Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 08/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.185 VND/USD, tăng mạnh 19 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.831 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.043 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên 05/03. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 50 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.850 - 23.900 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 08/03, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,02 – 0,04 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 0,34%; 1W 0,51%; 2W 0,60% và 1M 0,88%. Lãi suất chào bình quân LNH USD không thay đổi ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,26%, 1M 0,34%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm ở kỳ hạn 7Y, cụ thể: 3Y 0,63%; 5Y 1,08%; 7Y 1,49%; 10Y 2,37%; 15Y 2,57%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường trái chiều khi VN-Index liên tục giao dịch quanh ngưỡng tham chiếu và chốt phiên giảm điểm trong khi 2 sàn HNX và UPCOM tràn ngập sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,42 điểm (-0,04%) xuống 1.168,27 điểm; HNX-Index tăng 3,62 điểm (+1,39%) lên 263,42 điểm; UPCoM-Index tăng 0,86 điểm (+1,09%) lên 79,42 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức cao với tổng trị giá giao dịch đạt gần 19.000 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh gần 1.257 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Thông tin từ Bộ Tài chính ngày 08/03, lũy kế thu NSNN 2 tháng năm 2021 ước đạt 286,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,3% dự toán, tăng 0,6% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa lũy kế 2 tháng đạt 246,65 nghìn tỷ đồng, bằng 21,8% dự toán, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2020; Thu từ dầu thô 2 tháng đạt gần 4,9 nghìn tỷ đồng, bằng 21,1% dự toán, giảm 53,3% so với cùng kỳ; Thu cân đối NS từ hoạt động XNK 2 tháng đạt 34,6 nghìn tỷ đồng, bằng 19,4% dự toán, tăng 0,3%. Tổng chi cân đối NSNN lũy kế 2 tháng đạt 207,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: chi ĐTPT đạt 23,49 nghìn tỷ đồng, bằng 4,9% dự toán, giảm 32,4%, chi trả nợ lãi đạt 21,88 nghìn tỷ đồng, bằng 19,9% dự toán, giảm 14,3%; chi thường xuyên đạt 161,8 nghìn tỷ đồng, bằng 15,6% dự toán, tăng 1,2%.
Tin quốc tế:
Bộ trưởng bộ Tài chính Mỹ - bà Janet Yellen phát biểu, gói cứu trợ 1.900 tỷ của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cung cấp đủ nguồn lực để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế quốc nội, tuy nhiên sẽ không mang đến sự thay đổi về vấn đề bất bình đẳng tại Mỹ. Bà cũng kỳ vọng rằng gói cứu trợ này sẽ giúp nước Mỹ đạt toàn dụng nhân công vào năm 2022. Khi được hỏi về vấn đề lạm phát, vị quan chức bày tỏ không mong muốn nền kinh tế trở lên quá nóng, nhưng rõ ràng đây là một trong những rủi ro tất yếu của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, có rất nhiều công cụ để khắc phục vấn đề này và giới chức Mỹ luôn đảm bảo sự giám sát chặt chẽ.
Niềm tin của các nhà đầu tư tại khu vực Eurozone ở mức 5,0 điểm trong tháng 3, tăng mạnh từ mức -0,2 điểm của tháng trước và vượt xa so với dự báo ở mức 0,3 điểm của các chuyên gia. Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp của Đức giảm 2,5% m/m trong tháng 1 sau khi tăng 1,9% ở tháng trước đó, sâu hơn mức giảm 1,4% theo dự báo.
Cán cân vãng lai của Nhật Bản thặng dư 1,5 nghìn tỷ JPY trong tháng 01/2021, thấp hơn mức thặng dư 2,08 nghìn tỷ của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức thặng dư 2,2 nghìn tỷ theo dự báo. Tiếp theo, niềm tin kinh tế tại Nhật được Chính phủ nước này cho biết ở mức 41,3 điểm trong tháng 2, tăng mạnh từ mức 31,2 điểm của tháng 1 và vượt khá xa so với mức 34,2 điểm theo kỳ vọng. Cuối cùng, giá trị tín dụng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản trong tháng 2 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020, tích cực hơn mức tăng 6,0% của tháng trước đó.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB