/03 - 05/03

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 01/03 - 05/03, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng khá mạnh. Chốt phiên 05/03, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.166 VND/USD, tăng mạnh 36 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt ngày 05/03 ở mức 23.811 VND/USD.

Tỷ giá LNH ít biến động trong tuần qua, chỉ tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt phiên 05/03, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.032 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Đà tăng tuần trước đó của tỷ giá trên thị trường tự do đã chững lại trong tuần qua. Chốt phiên 05/03, tỷ giá tự do giảm nhẹ 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.800 – 23.840 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 01/03 - 05/03, lãi suất VND LNH tăng – giảm nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 05/03, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,36% (-0,04 đpt); 1W 0,53% (+0,03 đpt); 2W 0,64% (-0,02 đpt); 1M 0,90% (không thay đổi).

Lãi suất USD LNH gần như đi ngang trong tuần vừa qua, chốt tuần 05/03 không thay đổi ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, đóng cửa tại: ON 0,15; 1W 0,20%; 2W 0,26% và 1M 0,34%.

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 01/03 - 05/03, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.

Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 01/03 – 05/03, KBNN huy động thành công 810/6.250 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 13%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm huy động được toàn bộ 750 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu tại 1,45%/năm (-0,1%); kỳ hạn 20 năm huy động được 60/500 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu giữ nguyên tại 2,89%/năm. Kỳ hạn 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại. Có 6.000 tỷ đồng TPCP đáo hạn trong tuần qua. Tuần từ 08-12/03, KBNN gọi thầu 6.000 tỷ đồng TPCP (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần này có 9.840 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Trong tuần từ 01/03 - 05/03, giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp đạt trung bình 10.337 tỷ đồng/phiên, giảm khá mạnh so với mức 14.905 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần 01/03 - 05/03, lợi suất TPCP biến động trái chiều. Chốt phiên 05/03, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,26% (-0,01 đpt); 2 năm 0,47% (-0,07 đpt); 3 năm 0,6% (-0,09 đpt); 5 năm 1,07% (-0,01đpt); 7 năm 1,5% (+0,02 đpt); 10 năm 2,35% (-0,01 đpt); 15 năm 2,56% (-0,004 đpt); 30 năm 3,13% (+0,04 đpt).

Thị trường chứng khoán: Trên thị trường chứng khoán tuần từ 01/03 - 05/03, chỉ số VN-Index chịu áp lực rung lắc mạnh trong khi nhiều cổ phiếu trên các sàn HNX và UPCOM đua nhau tăng trần. Chốt phiên 05/03, VN-Index tăng 0,22 điểm (+0,02%) lên mức 1.168,69 điểm; HNX-Index đóng cửa tăng mạnh 10,58 điểm (+4,25%) đạt 259,80 điểm; UPCOM-Index tăng 1,92 điểm (+2,51%) lên 78,56 điểm.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch đạt gần 17.800 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 2.776 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.                               

Tin quốc tế

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell có những phát biểu quan trọng trong tuần qua. Cụ thể, ông Powell cho biết lạm phát của Mỹ có thể sẽ tăng lên khi nền kinh tế phục hồi trở lại, nhưng “đà tăng này chỉ là nhất thời”. Ông khẳng định LSCS sẽ khó có khả năng tăng trở lại nếu mức lạm phát mục tiêu không được duy trì bền vững và đạt được toàn dụng nhân công. Vị quan chức Fed còn nhấn mạnh lập trường chính sách hiện tại của cơ quan này là phù hợp, đà tăng của lợi suất TPCP đáng để Fed chú ý, song không phải một yếu tố để Fed cần can thiệp vào thị trường. Ông đề nghị thị trường cần nhất quán cách nhìn với Fed, nghĩa là mọi tiêu chí phải được đáp ứng, bao gồm mục tiêu toàn dụng nhân công. Cuối cùng, ông Powell kỳ vọng các quan chức tại Fed sẽ kiên nhẫn quan sát khi thị trường thay đổi. Các phát biểu trên của vị Chủ tịch Fed góp phần giảm bớt nỗi lo gần đây của giới đầu tư toàn cầu về đà leo thang của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Thị trường cho rằng lợi suất tăng là dấu hiệu của lạm phát sắp bước vào một chu kỳ leo thang, buộc Fed phải tính đến chuyện nâng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Theo Hãng tin Reuters, Thượng viện Mỹ ngày 06/03 đã thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỉ USD của Tổng thống Joe Biden. Theo Reuters, gói cứu trợ sẽ bao gồm 400 tỉ USD dùng để hỗ trợ trực tiếp người dân Mỹ (1.400 USD/người), trừ những người có thu nhập hằng năm trên 75.000 USD; trợ cấp thất nghiệp dành cho 9,5 triệu người Mỹ cũng sẽ được cộng thêm 300 USD/tuần; khoảng 350 tỉ USD trong gói này cũng sẽ được chi cho các chính quyền bang và địa phương để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách của họ. Ông Biden ngày 06/03 cho biết ông hi vọng dự luật sửa đổi trên sẽ sớm được Hạ viện thông qua để ông có thể ký và bắt đầu gửi 1.400 USD tiền hỗ trợ trực tiếp đến từng người Mỹ trong tháng này.

Mỹ đón một số chỉ báo kinh tế trái chiều, chủ yếu là sắc màu tích cực. Viện Quản lý Cung ứng ISM Mỹ cho biết PMI lĩnh vực sản xuất ở mức 60,8% trong tháng 2, tăng lên từ mức 58,7% của tháng 1. Trái lại, PMI lĩnh vực dịch vụ tại nước này giảm xuống mức 55,3% trong tháng 2 từ mức 58,7% như tháng trước đó. Về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 28/02 ở mức 745 nghìn đơn, tăng lên so với 736 nghìn đơn ở tuần trước đó nhưng chưa cao như dự báo ở mức 758 nghìn đơn. Tiếp theo, nước Mỹ tạo ra 379 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 2, cao hơn so với 166 nghìn của tháng trước đó và thậm chí vượt qua kỳ vọng ở mức 197 nghìn đơn. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong tháng vừa qua giảm xuống còn 6,2%; trái với dự báo không thay đổi ở mức 6,3% của tháng trước đó. Cuối cùng, cán cân thương mại hàng hóa của Mỹ thâm hụt 68,2 tỷ USD trong tháng 1, sâu hơn mức thâm hụt 67,0 tỷ của tháng trước đó và đồng thời sâu hơn mức thâm hụt 67,5 tỷ theo dự báo.

NHTW Úc RBA không thay đổi CSTT trong cuộc họp vừa qua, kinh tế nước này cũng cho thấy mức phục hồi rất tích cực. Tại cuộc họp diễn ra ngày 02/03, RBA cho biết sẽ duy trì LSCS và lợi suất TPCP kỳ hạn 3 năm ở mức 0,1%. Bên cạnh đó, chương trình cấp vốn theo kỳ hạn và thu mua TPCP cũng được NHTW này bảo toàn. Về kinh tế quốc nội Úc, Văn phòng Thống kê Úc cho biết GDP tại nước này tăng 3,1% q/q trong quý 4/2021, nối tiếp đà tăng 3,3% ở quý trước đó và vượt mạnh so với mức tăng chỉ 2,5% theo kỳ vọng. Như vậy, GDP của nước này chỉ giảm 1,1% trong năm 2020. Cán cân thương mại hàng hóa của Úc thặng dư 10,14 tỷ AUD trong tháng 1, cao hơn so với mức thặng dư 7,13 tỷ của tháng trước đó và đồng thời vượt xa mức thặng dư 6,82 tỷ theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm