Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 22/11 - 26/11/2021

08:30 29/11/2021

Tổng quan:

Nhiều kỷ lục vừa được xác lập trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong những phiên vừa qua, các chuyên gia khá tin tưởng vào kịch bản với triển vọng tươi sáng trong 2 tháng cuối năm của thị trường. 

Trong tuần 22-26/11/2021, VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1,500 điểm, mốc đỉnh lịch sử của chỉ sổ. Mặc dù đã giảm xuống dưới mốc này vào phiên cuối tuần, thị trường vẫn được nhận định tích cực trong khi chứng khoán toàn cầu chứng kiến sự sụt giảm mạnh với sự lo ngại về biến chủng Covid-19 mới tăng lên.  

Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam 10 tháng đầu năm 2021, nhận định của giới phân tích cũng khá lạc quan. Về nhà đầu tư tham gia thị trường, theo số liệu Trung tâm Lưu ký Việt Nam VSD vừa công bố, chỉ trong tháng 10/2021 đã hơn 129.500 tài khoản chứng khoán do NĐT cá nhân trong nước mở mới, tăng gần 13% so với tháng trước. Con số này chỉ đứng sau kỷ lục lập vào tháng 6 vừa qua với hơn 140.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong một tháng. Như vậy, thị trường chứng khoán đã chứng kiến 8 tháng liên tiếp số lượng tài khoản mở mới đều nằm trên mốc 100.000. Lũy kế trong vòng 10 tháng đầu năm 2021, đã có gần 1,09 triệu tài khoản do nhà đầu tư cá nhân mở mới, tăng gấp gần ba lần số tài khoản mở mới của cả năm trước, cao hơn tổng số tài khoản đã được nhóm này mở trong cả 4 năm 2017 - 2020 cộng lại (1,03 triệu tài khoản). Số tài khoản mở mới của NĐT cá nhân nước ngoài cũng tăng vọt lên hơn 370 tài khoản, cao nhất kể từ tháng 5 trở lại đây. Tính đến cuối tháng 10/2021, trên TTCK Việt Nam đã có hơn 3,86 triệu tài khoản được mở, trong đó có gần 99% tài khoản do NĐT trong nước nắm giữ (gần 3,83 triệu tài khoản), khoảng 1% còn lại là do NĐT nước ngoài nắm giữ (hơn 38.700 tài khoản).

Về quy mô, tính đến cuối tháng 10/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.462 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2020, tương đương 118,6% GDP. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tính đến cuối tháng 10 đạt 1.685 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cuối năm 2020 với 755 cổ phiếu niêm yết trên 2 Sở GDCK và 896 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục trên 1 tỷ USD mỗi phiên. So với thời điểm VN-Index vượt đỉnh 1.200 và 1.400 điểm, sự khác nhau lớn nhất ở thời điểm này chính là ở dòng tiền đổ mạnh vào thị trường.

Điểm trừ trên thị trường là, trong tháng 10, khối ngoại bán ròng gần 253 triệu USD (khoảng 5,25 nghìn tỷ đồng). Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng gần 2,2 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với mức bán ròng trong năm 2020. Tuy nhiên, cá nhân và tổ chức trong nước mua ròng, cân bằng lại lượng bán ròng của khối ngoại. Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng gần 2,3 nghìn tỷ đồng trong tháng 10, lũy kế mua ròng gần 69 nghìn tỷ đồng từ đầu năm. Áp lực bán ròng từ dòng vốn ngoại không có tác động nhiều đến xu hướng chung, khi mà tỷ trọng giao dịch chỉ còn chiếm khoảng 6-7% tổng thanh khoản toàn thị trường. Thực tế, ghi nhận trên HOSE cho thấy, tỷ trọng này chỉ chiếm còn 4-5%. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò là lực đẩy chính giúp thị trường tăng trưởng lên với tỷ trọng chiếm tới 84%. Tuy nhiên, động thái mua bán của khối ngoại vẫn được xem là chỉ báo thông minh trước mỗi quyết định mua bán của nhà đầu tư trong nước.

Các chuyên gia cho rằng, triển vọng thị trường trong 2 tháng cuối năm 2021 vẫn tích cực, bởi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2021, được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp. Bên cạnh đó, gói kích thích kinh tế mới có thể được thông qua trong quý IV và định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn trong dài hạn. Thị trường còn được nâng đỡ bởi câu chuyện dài hạn về triển vọng nâng hạng thị trường lên các thị trường mới nổi. So sánh tương quan với các thị trường trên thế giới và thị trường trong khu vực, thị trường Việt Nam đang được giao dịch ở mức P/E tương đối hấp dẫn, hiện ở mức khoảng 16,9 lần với mức tỷ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn. Ở chiều ngược lại, các công ty chứng khoán cũng cảnh báo các NĐT các rủi ro chính cần quan sát bao gồm: việc kiểm soát dịch bệnh sau khi nới lỏng giãn cách; rủi ro nợ xấu ngành ngân hàng tăng cao do khả năng trả nợ của người đi vay bị ảnh hưởng và các rủi ro bên ngoài liên quan đến việc khối ngoại rút vốn nếu Mỹ ngưng nới lỏng tiền tệ, cũng như việc các chính sách mới của Trung Quốc có tác động đáng kể đến giá hàng hóa toàn cầu, lạm phát tăng nhanh và NHTW các nước lớn tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, giảm bơm tiền…

Tóm lược thị trường trong nước từ 22/11 – 26/11

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 22/11 - 26/11, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng ở hầu hết các phiên. Chốt tuần 26/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.145 VND/USD, tăng mạnh 33 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.650 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.789 VND/USD.

Tỷ giá LNH trong tuần vừa qua tiếp tục tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 26/11, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.675 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do không biến động nhiều. Chốt tuần 26/11, tỷ giá tự do giữ nguyên ở chiều mua vào trong khi giảm 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.400 VND/USD và 23.430 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 22/11 - 26/11 giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 26/11, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,67% (không thay đổi); 1W 0,77% (-0,01 đpt); 2W 0,86% (-0,01 đpt); 1M 1,09% (-0,06 đpt).

Trong khi đó, lãi suất USD LNH tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 26/11, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,15% (+0,02 đpt); 1W 0,18% (+0,02 đpt); 2W 0,23% (+0,02 đpt) và 1M 0,30% (+0,03 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở, bắt đầu từ tuần 22/11 - 26/11, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.          

Thị trường trái phiếu: Ngày 23/11, NHPTVN huy động thành công 2.000/3.000 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 67%). Trong đó: kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 10 năm huy động được tổng cộng toàn bộ 2.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 1,12%/năm; kỳ hạn 7 năm tại 1,50%/năm; kỳ hạn 10 năm tại 2,35%/năm. Ngày 24/11, KBNN huy động thành công 9.747/11.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 85%). Trong đó: kỳ hạn 5 năm huy động được 170/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động 2.077/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm và 20 năm huy động toàn bộ lần lượt 4.500 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 0,76%/năm (không đổi); kỳ hạn 10 năm tại 2,07%/năm (+0,01%); kỳ hạn 15 năm tại 2,34%/năm (+0,01%); kỳ hạn 20 năm tại 2,78%/năm (-0,03%). Trong tuần có 7.576 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Tuần này từ 29/11 - 03/12, KBNN dự kiến gọi thầu 8.000 tỷ đồng TPCP và VDB dự kiến gọi thầu 3.500 tỷ đồng TPCPBL. Trong tuần này có 574 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.979 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 12.926 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng nhẹ trở lại ở hầu hết các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt phiên 26/11, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,45% (không thay đổi); 2 năm 0,53% (0 đpt); 3 năm 0,67% (+0,01 đpt); 5 năm 0,79% (+0,03đpt); 7 năm 1,15% (+0,04 đpt); 10 năm 2,09% (+0,02 đpt); 15 năm 2,35% (+0,02 đpt); 30 năm 2,97% (+0,01 đpt).              

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 22/11 - 26/11, thị trường diễn biến tích cực khi các chỉ số đều có phiên đạt đỉnh, đồng thời kết tuần trong sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 26/11, VN-Index đứng ở mức 1.493,03 điểm, tương ứng tăng mạnh 40,68 điểm (+2,80%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 4,66 điểm (+1,03%) lên 458,63 điểm; UPCoM-Index tăng 1,10 điểm (+0,97%) lên 114,34 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm so với tuần trước đó với giá trị giao dịch gần 36.800 tỷ đồng/phiên. Chốt tuần, khối ngoại bán ròng mạnh hơn 3.500 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed công bố biên bản cuộc họp đầu tháng 11, đồng thời nước Mỹ đón nhiều thông tin kinh tế quan trọng. Cụ thể, sáng sớm ngày 25/11, Fed công bố biên bản phiên họp của FOMC ngày 04/11, cho rằng việc thiếu hụt nguồn cung sẽ diễn ra lâu hơn dự kiến, qua đó ảnh hưởng tới tốc độ tăng GDP Mỹ trong quý 4/2021. Cơ quan này tiếp tục duy trì LSCS ở mức 0,0% - 0,25%. Tuy nhiên, các thành viên đều đồng ý bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản mỗi tháng từ 80 tỷ USD TPCP và 40 tỷ chứng khoán có đảm bảo (CKCĐB) xuống lần lượt 70 tỷ USD TPCP và 35 tỷ USD CKCĐB kể từ sau cuộc họp, và từ giữa tháng 12 sẽ giảm xuống còn lần lượt 60 tỷ USD TPCP và 30 tỷ CKCĐB. Fed tái khẳng định sẽ dùng mọi công cụ nếu cần thiết, nhằm đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát ổn định ở mức mục tiêu 2,0%. Liên quan tới các chỉ báo kinh tế Mỹ, GDP của nước này tăng 2,1% q/q trong quý 3 theo báo cáo sơ bộ, nối tiếp đà tăng 2,1% ở quý trước đó, tuy nhiên thấp hơn một chút so với mức tăng 2,2% theo kỳ vọng. Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi tại Mỹ tăng 0,5% m/m trong tháng 10, bằng với mức tăng của tháng 9 và cũng khớp với dự báo. Tuy nhiên, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền toàn phần giảm 0,5% m/m trong tháng vừa qua, nối tiếp đà giảm 0,3% của tháng trước đó và trái với dự báo tăng nhẹ 0,2%. Ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 20/11 ở mức 199 nghìn đơn, giảm mạnh xuống từ mức 268 nghìn đơn của tuần trước đó và tích cực hơn nhiều so với mức 259 nghìn đơn theo dự báo. Cuối cùng, chỉ số giá tiêu dùng PCE của Mỹ tăng 0,4% m/m trong tháng 10 sau khi tăng 0,2% ở tháng trước đó, khớp với dự báo của các chuyên gia.

Khu vực Eurozone ghi nhận một số thông tin kinh tế trái chiều. Đầu tiên, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Eurozone ở mức -7 điểm trong tháng 10, giảm xuống từ mức -5 điểm của tháng 9. Tiếp theo, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ của Eurozone lần lượt ở mức 58,6 và 56,6 điểm trong tháng 11, cùng tăng so với mức 58,3 và 54,6 điểm của tháng 10, trái với dự báo giảm xuống còn 57,5 và 53,6 điểm. Tại nước Đức, GDP của quốc gia này chính thức tăng 1,7% q/q trong quý 3, điều chỉnh nhẹ so với mức 1,8% theo thống kê sơ bộ và cũng là dự báo của các chuyên gia. Tuy nhiên, GDP Đức trong quý 3 vẫn tăng mạnh hơn so với mức tăng 1,6% q/q của quý trước đó, và so với cùng kỳ năm 2020, GDP quý 3 của Đức tăng 2,5%. PMI lĩnh vực sản xuất nước Đức ở mức 57,6 điểm trong tháng 11, giảm nhẹ từ mức 57,8 điểm của tháng 10, song vẫn tích cực hơn mứcc 57,0 điểm theo dự báo. PMI lĩnh vực dịch vụ của Đức tháng này đạt 53,4 điểm, tăng từ 52,4 điểm của tháng 10 và trái với dự báo giảm xuống còn 51,4 điểm. Cuối cùng, chỉ số niềm tin kinh doanh tại nước Đức ở mức 96,5 điểm trong tháng 11, giảm từ mức 97,7 điểm của tháng 10 và xuống sâu hơn một chút so với mức 96,8 điểm theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm