Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 10/03/2021

08:00 10/03/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 09/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.200 VND/USD, tiếp tục tăng mạnh 15 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.846 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.055 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên 08/03. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 50 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.900 - 23.950 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 09/03, lãi suất chào bình quân LNH VND giữ nguyên ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,02 – 0,10 đpt ở các kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,34%; 1W 0,46%; 2W 0,58% và 1M 0,78%. Lãi suất chào bình quân LNH USD không thay đổi ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 2W, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,27%, 1M 0,34%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp đi ngang ở kỳ hạn 3Y còn tăng nhẹ 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 0,63%; 5Y 1,09%; 7Y 1,49%; 10Y 2,38%; 15Y 2,58%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá ngay từ đầu phiên giao dịch, nhóm cổ phiếu dầu khí bị bán mạnh do ảnh hưởng từ sự đi xuống của giá dầu thế giới. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,3 điểm (-0,54%) xuống 1.161,97 điểm; HNX-Index tăng 1,41 điểm (+0,54%) lên 264,83 điểm; UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,15%) lên 79,54 điểm. Thanh khoản thị trường tuy giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn ở mức cao với tổng trị giá giao dịch đạt gần 18.500 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 1.158 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Thông tin từ Bộ Tài chính, trong tháng 2 đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ 98 triệu USD. Lũy kế 02 tháng đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 356 triệu USD (tương đương khoảng 8.197 tỷ đồng), gấp 1,4 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó cấp phát khoảng 277 triệu USD, cho vay lại khoảng 78 triệu USD. Trả nợ của Chính phủ trong tháng 2/2021 khoảng 12.770 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 11.539 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 1.231 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 45.835 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 37.837 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 7.998 tỷ đồng.    

Tin quốc tế:

Theo Bloomberg, NHTW Châu Âu ECB đã tăng tốc mua TPCP từ tuần trước, sau khi các nhà hoạch định chính sách đưa ra cảnh báo rằng sự gia tăng lợi suất có thể làm trật bánh quá trình phục hồi kinh tế khu vực Eurozone. Tổng khối lượng TPCP mà ECB mua trong tuần trước vào khoảng 18,2 tỷ EUR, cao hơn tương đối so với mức 16,9 tỷ EUR trong tuần trước đó (chưa kể lượng TPCP đã được ECB mua vào thứ 5 và thứ 6, khi khối lượng của hai ngày giao dịch này đang trong quá trình hạch toán). Trong tuần này, Chủ tịch ECB – Bà Christine Lagarde sẽ công bố các cập nhật về kinh tế khu vực Eurozone. Các nhà kinh tế nhận định sức phục hồi của Eurozone trong năm 2020 sẽ bị hạ xuống so với các dự báo trước đây.

Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu Eurostat cho biết GDP của khu vực Eurozone giảm 0,7% q/q trong quý 4/2020; điều chỉnh nhẹ so với mức giảm 0,6% theo dữ liệu sơ bộ. Như vậy, GDP của khu vực này đã giảm 6,6% trong năm 2020, và mức giảm là 6,2% đối với khu vực Liên minh Châu Âu EU. Liên quan tới thương mại của Đức, cán cân thương mại nước này thặng dư 22,2 tỷ EUR trong tháng 1, cao hơn mức thặng dư 16,4 tỷ của tháng trước đó và vượt qua dự báo thặng dư 17,9 tỷ.

Nhật Bản đón một số thông tin kinh tế tương đối tiêu cực. Đầu tiên, GDP của nước Nhật chính thức tăng 2,8% q/q trong quý 4/2020, được điều chỉnh xuống từ mức tăng 3,0% theo thống kê sơ bộ. Tiếp theo, mức thu nhập bình quân của người Nhật Bản giảm 0,8% y/y trong tháng 1, bớt tiêu cực hơn mức giảm 3,0% của tháng trước đó, và cũng không sâu như mức giảm 1,6% theo dự báo. Tuy nhiên, mức chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản giảm mạnh 6,1% y/y trong tháng 1, sâu hơn nhiều so với mức giảm 0,6% của tháng 12/2020 và cũng sâu hơn so với mức giảm 2,1% theo dự báo.

Nguồ: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm