Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 13/12 - 17/12/2021

08:00 20/12/2021

Tổng quan:

Tuần qua, tâm điểm của thị trường tài chính quốc tế là các phiên họp chính sách cuối năm của các NHTW lớn nhất trên giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, NHTW Châu Âu ECB và NHTW Anh BOE, NHTW Nhật Bản BOJ.

Như sẽ trình bày cụ thể hơn tại phần Quốc tế, ba NHTW có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED, NHTW Anh BOE và NHTW Châu Âu ECB đồng loạt triển khai những bước đi mạnh trong tuần qua để đối phó tình trạng giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng nhanh. NHTW Anh BOE là NHTW đầu tiên thuộc nhóm G7 tăng lãi suất kể từ đầu đại dịch Covid-19. Theo đó, chi phí vay tăng 15 điểm cơ bản, từ 0,1% lên 0,25%. BOE đánh giá rằng, áp lực từ lạm phát gia tăng sẽ gây rủi ro với nền kinh tế nhiều hơn là biến thể mới Omicron. Do đó, lạm phát tăng nhanh hơn dự báo và thị trường lao động ở Anh có vẻ khởi sắc là hai yếu tố khiến ngân hàng này quyết định tăng lãi suất. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách của NH này cũng cho biết, họ có thể tiếp tục tăng nhẹ lãi suất khi lạm phát đang tiến tới mức đỉnh, có thể đạt khoảng 6% trong tháng 4/2022. Báo cáo trong tuần qua cho thấy, lạm phát đã tăng lên 5,1% trong tháng 11 - hơn gấp đôi so với mục tiêu của NHTW Anh là 2%. Ngoài ra, BOE duy trì kế hoạch mua tài sản với quy mô 895 tỷ GBP. Tại Mỹ, ngày 15/12, mặc dù giữ nguyên LSCS, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed cho biết có thể sẽ sớm kết thúc chương trình mua tài sản vào tháng 03/2022 bằng cách tăng gấp đối tốc độ giảm mua trái phiếu hiện tại. Đồng thời, biểu đồ Dot-plots của Fed cho thấy khả năng cơ quan này có 3 lần tăng LSCS trong năm 2022. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lập kỷ lục trong gần 40 năm trở lại đây khi đạt mức tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020 trong tháng 11. Đây đã là tháng thứ 6 liên tiếp, giá cả tại Mỹ tăng mạnh trên 5%, gây sức ép lớn lên nền kinh tế. Trong khi lạm phát tháng 11 ở khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone cao chưa từng có kể từ năm 1997 ở mức 4,9% y/y, ngày 16/12, NHTW Châu Âu ECB vẫn không thay đổi các mức LSCS. Tuy nhiên, ECB cho biết sẽ giảm tốc độ mua tài sản theo chương trình PEPP (mua tài sản khẩn cấp trong trời gian diễn ra đại dịch trị giá 1.850 tỷ EUR) kể từ quý I/2022, sau đó sẽ kết thúc chương trình này vào tháng 03/2022 như đã thông báo ở các kỳ họp trước. Tuy nhiên, chương trình APP (mua tài sản trước khi diễn ra đại dịch) sẽ tăng quy mô từ 20 tỷ EUR/tháng lên 40 tỷ EUR/tháng vào quý II/2022, sau đó giảm về còn 30 tỷ EUR/tháng kể từ quý III/2022.

Những động thái trên được triển khai sau khi Fed và BOE xác định lạm phát không mang tính chất tạm thời như suy đoán ban đầu, bởi giá năng lượng đã tăng trở lại và chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thông suốt. Thống đốc BOE Andrew Bailey ngày 16/12 cho biết nước này đang xem lạm phát hiện nay mang tính trung hạn và điều này buộc họ phải hành động dù tác động kinh tế của Omicron vẫn là một ẩn số. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, ông Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận việc dùng từ "tạm thời" để nói về giá cả tăng cao ở Mỹ giờ đây không còn phù hợp vì sự khan hiếm cả hàng hoá và lao động hiện nay đang đòi hỏi thời gian lâu hơn để giải quyết. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách đang giả định rằng ảnh hưởng kinh tế do Omicron gây ra sẽ ít nghiêm trọng hơn so với những đợt lây nhiễm trước đó, bởi tác động kinh tế của Covid-19 có xu hướng suy giảm sau mỗi đợt dịch. Khác với FED và BOE, ECB hiện vẫn giữ quan điểm lạm phát tại châu Âu chỉ mang tính tạm thời, ECB có thể sẽ lùi thời hạn nâng lãi suất sang đầu năm sau, để phòng ngừa tác động từ biến thể Omicron.

Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho thấy quan điểm Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng với mặt bằng lãi suất duy trì thấp như hiện tại để hỗ trợ nền kinh tế, ít nhất trong nửa đầu năm 2022. Đồng thời, chưa có yếu tố khiến lãi suất có thể bật tăng mạnh trở lại trong năm 2022. Các chuyên gia cho rằng, các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện vẫn khá ổn định. Thứ nhất, liên quan đến yếu tố rất quan trọng là lạm phát, trong 11 tháng năm 2021, lạm phát bình quân chỉ ở mức 1,84%, mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Ngay cả lạm phát cơ bản cũng chỉ tăng 0,82%, lạm phát lũy kế khoảng 2%... trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2021 là 4%. Như vậy Việt Nam còn nhiều dư địa để kiềm chế lạm phát. Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam không chịu nhiều áp lực nhập khẩu lạm phát. Thứ hai, về cán cân thương mại, kể từ năm 2016 đến nay, Việt Nam liên tục thặng dư cán cân thương mại, nhất là năm 2020 xuất siêu đạt gần 20 tỷ USD. Dù có thời điểm trong năm 2021 phải nhập siêu, nhưng lũy kế đến hết tháng 11, Việt Nam đã xuất siêu trở lại với mức 1,46 tỷ USD. Việc xuất siêu liên tục sẽ giúp dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng, qua đó giúp ổn định vĩ mô và giá trị VND. Dù vừa qua có một số NHTM có động thái tăng lãi suất nhưng đây là để có dư địa giải quyết nguồn vốn cho tín dụng cuối năm. Thanh khoản hệ thống được hỗ trợ từ hoạt động mua ngoại tệ của NHNN, lượng tiền VND được bổ sung vào hệ thống ngân hàng ở nửa cuối năm theo kênh này ước tính vào khoảng 200.000-300.000 tỷ đồng. Các chỉ số liên quan như tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR); vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức an toàn. Mặc dù khá lạc quan, song các chuyên gia cũng cảnh báo, rõ ràng việc lạm phát đang tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới đang và sẽ gây áp lực không nhỏ đến việc điều hành CSTT của Việt Nam. Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, thời gian tới, NHNN tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát.

Tóm lược thị trường trong nước từ 13/12 - 17/12

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 13/12 - 17/12, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng khá mạnh, chỉ có vài phiên giảm nhẹ. Chốt tuần 17/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.217 VND/USD, tăng tiếp 42 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.650 đồng và mức 23.150 VND/USD.

Tỷ giá LNH trong tuần vừa qua tiếp tục tăng ở 3 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại. Chốt phiên cuối tuần 17/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.950 VND/USD, giảm 20 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do tăng trong gần suốt tuần nhưng giảm khá mạnh phiên cuối tuần. Chốt tuần 17/12, tỷ giá tự do tăng 65 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.635 VND/USD và 23.685 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 13/12 - 17/12 biến động tăng mạnh ở 2 phiên cuối tuần, giao dịch quanh mức: ON 0,84% (+0,16 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 0,94% (+0,15 đpt); 2W 1,12% (+0,23 đpt); 1M 1,47% (+0,27 đpt).

Lãi suất USD LNH vẫn giữ xu hướng biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 17/12, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,14% (-0,01 đpt); 1W 0,19% (+0,01 đpt); 2W 0,23% (+0,01 đpt) và 1M 0,28% (-0,02 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở, bắt đầu từ tuần 13/12 - 17/12, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.          

Thị trường trái phiếu: Ngày 15/12, KBNN huy động thành công 7.000/7.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 93%). Trong đó, ngoại trừ kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại, các kỳ hạn 15 năm, 20 năm và 30 năm huy động toàn bộ lần lượt 3.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ và 2.000 tỷ. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 2,34%/năm (-0,02%); 2,77%/năm (-0,01%) và 2,98%/năm (không đổi). Ngày 17/12, NHPTVN huy động thành công 2.300/2.500 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 92%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 7 năm huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng/kỳ hạn, kỳ hạn 10 năm huy động 1.300/1.500 tỷ đồng. Lãi suất kỳ hạn 5 năm tại 1,12%/năm (không đổi), kỳ hạn 7 năm tại 1,5%/năm (không đổi) và kỳ hạn 10 năm tại 2,5%/năm (+0,15%). Trong tuần có 1.600 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Tuần này từ 20/12 - 24/12, KBNN dự kiến gọi thầu 7.500 tỷ đồng TPCP. Trong tuần này có 696 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 15.576 tỷ đồng/phiên, tăng tích cực so với mức 12.951 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt phiên 17/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,57% (+0,05 đpt); 2 năm 0,55% (+0,02 đpt); 3 năm 0,68% (+0,001 đpt); 5 năm 0,82% (+0,02đpt); 7 năm 1,19% (+0,03 đpt); 10 năm 2,10% (+0,02 đpt); 15 năm 2,36% (+0,01 đpt); 30 năm 2,97% (+0,003 đpt).                    

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 13/12 - 17/12, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng điểm ở các chỉ số lớn với quy mô giao dịch tăng trở lại, tuy nhiên khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 17/12, VN-Index đứng ở mức 1.479,79 điểm, tương ứng tăng 16,25 điểm (+1,11%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 5,45 điểm (+1,21%) lên 456,20 điểm; UPCom-Index giảm nhẹ 0,21 điểm (-0,19%) xuống 111,60 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng so với tuần trước đó với giá trị giao dịch gần 31.200 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 2.669 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed có quyết định về việc thu hẹp CSTT nới lỏng trong phiên họp cuối năm 2021. Cụ thể, trong phiên họp kéo dài hai ngày 14-15/12, Fed thông báo có thể có thể sẽ sớm kết thúc chương trình mua tài sản vào tháng 3/2022 bằng cách tăng gấp đối tốc độ giảm mua trái phiếu. Bên cạnh đó, biểu đồ Dot-plot của Fed trong cuộc họp lần này cho thấy khả năng có 3 lần tăng LSCS trong năm 2022, song thời điểm tăng lãi suất chưa được xác định cụ thể, tùy vào những tiến triển ở thị trường lao động và tình trạng lạm phát. Theo Dot-plot, LSCS của Fed cuối năm 2022 sẽ là 0,75% - 1,0%; năm 2023 là 1,50% - 1,75% và năm 2024 là 2,0% - 2,25%. Về lạm phát, cơ quan này dự báo chỉ số PCE có thể ở mức 2,6% vào cuối năm 2022, cao hơn mức 2,2% theo dự báo hồi tháng 09/2021, mặc dù vậy mức dự báo trên vẫn thấp hơn nhiều so với mức PCE 4,1% y/y ghi nhận trong tháng 10/2021. Cuối cùng, Fed dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ năm 2022 sẽ giảm xuống còn 3,5%, gần với mức toàn dụng nhân công.

Các NHTW lớn của Anh (BOE), Châu Âu (ECB) cũng có sự thay đổi về CSTT, trong khi Nhật Bản (BOJ) tiếp tục duy trì sự nới lỏng. Cụ thể, trong phiên họp ngày 16/12, BOE tăng LSCS lên mức 0,25% từ mức 0,1% đã thiết lập kể từ 03/2020. Như vậy, BOE là NHTW lớn đầu tiên nâng LSCS trở lại. Tuy nhiên, cơ quan này tiếp tục duy trì kế hoạch thu mua tài sản với quy mô 895 tỷ GBP. Về phía NHTW Châu Âu ECB, trong cuộc họp cùng ngày 16/12, cơ quan này không thay đổi các mức LSCS nhưng tuyên bố sẽ giảm tốc độ thu mua tài sản của chương trình “Mua trái phiếu trong đại dịch PEPP” và dừng hẳn vào tháng 03/2022. Mặc dù vậy, chương trình “Mua trái phiếu trước đại dịch APP” được ECB tăng quy mô từ 20 tỷ EUR/tháng lên 40 tỷ/tháng vào quý II/2022 và giảm lại còn 30 tỷ/tháng vào quý III. Cuối cùng, tại Nhật Bản, ngày 17/12, BOJ quyết định sẽ duy trì các chính sách nới lỏng với quy mô lớn, trong đó bao gồm việc giữ LSCS ở mức -0,1%. Đáng chú ý là BOJ lên kế hoạch dừng mua TPDN, thu hẹp chính sách hỗ trợ cho các công ty gặp khó khăn do Covid-19. BOJ cho biết sự hỗ trợ các doanh nghiệp lớn sẽ kết thúc vào tháng 03/2022, trong khi cho cách doanh nghiệp nhỏ sẽ kết thúc vào tháng 09/2022.

Trong tuần vừa qua, Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, PPI toàn phần và PPI lõi tại nước Mỹ lần lượt tăng 0,8% và 0,7% m/m trong tháng 11, nối tiếp đà tăng 0,6% và 0,4% của tháng trước đó, đồng thời vượt khá nhiều so với mức tăng 0,5% và 0,4% theo dự báo. Tiếp theo, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại nước này cùng tăng 0,3% m/m trong tháng 11, sau khi cùng tăng 1,8% ở tháng 10, đều thấp hơn dự báo lần lượt tăng 0,9% và 0,8%. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 11/12 ở mức 206 nghìn đơn, tăng lên từ mức 188 nghìn đơn của tuần trước đó và vượt qua mức 196 nghìn đơn theo dự báo. Cuối cùng, sản lượng công nghiệp tại Mỹ tăng 0,5% m/m trong tháng 11 sau khi tăng 1,7% ở tháng 10, gần khớp mức tăng 0,6% theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm