Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 02/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.151 VND/USD, tiếp tục tăng 06 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.796 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.025 VND/USD, giảm nhẹ 01 đồng so với phiên 01/03. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 50 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.900 - 23.950 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 02/03, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 – 0,04 đpt ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 0,40%; 1W 0,54%; 2W 0,66% và 1M 0,98%. Lãi suất chào bình quân LNH USD vẫn giữ nguyên ở các kỳ hạn ngắn nhưng tăng 0,02 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,27%, 1M 0,36%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tiếp tục giảm từ 0,01 – 0,04 đpt ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,63%; 5Y 1,05%; 7Y 1,44%; 10Y 2,30%; 15Y 2,51%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường tiếp tục tích cực giúp VN-Index tiến lên thử thách mốc 1.200 điểm, nhóm cổ phiếu thép ghi nhận nhiều cổ phiếu bứt phá. Chốt phiên, VN-Index tăng 0,44 điểm (+0,04%) lên 1.186,61 điểm; HNX-Index giảm 4,43 điểm (-1,76%) xuống 247,94 điểm; UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,40%) lên 77,46 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn ở mức cao với tổng trị giá giao dịch đạt trên 17.900 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 257 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Kho bạc Nhà nước vừa thông báo kế hoạch đấu thầu trái phiếu Chính phủ năm 2021 với tổng mức phát hành 350.000 tỷ đồng (bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam). Khối lượng dự kiến: Kỳ hạn 5 năm là 20.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm là 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm là 120.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm là 135.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm là 30.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm là 30.000 tỷ đồng.
Tin quốc tế:
Doanh số bán lẻ của Đức giảm 4,5% trong tháng 01/2021, nối tiếp đà giảm 9,1% ở tháng trước đó, trái với dự báo hồi phục 0,9%. Bên cạnh đó, CPI toàn phần và CPI lõi Eurozone lần lượt tăng 0,9% và 1,1% y/y trong tháng 02/2021, có sự thay đổi so với mức tăng 0,9% và 1,4% ở tháng 1 và khớp với dự báo.
Trong phiên họp vừa diễn ra, NHTW Úc RBA cho biết sẽ duy trì LSCS và lợi suất TPCP kỳ hạn 3 năm ở mức 0,1%. Ngoài ra, chương trình cấp vốn theo kỳ hạn và thu mua TPCP cũng được NHTW này bảo toàn. Theo RBA, kinh tế Úc đang phục hồi nhanh, thậm chí tốt hơn những gì mà RBA dự báo trước đây. RBA kỳ vọng GDP năm 2021 và 2022 sẽ cùng tăng ở mức 3,5%. Cơ quan này cam kết sẽ thực hiện CSTT hỗ trợ tối đa cho nền kinh tế, và sẽ không tăng LSCS cho tới khi đạt được lạm phát mục tiêu ổn định trong khoảng 2% - 3%.
Ngày 02/03, Hạ viện Nhật Bản thông qua dự thảo ngân sách với tổng mức chi trị giá 106,6 nghìn tỷ JPY, tương đương 1,038 nghìn tỷ USD, tăng 3,8% so với ngân sách năm 2020. Theo kế hoạch, 35,8 nghìn tỷ JPY sẽ được chi cho an sinh xã hội, quốc phòng là 5,34 nghìn tỷ, 5 nghìn tỷ cho việc phòng chống Covid-19, phần còn lại là chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Đây là lần thứ 3 liên tiếp ngân sách Nhật Bản vượt 100 nghìn tỷ JPY và cũng là mức chi cao kỷ lục của quốc gia này. Liên quan tới kinh tế nước Nhật, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này trong tháng 01/2021 ở mức 2,9%; không thay đổi so với mức thất nghiệp của tháng trước đó, trái với dự báo tăng lên mức 3,0% của các chuyên gia.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB