Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 07/12, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.210 VND/USD, tiếp tục tăng mạnh 45 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.650 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.856 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.000 VND/USD, giảm 100 đồng so với phiên 06/12. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.480 VND/USD và 23.550 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 07/12, lãi suất chào bình quân LNH VND đi ngang ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống ngoại trừ giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 2W so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,68%; 1W 0,79%; 2W 0,88 và 1M 1,17%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,13; 1W 0,16%; 2W 0,21%, 1M 0,27%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm ở các kỳ hạn 10Y và 15Y, cụ thể: 3Y 0,68%; 5Y 0,80%; 7Y 1,17%; 10Y 2,09%; 15Y 2,36%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Thị trường phục hồi nhờ hầu hết các cổ phiếu, đặc biệt cổ phiếu vốn hóa lớn, đều tăng điểm. Kết phiên, VN-Index tăng mạnh 33,19 điểm (+2,35%), lên 1.446,77 điểm; HNX-Index cũng tăng mạnh 10,56 điểm (+2,42%) đạt 446,41 điểm; UPCoM-Index tăng 1,66 điểm (+1,52%), đóng cửa tại 110,85 điểm. Thanh khoản thị trường giảm khá mạnh với tổng giá trị giao dịch đạt trên 26.200 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục mua ròng nhẹ hơn 317 tỷ trên cả 3 sàn.
Theo báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, thu NSNN thực hiện 11 tháng đầu năm 2021 ước đạt 103,4% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa ước đạt 100,6% dự toán, tăng 6,2%; thu từ dầu thô ước đạt 164,2% dự toán, tăng 20%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 118% dự toán, tăng 24,3%. Chi NSNN thực hiện 11 tháng năm 2021 ước đạt 75,2% dự toán, trong đó chi thường xuyên đạt 84,4% dự toán; chi trả nợ lãi đạt 81,9% dự toán. Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt 63,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 71,22%), trong đó vốn trong nước đạt 69,19%, vốn ngoài nước chỉ đạt 21,51% kế hoạch.
Tin quốc tế:
Trong phiên họp ngày hôm qua 07/12, NHTW Úc RBA nhận định nền kinh tế của nước Úc đang trên đà phục hồi sau khi bị ảnh hưởng bởi biến chủng Delta của virus Corona. Nguyên nhân chủ yếu do đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine ở mức cao, và nhờ các chính sách hỗ trợ đáng kể. Tỷ lệ lạm phát đã tăng lên, song vẫn ở mức thấp, khoảng 2,1%; chủ yếu do giá dầu và các loại nguyên vật liệu tăng lên trong bối cảnh nguồn cung gián đoạn. Lạm phát được dự báo chỉ ở khoảng 2,5% vào cuối năm 2023. Theo đó, RBA quyết định giữ LSCS ở mức 0,1% không thay đổi so với trước. Đồng thời, cơ quan này duy trì kế hoạch mua TPCP ở mức 4,0 tỷ AUD/tuần, ít nhất kéo dài tới giữa tháng 02/2022. RBA nhắc lại mục tiêu đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát bền vững ở mức 2,0% – 3,0%. Cuối cùng, RBA nhấn mạnh sẽ không tăng LSCS cho tới khi đạt được mức lạm phát mục tiêu này.
GDP của khu vực Eurozone chính thức tăng 2,2% q/q trong quý 3, không thay đổi so với kết quả thống kê sơ bộ. Tại khu vực Liên minh EU, tốc độ tăng trưởng cũng được giữ nguyên ở mức 2,1% q/q. Tiếp theo, tổ chức ZEW khảo sát cho biết niềm tin kinh tế của Eurozone ở mức 26,8 điểm trong tháng 12, tăng lên từ mức 25,9 điểm của tháng 11 và trái với dự báo giảm xuống còn 22,4 điểm. Riêng tại nước Đức, chỉ số niềm tin kinh tế ở mức 29,9 điểm, giảm xuống từ 31,7 điểm của tháng 11, song vẫn cao hơn so với mức 25,3 điểm theo dự báo.
Thu nhập bình quân của người dân Nhật Bản chỉ tăng 0,2% y/y trong tháng 10, bằng với mức tăng của tháng 9 và thấp hơn mức tăng 0,4% theo kỳ vọng. Tiếp theo, sức chi tiêu của các hộ gia đình tại nước này giảm 0,6% y/y trong tháng 10, bớt tiêu cực hơn mức giảm 1,9% của tháng 9 và khớp với dự báo.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB