Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 20/12 - 24/12/2021

08:53 27/12/2021

Tổng quan:

Hoạt động thương mại hàng hóa năm 2021 vẫn là điểm sáng bất chấp đại dịch khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 ước đạt 667,5 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước vượt 13,6% so với chỉ tiêu được giao.

Theo số liệu ước tính của Bộ Công Thương, kim ngạch XK hàng hoá tháng 12 ước đạt 33,5 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch XK cả năm 2021 ước đạt 335,23 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ, ước vượt 13,6% so với chỉ tiêu Chính phủ giao là 4-5%. Kim ngạch NK tháng 12 ước đạt 32 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch NK cả năm 2021 ước đạt 332,27 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ. Tháng 12 ước xuất siêu 1,5 tỷ USD, cả năm 2021 ước xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 ước đạt 667,5 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2020.

Bộ Công Thương nhận định, đây là thành tựu rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam bởi năm vừa qua, cả nước đã chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Đặc biệt, thời điểm dịch bùng phát lần thứ 4 đã tấn công thẳng vào khu vực là động lực sản xuất hàng hóa ở cả hai miền Nam - Bắc. Đơn cử, trong bối cảnh 3 tháng liền (tháng 7,8,9/2021) mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 19 tỉnh phía Nam – là những địa phương có chỉ số xuất khẩu cao - gần như bị đóng băng. Các công ty chế biến xuất khẩu các mặt hàng “nhiều tỉ USD” tại Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trên 50% phải đóng cửa, số còn lại hoạt động “3 tại chỗ” nhưng công suất cũng chỉ đạt 30-50%. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn đó, các doanh nghiệp vẫn duy trì và phục hồi sản xuất nhanh chóng. Đặc biệt, các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày,... dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp vẫn hoàn thành đơn hàng và đạt kế hoạch sớm hơn dự kiến. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng đóng góp tích cực cho thành tích xuất nhập khẩu năm 2021 có động lực từ các Hiệp định thương mại (FTA) được các doanh nghiệp vận dụng hiệu quả. Đơn cử như tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA là Canada và Mexico liên tục duy trì hai con số. Thị trường nhỏ như Peru cũng tăng trưởng có giai đoạn lên đến 300%. Các thị trường EU, thị trường Anh cũng tăng trưởng 2 con số.

Theo Bộ Công Thương, trong 10 năm qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ và cứ 2 năm, mốc 100 tỷ USD lại được chinh phục. Nếu năm 2011, số lượng ngành hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên mới là 21 nhóm, trong đó chỉ có dệt may đạt kim ngạch chục tỷ USD (đạt hơn 14 tỷ USD), nhưng mới hết tháng 11 của năm 2021, xuất khẩu có tới 34 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, có 7 nhóm hàng đạt từ 10 tỷ USD trở lên. Một tín hiệu đáng mừng là cơ cấu các ngành xuất khẩu chủ lực có thay đổi đáng kể, từ những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, thủy sản, hay hàng hóa là tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô… nhưng đến nay đã nhường chỗ cho sự vươn lên của các nhóm hàng công nghệ cao như sản xuất, lắp ráp điện thoại, máy vi tính, máy móc…

Tóm lược thị trường trong nước từ 20/12 - 24/12

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 20/12 - 24/12, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm mạnh trong phiên đầu tuần sau đó nâng nhẹ trở lại. Chốt tuần 24/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.193 VND/USD, giảm 24 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.650 đồng và mức 23.150 VND/USD.

Tỷ giá LNH trong tuần vừa qua đi ngang ở 4 phiên đầu tuần và giảm mạnh trong phiên Thứ Sáu. Chốt phiên cuối tuần 17/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.850 VND/USD, giảm 100 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do giảm dần. Chốt tuần 17/12, tỷ giá tự do giảm 55 đồng ở chiều mua vào và 75 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.580 VND/USD và 23.610 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 20/12 - 24/12 tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch quanh mức: ON 1,23% (+0,39 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 1,70% (+0,76 đpt); 2W 1,86% (+0,74 đpt); 1M 1,97% (+0,50 đpt).

Lãi suất USD LNH cũng có xu hướng tăng nhẹ. Chốt tuần 24/12, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,15% (+0,01 đpt); 1W 0,20% (+0,01 đpt); 2W 0,24% (+0,01 đpt) và 1M 0,31% (+0,03 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở, tuần từ 20/12 - 24/12, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng/phiên ở cả 5 phiên trên kênh cầm cố, phiên ngày Thứ Hai kỳ hạn 91 ngày và 4 phiên sau kỳ hạn 14 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Chỉ có phiên ngày Thứ Năm có khối lượng trúng thầu là 2,04 tỷ VND, kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Như vậy có tổng cộng 2,04 tỷ VND lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.           

Thị trường trái phiếu: Ngày 22/12, KBNN huy động thành công 4.350/7.500 tỷ đồng TPCP (tỷ lệ trúng thầu 58%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.779/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 2.564/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động 7/2.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,08%/năm (không đổi), kỳ hạn 15 năm tại 2,33%/năm (-0,01%), kỳ hạn 20 năm tại 2,75%/năm (-0,02%). Trong tuần có 696 tỷ đồng TPCP đáo hạn.                    

Tuần này từ 27/12 - 31/12, KBNN dự kiến gọi thầu 7.500 tỷ đồng TPCP. Trong tuần này không có TPCP đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 11.784 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh từ với mức 15.576 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt phiên 24/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,58% (+0,02 đpt); 2 năm 0,58% (+0,03 đpt); 3 năm 0,69% (+0,01 đpt); 5 năm 0,84% (+0,02đpt); 7 năm 1,22% (+0,03 đpt); 10 năm 2,1% (không thay đổi); 15 năm 2,37% (không thay đổi); 30 năm 2,97% (+0,005 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 20/12 - 24/12, thị trường chứng khoán Việt Nam dao động tăng giảm luân phiên, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 24/12, VN-Index đứng ở mức 1.477,03 điểm, tương ứng giảm nhẹ 2,76 điểm (-0,19%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 10,59 điểm (-2,32%) xuống 445,61 điểm; UPCom-Index giảm 1,40 điểm (-1,25%) xuống 110,20 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình khoảng 36.134 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.782 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, GDP của nước Mỹ chính thức tăng 2,3% q/q trong quý III/2021, trái với dự báo rằng không điều chỉnh ở mức 2,1% theo báo cáo sơ bộ. Trong quý II trước đó, GDP của nước Mỹ 6,7% q/q. Tiếp theo, niềm tin tiêu dùng tại nước Mỹ do Conference Board khảo sát được ở mức 115,8 điểm trong tháng 12, cao hơn mức tăng 111,9 điểm của tháng 11 và đồng thời cao hơn mức 111,1 điểm theo dự báo. Doanh số bán nhà cũ tại Mỹ ghi nhận ở mức 6,46 triệu căn trong tháng 11, cao hơn một chút so với mức 6,34 triệu của tháng trước đó nhưng thấp hơn không nhiều so với mức 6,55 triệu căn theo kỳ vọng. Về chỉ số giá tiêu dùng, PCE lõi của nước Mỹ tăng 0,5% m/m trong tháng 11, nối tiếp đà tăng 0,5% của tháng trước đó và mạnh hơn mức tăng 0,4% theo dự báo. Sức chi tiêu cá nhân của người dân Mỹ cũng tăng 0,6% m/m trong tháng vừa qua, sau khi tăng 1,4% ở tháng trước đó, khớp với dự báo của các chuyên gia. Tại thị trường bất động sản, doanh số bán nhà mới tại Mỹ đạt 744 nghìn căn trong tháng 11, cao hơn mức 662 nghìn căn của tháng 10, song chưa đạt mức 770 nghìn căn theo dự báo. Cuối cùng, ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước Mỹ trong tuần kết thúc ngày 18/12 ở mức 205 nghìn đơn, tăng lên từ mức 188 nghìn đơn của tuần trước đó và đồng thời cao hơn mức 196 nghìn đơn theo dự báo.

NHTW Úc RBA công bố biên bản cuộc họp cuối năm, bên cạnh đó NHTW Trung Quốc PBOC có động thái cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau gần 2 năm. Về NHTW Úc, trong biên bản họp công bố ngày 21/12, cơ quan này cho rằng mọi thứ đang phục hồi kể từ sau đợt suy giảm trong quý 3/2021 do biến chủng Delta và các biện pháp phong tỏa xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp được dự kiến sẽ thấp hơn 4%, và tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ ở mức khoảng 2,5% vào cuối năm 2023. Theo đó, RBA quyết định duy trì lãi suất chính sách ở mức 0,1%. Đồng thời, cơ quan này cũng không thay đổi kế hoạch mua TPCP ở mức 4 tỷ AUD/tuần, kéo dài ít nhất tới giữa tháng 02/2022. Về NHTW Trung Quốc, ngày 20/12 cơ quan này hạ lãi suất tham chiếu của các khoản vay kỳ hạn 1Y xuống 3,80% từ mức 3,85% trước đó. Lãi suất tham chiếu của các khoản vay kỳ hạn 5Y được PBOC giữ nguyên ở mức 4,65%. Lần gần đây nhất PBOC hạ các loại lãi suất trên là vào tháng 04/2020. Trước khi hạ lãi suất 1Y, PBOC cũng đã hạ tỷ lệ DTBB vào ngày 07/12. Các động thái này của PBOC nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang cho thấy sự trì trệ.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm