Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 27/12 - 31/12/2021

08:00 04/01/2022

Tổng quan:

Dù thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, song với việc dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 thì mức tăng GDP cả năm 2,58% theo các chuyên gia vẫn là một thành công của kinh tế Việt Nam trong năm 2021.

Báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý IV ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính năng cả năm 2021, GDP Việt Nam năm 2021 tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%). trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%. Riêng trong quý IV, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%. Về sử dụng GDP quý IV/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,37%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,28%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,36%. Mặc dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản, kết quả hoạt động năm 2021 của ngành nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, tăng 3,18%, đóng góp 0,29 đpt vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; Ngành lâm nghiệp tăng 3,88%, đóng góp 0,02 đpt và ngành thủy sản tăng 1,73%, đóng góp 0,05 đpt. Thêm một dấu hiệu tích cực của nền kinh tế những tháng cuối năm là sản xuất công nghiệp trong quý IV/2021 phục hồi với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%; Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%. Trong khi đó, ngành khai khoáng giảm 6,21% do sản lượng dầu mỏ thô khai thác giảm 5,7% và khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 19,4%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù số thống kê mới nhất tốt hơn so với tốc độ tăng 4,61% trong quý IV/2020, nhưng vẫn thấp hơn 2,5 đpt so với mức trung bình 6,77% của quý IV trong giai đoạn 2011-2019, cho thấy rằng hoạt động kinh doanh - đặc biệt lĩnh vực dịch vụ - tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Điều này được phản ánh trong sản lượng của các ngành dịch vụ chỉ tăng 1,22% trong năm 2021, chậm hơn so với mức tăng 2,34% vào năm 2020, do phân khúc dịch vụ lưu trú và thực phẩm giảm gần 21% từ mức giảm 15% năm 2020, mặc dù một số phân khúc khác như giáo dục, viễn thông và các dịch vụ tài chính đã tăng trưởng tốt trong năm nay. Hoạt động bán lẻ là một trong những lĩnh vực tăng trưởng kém trong năm 2021 khi du lịch và chi tiêu tiêu dùng thấp tiếp tục là lý do dẫn đến thiệt hại lớn trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Tổng doanh thu bán lẻ giảm 3,8% vào năm 2021, sâu hơn so với mức tăng 2,6% vào năm 2020 do các phân khúc liên quan đến du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là trong nửa cuối năm.

Dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2022, Báo cáo Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý IV/2021 của Ngân hàng UOB vừa công bố nhận định, với khoảng 70% trên mức tổng dân số 98 triệu của đất nước đã được tiêm ít nhất hai mũi vắc xin và các cơ quan chức năng có ý định triển khai các mũi tiêm nhắc lại cho người trưởng thành vào cuối quý I/2022, các hoạt động nội địa của Việt Nam sẽ ở vào vị thế tốt hơn nhiều hỗ trợ tăng trưởng vào năm 2022. Tuy nhiên, biến thể Omicron tiếp tục là một thách thức chính, làm gia tăng những rủi ro ảnh hưởng phục hồi kinh tế toàn cầu và trong nước, đặc biệt là trong quý I/2022. Do đó, UOB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 6,8% (từ 7,4% báo cáo trước đó) cho năm 2022, cao hơn con số Quốc hội chính thức thông qua là 6,0%-6,5%. Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới WB tại Việt Nam, mục tiêu đưa tăng trưởng GDP của Việt Nam về mức 6,0-6,5% là hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam đáp ứng được hai điều kiện. Điều kiện đầu tiên là kiểm soát tốt đại dịch. Mặc dù đây không phải nhiệm vụ dễ dàng bởi các quốc gia trên thế giới đều đang bị ảnh hưởng bởi virus SARS-CoV-2 và sắp tới có thể sẽ xuất hiện các biến thể mới, nhưng bước đầu tiên là làm tất cả những gì có thể để kiểm soát đại dịch. Điều kiện thứ hai là cải thiện cán cân cung - cầu. Theo chuyên gia, Chính phủ Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả việc khôi phục các khu vực sản xuất, xuất khẩu và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Do vậy, có thể nói phía cung đã phát đi những tín hiệu tích cực và vấn đề đang nằm ở phía cầu. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang xem xét triển khai các biện pháp kích cầu mạnh mẽ hơn, ví dụ như ban hành các gói tài khóa như nhiều quốc gia khác đã thực hiện. Việc triển khai gói tài khóa này hoàn toàn khả thi vì Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công đã được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%, Việt Nam vẫn còn dư địa để vay vốn. Ngoài ra, với lượng dự trữ tiền mặt ở mức cao, Việt Nam cũng có thể tăng chi ngân sách bằng cách khởi động lại các chương trình đầu tư công như đã triển khai trong năm 2020, đồng thời hỗ trợ cho những người dân bị mất việc làm, giảm thu nhập hay đã cạn sạch tiết kiệm do đại dịch. Bên cạnh đó, chính phủ cũng có thể thực hiện giảm thuế và giảm phần đóng góp của người dân để thúc đẩy chi tiêu. Tuy nhiên, chuyên gia của WB cũng lưu ý rằng chính phủ không nên quá lạm dụng công cụ này mà chỉ sử dụng khi cần thiết để kích thích tăng trưởng và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng vốn có từ trước thời kỳ đại dịch.

Tóm lược thị trường trong nước từ 27/12 - 31/12

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 27/12 - 31/12, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng giảm. Chốt tuần 31/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.145 VND/USD, giảm mạnh 48 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.650 đồng và mức 23.150 VND/USD.

Tỷ giá LNH trong tuần cũng giảm ở hầu hết các phiên. Chốt phiên cuối tuần 31/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.792 VND/USD, giảm 58 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tương tự, tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do cũng biến động theo xu hướng giảm. Chốt phiên cuối năm 31/12, tỷ giá tự do giảm 130 đồng ở chiều mua vào và 110 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.450 VND/USD và 23.500 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 27/12 - 31/12 tiếp tục tăng khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn, chốt tuần 31/12 giao dịch quanh mức: ON 1,72% (+0,49 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 1,85% (+0,15 đpt); 2W 2,03% (+0,17 đpt); 1M 2,13% (+0,16 đpt).

Lãi suất USD LNH vẫn duy trì xu hướng tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 31/12, lãi suất USD LNH đóng cửa không thay đổi ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 2W, cụ thệ: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,23% và 1M 0,31%.

Thị trường mở: Trên thị trường mở, tuần từ 27/12 - 31/12, NHNN chào thầu 40.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 14 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Đặc biệt, phiên cuối tuần, NHNN chào 20.000 tỷ đồng. Có 10.537,71 tỷ VND trúng thầu trong tuần qua. Như vậy, NHNN bơm ròng 10.537,71 tỷ VND ra thị trường, đưa số lượng lưu hành trên kên này lên mức 10.539,75 tỷ VND.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.          

Thị trường trái phiếu: Ngày 29/12, KBNN huy động thành công 620/4.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 16%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 15 năm đấu thầu thất bại. Kỳ hạn 30 năm huy động thành công 620/1.000 tỷ đồng TPCP. Lãi suất trúng thầu tại 2,96% - giảm 2 điểm so với phiên trước. Trong tuần không có TPCP đáo hạn.                    

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.339 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 11.784 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP biến động tăng – giảm nhẹ trong tuần vừa qua. Chốt phiên 31/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,58% (-0,01 đpt); 2 năm 0,61% (+0,02 đpt); 3 năm 0,70% (+0,01 đpt); 5 năm 0,86% (+0,02 đpt); 7 năm 1,25% (+0,03 đpt); 10 năm 2,10% (không thay đổi); 15 năm 2,37% (+0,001 đpt); 30 năm 2,97% (-0,002 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần cuối cùng của năm 2021 từ 27/12 - 31/12, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực khi cả 3 chỉ số đảo chiều tăng điểm. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 31/12, VN-Index đứng ở mức 1.498,28 điểm, tương ứng tăng 21,25 điểm (+1,44%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng mạnh 28,38 điểm (+6,37%) lên 473,99 điểm; UPCom-Index tăng 2,48 điểm (+2,25%) lên 112,68 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình khoảng 27.900 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 768 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, về thương mại, cán cân thương mại của nước này thâm hụt 97,8 tỷ USD trong tháng 11, sâu hơn khá nhiều so với mức thâm hụt 82,9 tỷ USD của tháng 10, và đồng thời sâu hơn mức thâm hụt 89,0 tỷ theo dự báo. Trên thị trường bất động sản, giá nhà tại Mỹ tăng 1,1% m/m trong tháng 10, cao hơn mức tăng 0,9% của tháng 9 đồng thời cũng là mức dự báo của các chuyên gia. Theo đó, giá nhà bình quân tại Mỹ trong tháng 10 đã tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh số nhà chờ bán của nước này giảm 2,2% m/m trong tháng 11 sau khi tăng mạnh 7,5% ở tháng 10, trái với kỳ vọng tiếp tục tăng 0,6%. Ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ ở mức 198 nghìn đơn trong tuần kết thúc ngày 25/12, giảm xuống từ mức 206 nghìn đơn của tuần trước đó và tích cực hơn so với mức 205 nghìn đơn theo dự báo. Như vậy, số đơn trung bình của 4 tuần gần nhất là 199 nghìn đơn, giảm hơn 7 nghìn đơn so với 4 tuần trước đó. Cuối cùng, về lĩnh vực xây dựng, mức chi tiêu đầu tư cho lĩnh vực này tại Mỹ tăng nhẹ 0,4% m/m trong tháng 11, bằng với mức tăng của tháng 10 và thấp hơn mức tăng 0,8% theo dự báo.

Nhật Bản ghi nhận một số thông tin kinh tế tương đối tích cực. Đầu tiên, doanh số bán lẻ tại Nhật Bản tăng 1,9% y/y trong tháng 11, cao hơn mức tăng 0,9% của tháng 10 và đồng thời vượt nhẹ mức tăng 1,8% theo dự báo. Sản lượng công nghiệp Nhật Bản tăng 7,2% m/m trong tháng 11, nối tiếp đà tăng 1,8% của tháng 10 và cao hơn nhiều so với mức tăng 4,9% theo kỳ vọng. Tiếp theo, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi tại Nhật Bản được NHTW nước này thông báo tăng 0,8% y/y trong tháng 11, cao hơn mức tăng 0,6% của tháng 10, đồng thời mạnh hơn mức tăng 0,5% theo dự báo. Cuối cùng, về thông tin tiêu cực duy nhất, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản ở mức 2,8% trong tháng 11, trái với dự báo chỉ đi ngang ở mức 2,7% như con số thống kê của tháng 10.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm